logo
title

Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài phải ký quỹ 500 triệu đồng

Cập nhật ngày: 21/11/2013
Từ ngày 01/1/2014, "mức ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế là 250 triệu đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam và 500 triệu đồng với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài hoặc kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài".


Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam
phải ký quỹ 250 triệu đồng. (Ảnh: VH)

Đó là một phần nội dung Nghị định số 180/2013/NĐ-CP, ngày 14/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2007/NĐ-CP, ngày 1/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch.

Tại Nghị định này, Chính phủ sửa đổi tên Điều 10 là "Quản lý khu du lịch, điểm du lịch" và bổ sung khoản 3 như sau: "Nội dung quản lý điểm du lịch: Bảo đảm sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch; bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, an ninh, an toàn cho khách du lịch; công khai quy hoạch cụ thể phát triển điểm du lịch đối với điểm du lịch quốc gia có tài nguyên du lịch tự nhiên".

Ở Điều 12, Nghị định mới bổ sung nội dung "kinh doanh lữ hành bao gồm các ngành nghề: kinh doanh lữ hành nội địa, kinh doanh lữ hành quốc tế và kinh doanh đại lý lữ hành". Điều 12 cũng quy định rõ các trường hợp bị thu hồi Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, thủ tục thu hồi Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

Điều 15 về ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế được sửa đổi, bổ sung như sau: "Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế phải ký quỹ theo đúng quy định. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp phải gửi vào tài khoản tại ngân hàng và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Mức ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế là 250 triệu đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam và 500 triệu đồng với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài hoặc kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài. Tiền ký qũy được sử dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh lữ hành".

Nghị định cũng sửa đổi khoản 2 Điều 36 như sau: "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với khu du lịch, điểm du lịch quy định việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tiêu chuẩn, cấp và thu hồi giấy chứng nhận thuyết minh viên".

Bổ sung khoản 1a vào trước khoản 1 Điều 43 như sau: "Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung vào danh mục phí, lệ phí liên quan đến du lịch".

Nghị định này bãi bỏ Điều 42 của Nghị định số 92/2007/NĐ-CP, ngày 1/6/2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch.

Nghị định nêu rõ, doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hoạt động theo đúng nội dung quy định trong giấy phép đã được cấp và trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực phải đăng ký lại phạm vi kinh doanh lữ hành và bổ sung đầy đủ các điều kiện về kinh doanh lữ hành theo quy định của Nghị định này.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2014. 

Nguồn: dangcongsan.vn