logo
title

Lào Cai: Tiềm năng phát triển dược liệu gắn với du lịch

Cập nhật ngày: 28/12/2021
Nghiên cứu chiến lược phát triển ngành dược liệu tỉnh Lào Cai, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Trần Văn Ơn, giảng viên Trường Đại học Dược Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh ngành nông nghiệp có chuyển hướng lớn từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, ngành thảo dược cần định hướng lại, từ trồng cây thuốc sang kinh tế thảo dược. Một trong những tiềm năng lớn có thể khai thác khi phát triển kinh tế thảo dược tại Lào Cai là gắn với kinh tế du lịch.
Trước đây, khi nhắc đến việc phát triển dược liệu thường được đánh đồng với việc trồng cây thuốc. Theo đó, các hoạt động chính thường bao gồm: Chọn, tạo giống, trồng trọt để tạo ra dược liệu tươi cung ứng cho thương lái hoặc sơ chế, tạo ra dược liệu thô cung ứng cho các doanh nghiệp dược. Các chính sách phát triển dược liệu thường đề cập tới việc trồng cây gì, vùng trồng ở đâu, năng suất cần đạt và các hoạt động hỗ trợ như khoa học - kỹ thuật, tạo giống, sơ chế tại chỗ. Ngày nay, việc phát triển dược liệu không còn đơn thuần là phát triển cây thuốc mà đã chuyển sang phát triển kinh tế thảo dược, quan tâm toàn bộ chuỗi giá trị giúp tối ưu hóa sản xuất và thị trường.
 
 
Người dân Bắc Hà chăm sóc cây dược liệu
 
Kinh tế thảo dược là ngành kinh tế nông - công nghiệp và dịch vụ tổng hợp, không đơn thuần là khai thác dược tính của cây thuốc để điều trị mà còn liên quan đến kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Kinh tế dược liệu là trồng trọt, sơ chế, chế biến, sản xuất, thương mại, dịch vụ giải trí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhằm tạo ra giá trị gia tăng, từ đó khai thác hiệu quả nhất nguồn tài nguyên cây thuốc gắn với đa dạng văn hóa, cảnh quan.
 
Tại Lào Cai, phát triển dược liệu được thực hiện theo Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định 1093 ngày 5/4/2021 phê duyệt Đề án Phát triển cây dược liệu tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là hướng đến phát triển dược liệu hàng hóa, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị dược liệu thông qua các hoạt động du lịch.
 
Sở dĩ, Lào Cai có thể phát triển dược liệu (kinh tế thảo dược) gắn với du lịch là do 2 lĩnh vực này đều có tiềm năng về cảnh quan, thổ nhưỡng, khí hậu và tri thức văn hóa bản địa. Lào Cai có khu, điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý thu hút lượng khách lớn đến tham quan, nghỉ dưỡng hằng năm. Tại các địa phương đều có đặc trưng văn hóa và bản sắc độc đáo, trong đó có tri thức về y học cổ truyền, y học dân gian, có nhiều cây hương liệu và món ăn có tác dụng chữa bệnh, có thể phát triển các tour du lịch tốt cho sức khỏe kết hợp trải nghiệm văn hóa.
 
Bà Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ, xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) là một trong những người tham gia phát triển kinh tế từ thảo dược và du lịch. Theo bà Mẩy, người Dao đỏ có kinh nghiệm trong việc hái các loại thảo dược quý tự nhiên làm nguyên liệu cho các bài thuốc tắm, thuốc ngâm chân, thuốc xoa bóp. Với lợi thế nằm trong khu du lịch Sa Pa, những năm qua, bà đã mở dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao đỏ tại địa phương phục vụ du khách. Không chỉ phát triển kinh tế của riêng gia đình, bà Mẩy cùng nhiều phụ nữ người Dao đỏ trong thôn thành lập Hợp tác xã cộng đồng Dao đỏ sản xuất các loại thuốc tắm và làm dịch vụ du lịch liên quan đến tắm lá thuốc, nghỉ dưỡng. Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ còn thu hái, sơ chế, chế biến các loại thuốc tắm đóng chai.
 
Cách làm của bà Mẩy đã khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế thảo dược gắn với du lịch. Ngoài ra, các sản phẩm từ thảo dược, những món ăn, bài thuốc quý của người dân địa phương cũng đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo.
 
Theo nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Ơn, Lào Cai có tiềm năng triển khai và tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ du lịch sức khỏe, du lịch trải nghiệm nông nghiệp - thảo dược. Du lịch sức khỏe là hình thức gắn du lịch với mục đích nghỉ ngơi, thư giãn, tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần. Du khách có thể nghỉ dưỡng kèm tham gia các khóa tập dưỡng sinh, thiền, tắm lá thuốc, tắm khoáng nóng kết hợp tham quan và trải nghiệm tại các vùng trồng thảo dược, khám phá bản địa, chăm sóc sức khỏe bằng các bài thuốc dân gian đặc trưng, ăn các đồ ăn, thức uống từ thảo dược, từ đó phục hồi sức khỏe, giảm cân cũng như chữa các “bệnh của thời đại” như stress, mỡ máu, huyết áp, tiểu đường… Du lịch sức khỏe và trải nghiệm nông nghiệp, thảo dược cũng góp phần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, mang lại giá trị trải nghiệm phong phú cho khách hàng, đồng thời tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp và cộng đồng.
 
Mai Dương
Báo Lào Cai điện tử