logo
title

Du lịch trực thăng: Nhiều bất cập

Cập nhật ngày: 06/07/2013
Hội thảo phát triển dịch vụ trực thăng trong hoạt động du lịch ngày 6/6 do Công ty Trực thăng miền Bắc vừa tổ chức đã mở ra một sản phẩm du lịch mới với nhiều tiềm năng. Điều này thật sự đáng mừng cho ngành Du lịch. Song dòng sản phẩm này chỉ nhằm hướng đến phân khúc thị trường có mức chi trả cao và vẫn tồn tại nhiều bất cập khi khai thác.

Quá nhiều thủ tục

Thực tế, việc sử dụng dịch vụ trực thăng phục vụ du lịch đã được một số doanh nghiệp lữ hành khai thác. Tuyến khai thác hiện tại chủ yếu là bay tham quan vịnh Hạ Long. Các doanh nghiệp đang hướng đến việc sử dụng dịch vụ trực thăng làm phương tiện vận chuyển du khách cho các tuyến Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Giang... nhằm rút ngắn thời gian di chuyển.

Bà Nguyễn Bích Thủy, đại diện Công ty Lữ hành quốc tế Exotissimo cho rằng, du lịch trực thăng được du khách rất quan tâm, tuy nhiên, vấn đề kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, địa hình, thời tiết, hệ thống quản lý, thủ tục bay đã hạn chế sự phát triển. Bên cạnh đó, đại diện của Exotissimo đề xuất việc nâng cao chất lượng máy bay, đào tạo phi công bài bản đảm bảo yêu cầu về giờ bay. Điều quan trọng hơn là phải cung cấp được dịch vụ khi du khách có nhu cầu.

Đại diện Công ty Du lịch Phượng Hoàng – bà Đặng Bích Thọ cũng có nhìn nhận tương tự. Bà Thọ lý giải, Việt Nam có khoảng 300 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, nếu việc quảng bá tốt và phát triển dịch vụ thì nhu cầu vô cùng lớn. Bà Thọ cũng đồng thời bày tỏ mong muốn có sự đột phá về số lượng máy bay, có những máy bay nhỏ đáp ứng được nhu cầu của du khách; bởi dịch vụ trực thăng hiện tại mới chỉ chủ yếu phục vụ cho hoạt động thăm dò khai thác dầu khí và một số hoạt động vận chuyển, cấp cứu, tìm kiếm cứu nạn khác.

Không chỉ doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng cho rằng, để mở được chuyến bay vẫn còn phải thực hiện quá nhiều thủ tục. Đánh giá cao việc phát triển dịch vụ trực thăng phục vụ du lịch, song, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Anh Tuấn vẫn cho rằng tiềm lực của công ty cung cấp dịch vụ trực thăng còn yếu; thủ tục còn nặng nề, rườm rà. Điều này được Giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc Trần Xuân Dinh thừa nhận: “Các thủ tục về mặt quản lý nhà nước thì bắt buộc bất cứ quốc gia nào cũng có. Chúng ta cần giải pháp tốt, đơn vị cung cấp dịch vụ trực thăng tổ chức thế nào, kết nối hệ thống trong quản lý nhà nước ra sao, để thực hiện điều này nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu của du khách mới là điều quan trọng”.

Giá dịch vụ còn cao

Không chỉ quan ngại về các vấn đề kỹ thuật, thủ tục, đại diện các doanh nghiệp còn bày tỏ mong muốn được giảm giá thành bay để thu hút du khách, cũng như chiết khấu nhiều hơn cho doanh nghiệp lữ hành. Đại diện Exotissimo - bà Nguyễn Bích Thủy cho rằng, giá bay trên vịnh Hạ Long nên 90 USD cho 15 phút bay là hợp lý. Bà cũng đề xuất việc chốt giờ bay cho chắc chắn để giảm chi phí cũng như nên có chính sách giảm giá 30% cho các doanh nghiệp lữ hành. Đại diện khách sạn Metropol nhìn nhận, dịch vụ trực thăng là công cụ để du khách tiếp cận dễ hơn các điểm đến xa và khám phá Việt Nam. Tuy nhiên, cần áp dụng mức giá hợp lý vào mùa cao điểm sẽ thu hút khách nhiều hơn; đồng thời tăng cường quảng bá hình ảnh.

Ông Nguyễn Đức Khuynh, đại diện Sở VHTTDL Quảng Ninh, địa phương có dịch vụ trực thăng phục vụ du lịch được thực hiện nhiều nhất cũng đề xuất việc cải thiện giá dịch vụ cho hợp lý.

Về điều này, Giám đốc Công ty Trực thăng miền Bắc Trần Xuân Dinh cho rằng, chi phí dịch vụ là khách quan do nhiều yếu tố cấu thành, từ đầu tư, đội ngũ khai thác bay, quản lý bảo dưỡng chuyên nghiệp, trang thiết bị chuẩn mực... Để giảm giá thành dịch vụ trực thăng, ông Dinh cho rằng, cần có chính sách từ công ty khai thác bay, cần sự hỗ trợ hợp tác chung của hệ thống cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ, hợp tác tốt với các nhà sản xuất máy bay, trang thiết bị; hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành trong quảng bá cũng như hợp tác nguyên tắc.

Có thể nói, hội thảo phát triển dịch vụ trực thăng trong hoạt động du lịch đã đi đúng hướng, tạo được sự đồng thuận của doanh nghiệp lữ hành, nhà cung cấp dịch vụ, cũng như cơ quan quản lý. Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, TCDL sẽ hỗ trợ hết mình trong việc gắn kết các doanh nghiệp lữ hành với nhà cung cấp dịch vụ nhằm thúc đẩy lĩnh vực du lịch trực thăng phát triển.

Nguồn: Báo Du lịch