logo
title

Phú Yên: Phát huy giá trị của lễ hội sông nước miền biển

Cập nhật ngày: 24/08/2020
Kế thừa và phát huy tinh hoa của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, Phú Yên là một trong những địa phương có nhiều lễ hội dân gian, trong đó có các lễ hội sông nước miền biển.
Lễ hội đua thuyền truyền thống đầm Ô Loan được tổ chức hàng năm. Ảnh: Thiên Lý
 
Không chỉ để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt, tâm linh của người dân, lễ hội còn là nơi diễn ra nhiều loại hình nghệ thuật, thể thao và các trò chơi dân gian. Đây được ví như những giá trị văn hóa phi vật thể trong đời sống tinh thần của người dân.
 
Nhiều lễ hội đặc sắc
 
Hàng năm, trên địa bàn tỉnh diễn ra các lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội sông nước Tam Giang diễn ra tại sông Tam Giang, thuộc phường Xuân Đài, TX Sông Cầu vào mùng 5-6 tháng Giêng; Lễ hội đua thuyền truyền thống đầm Ô Loan (hay còn gọi là lễ hội đầm Ô Loan) diễn ra ở xã An Cư, huyện Tuy An vào mùng 7 tháng Giêng; Lễ hội đua thuyền truyền thống sông Đà Rằng diễn ra tại khu vực bờ kè thuộc phường 6, TP Tuy Hòa vào mùng 7 tháng Giêng và Lễ hội truyền thống sông nước Đà Nông diễn ra tại khu vực cầu Đà Nông thuộc khu phố Phú Lạc, phường Hòa Hiệp Nam, TX Đông Hòa vào mùng 8 tháng Giêng; lễ hội cầu ngư của dân cư ven biển ở xã An Phú, phường 6 (TP Tuy Hòa), xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) và các xã Xuân Hải, Xuân Hòa, Xuân Cảnh, Xuân Thịnh thuộc TX Sông Cầu... vào các tháng 3, 4, 5 âm lịch.
 
Cũng như lễ hội dân gian ở các địa phương khác, lễ hội miền biển và sông nước Phú Yên hướng tới hình ảnh những người đi tiên phong khai hoang mở làng mở nước, anh dũng chống giặc ngoại xâm, hay có công chống thiên tai, cải tạo thiên nhiên, xây dựng cuộc sống...
 
Ông Nguyễn Cho, Trưởng Ban Trị sự lạch Long Thủy, xã An Phú (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Lễ hội cầu ngư truyền thống tại lăng Ông, thôn Long Thủy thể hiện khát vọng của người dân vươn ra đại dương, cầu mong bình an ở vùng biển thường xảy ra bão tố. Lễ hội này có nét chung với lễ hội cầu ngư ở các tỉnh Nam Trung Bộ nhưng cũng có nét đặc trưng của Phú Yên trong các trường đoạn cung nghinh như: nghinh rước thần, trình thiết - khai diên và tế thần theo nghi thức cổ truyền. Đặc biệt, sau phần lễ là phần hội tưng bừng gồm: biểu diễn hát tuồng, hội bài chòi và một số trò chơi dân gian. Đây là dịp để cộng đồng dân cư trong và ngoài địa phương thỏa mái giao lưu, bày tỏ khát vọng và ước vọng cuộc sống”.
 
Còn theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng Phòng VH-TT TX Đông Hòa, giống với lễ hội miền biển và sông nước ở các địa phương khác, những đối tượng được suy tôn, ngưỡng vọng trong lễ hội miền biển và sông nước trên địa bàn Đông Hòa phản ánh phần nào đặc điểm riêng về quá trình hình thành, về nghề nghiệp, điều kiện lao động sản xuất và xã hội của vùng đất đang sinh sống. Vì thế, giá trị văn hóa, nét thẩm mỹ mà nó đưa lại, thái độ tôn kính hay ý thức tri ân và niềm tự hào về tổ tiên là thực tế, cụ thể, gắn liền với điều kiện nghề nghiệp và địa bàn sinh sống. Lễ hội còn có giá trị giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, nghề nghiệp, củng cố tinh thần đoàn kết và khơi gợi sâu sắc lòng tự hào về vùng đất mà người dân đang sinh sống.
 
Gắn lễ hội với du lịch
 
Ông Huỳnh Từ Nhân, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT-DL), nhìn nhận: Hoạt động lễ hội sông nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có những bước chuyển biến mới, nhất là sau khi Chỉ thị 27 của Ban Chấp hành Trung ương về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các văn bản chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL, của tỉnh được ban hành. Công tác hướng dẫn, quản lý của chính quyền trong lễ hội dần dần đi vào nề nếp; vai trò, ý thức, trách nhiệm của người sáng tạo, thụ hưởng văn hóa ngày càng được thể hiện rõ nét; các giá trị, sản phẩm văn hóa được thể hiện qua một số hoạt động trong lễ hội có sự chuyển biến tích cực. Hầu hết lễ hội được thể hiện phong phú, đa dạng về cách thức tổ chức, thành phần tham gia và hoạt động; giữ được những nghi thức truyền thống; tính nghệ thuật, tính cộng đồng và tính thẩm mỹ cao hơn.
 
Tuy nhiên, theo ông Nhân, nhìn một cách tổng thể và nghiêm túc thì công tác tổ chức, hướng dẫn, quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế và tồn tại, cần sớm được khắc phục. Cụ thể là công tác điều hành, hướng dẫn, đảm bảo vệ sinh môi trường... chưa thật sự sâu sát; chưa chú trọng vai trò và sức sáng tạo của nhân dân trong việc tham gia tổ chức lễ hội; chưa tạo được sự hấp dẫn trong việc kết hợp giữa lễ hội và các địa danh, các điểm du lịch hiện có trên địa bàn tỉnh; chưa chú trọng đầu tư và phục vụ....
 
Còn theo ông Lê Ngọc Minh, Phó Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT-DL), để khai thác được những tiềm năng và lợi thế vốn có của mình; bảo tồn, nâng cấp, phát triển các loại hình lễ hội, các hoạt động lễ hội trong phát triển du lịch, cần có một công trình nghiên cứu khoa học mang tính tổng thể về lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh nói chung, lễ hội sông nước miền biển nói riêng. Qua đó xác định, lựa chọn những lễ hội chủ đạo, tiêu biểu của địa phương; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; chú trọng đến địa điểm - nơi tổ chức lễ hội; đa dạng các hoạt động phần hội, kinh phí tổ chức và nguồn nhân lực... 
 
Lễ hội, các hoạt động lễ hội là tiềm năng lớn để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, đặc biệt là du lịch văn hóa gắn với tín ngưỡng, tôn giáo. Sự phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại và sự dày đặc về mật độ chính là tiền đề quan trọng góp phần làm đa dạng hóa các sản phẩm của du lịch Phú Yên.
 
Giám đốc Sở VH-TT-DL Phạm Văn Bảy
 
Thiên Lý
 
Báo Phú Yên