(TITC) – Ngày 20/2/2016, tại Nghệ An đã diễn ra Hội thảo khoa học liên kết phát triển du lịch vùng Bắc – Nam Trung Bộ. Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp tổ chức.
Các đồng chí chủ trì hội thảo
Tham dự hội thảo có Ông Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công An; Ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Ông Trần Bình Minh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Ông Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An; Ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ông Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; Ông Trương Xuân Cừ - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc; Ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT BIDV; lãnh đạo, cán bộ Tổng cục Du lịch và các cơ quan thuộc bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương; gần 400 đại biểu là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực du lịch, kinh tế, giao thông vận tải, các nhà đầu tư, các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch, khách sạn trong cả nước, cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương
Toàn cảnh hội thảo
Vùng Bắc – Nam Trung Bộ đề cập trong hội thảo này là 2 vùng du lịch Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ gồm 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây là vùng có vị trí, vai trò rất quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch quốc gia. Với vị trí địa du lịch thuận tiện trong kết nối với các thị trường trong nước, khu vực và quốc tế, tài nguyên du lịch dồi dào có khả năng phát triển đa dạng loại hình, sản phẩm du lịch (như du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa…), vùng Bắc – Nam Trung Bộ có vai trò quan trọng và thuận lợi trong liên kết vùng, liên kết trong nước và liên kết quốc tế thúc đẩy phát triển du lịch và trở thành một mắt xích quan trọng trong các chương trình du lịch của quốc gia.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên nhấn mạnh vùng du lịch Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ với những lợi thế quan trọng về du lịch đã có những bước phát triển không nhỏ trong thời gian qua. Hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đường bờ biển trải dài với nhiều bãi biển đẹp, tập trung hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của nhiều tập đoàn và doanh nghiệp lớn như FLC, Vingroup, Sungroup… đã từng bước nâng tầm sản phẩm du lịch trong vùng và góp phần tạo dựng thương hiệu cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, tiềm năng và lợi thế của vùng Bắc - Nam Trung Bộ chưa được khai thác hiệu quả tối đa, vai trò của vùng trong đẩy mạnh và nâng cao hình ảnh, thương hiệu các dòng sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa chưa được thúc đẩy tương xứng. Do vậy, mặc dù lợi thế so sánh về du lịch biển của Việt Nam, đặc biệt là của vùng Bắc – Nam Trung Bộ rất lớn nhưng chưa thực sự trở thành lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Để góp phần tạo dựng hình ảnh đồng bộ và nhất quán của du lịch Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, một trong những giải pháp đột phá và cấp bách là đẩy mạnh liên kết chặt chẽ và hiệu quả giữa các địa phương trong vùng Bắc – Nam Trung Bộ trong tạo dựng thương hiệu du lịch biển của vùng, từ đó tạo cú huých thúc đẩy phát triển du lịch toàn vùng. Trong đó, các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đóng vai trò là động lực phát triển du lịch, những mắt xích quan trọng trong liên kết. Để du lịch vùng Bắc – Nam Trung Bộ có bước phát triển mạnh và bền vững, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan, không thể thiếu vai trò quan trọng của các chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cả cộng đồng, trong đó đặc biệt là sự đầu tư của các tập đoàn và doanh nghiệp cho phát triển du lịch vùng Bắc – Nam Trung Bộ.
Ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT BIDV phát biểu tại hội thảo
Phát biểu đề dẫn hội thảo, với vai trò là đơn vị khởi xướng ý tưởng, đồng tổ chức và tài trợ, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT BIDV cho rằng những kết quả du lịch của vùng Bắc – Nam Trung Bộ trong những năm qua chưa tương xứng với tiềm năng do nhiều nút thắt làm cho chất lượng sản phẩm và điểm đến du lịch còn yếu, trong đó nguyên nhân cơ bản là do cơ sở hạ tầng du lịch. Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà khẳng định trong giai đoạn 2016 – 2020, BIDV cam kết tiếp tục hỗ trợ các địa phương vùng Bắc – Nam Trung Bộ phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, tập trung vào các nội dung: Tư vấn phát triển du lịch; Cung ứng vốn tín dụng triển khai dự án hạ tầng du lịch; Đầu tư phát triển hệ thống các cơ sở lưu trú, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải chí đa chức năng, hiện đại; Hỗ trợ triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, ông Trần Bắc Hà kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện về cơ chế chính sách để các địa phương trong vùng phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các cơ chế ưu đãi tạo lợi thế cạnh tranh cho vùng Bắc – Nam Trung Bộ trong thu hút đầu tư hạ tầng du lịch và đẩy mạnh các hình thức hợp tác công – tư trong xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Tăng cường phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ VHTTDL và các địa phương trong vùng Bắc – Nam Trung Bộ trong lập kế hoạch, kiểm tra, giám sát về phân bổ và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Tăng cường vai trò Ban điều phối vùng, Nhóm tư vấn phát triển vùng, Quỹ nghiên cứu phát triển Duyên hải Miền Trung và các Quỹ đầu tư phát triển các tỉnh, thành phố thông qua cơ chế đối thoại thường xuyên nhằm tạo môi trường lành mạnh thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.
Ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao sáng kiến của BIDV và ý nghĩa quan trọng của hội thảo liên kết phát triển du lịch vùng Bắc – Nam Trung Bộ. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, do đó cần chú trọng đẩy mạnh liên kết giữa các ngành và các vùng nhằm thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển; đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về du lịch thực sự là ngành kinh tế và tuân theo các quy luật kinh tế. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các địa phương vùng Bắc – Nam Trung Bộ cần nhận thức sâu về lợi thế tĩnh và động của từng địa phương, hiểu rõ thực trạng phát triển du lịch của vùng trên các phương diện môi trường du lịch, hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch…; đồng thời, học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch của các nước bạn, xác định động lực liên kết rõ ràng và đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên kết với các vùng khác trong nước và liên kết quốc tế dựa trên lợi thế cạnh tranh; phân định rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng trong đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe nhiều tham luận về thúc đẩy phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ, tập trung vào các vấn đề: xác lập chuỗi và định hình đẳng cấp; vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong liên kết phát triển du lịch vùng Bắc – Nam Trung Bộ; tổ chức quản lý điểm đến vùng – mô hình cần thiết cho liên kết phát triển du lịch…
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tổng kết hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định hội thảo có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao, được tổ chức nhằm đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch của vùng Bắc – Nam Trung Bộ, từ đó đưa ra các giải pháp liên kết phát triển. Các nhóm giải pháp quan trọng và mang tính đột phá bao gồm: (1) tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của du lịch; (2) ban hành những chính sách thu hút đầu tư và thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; (3) tạo ra các chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn thông qua nhận diện đúng giá trị của điểm nổi trội và khác biệt; (4) liên kết theo trục dọc Bắc – Nam và liên kết theo cụm tiểu vùng; liên kết trong quy hoạch, liên kết phát triển sản phẩm, xúc tiến, quảng bá, xây dựng và định vị thương hiệu, trao đổi khách và đào tạo nguồn nhân lực; (5) Quản lý điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo niềm tin và sức hấp dẫn đối với khách du lịch.
Lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc – Nam Trung Bộ
Hội thảo cũng đã chứng kiến lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc – Nam Trung Bộ. Theo đó, nội dung ký kết tập trung vào các vấn đề: Hợp tác trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch; Hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; Hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch; Hợp tác phát triển nhân lực du lịch, theo nguyên tắc thống nhất về chủ trương, chính sách, nội dung hợp tác chính và xuyên suốt.
Bài: Hồng Nhung, ảnh: Anh Dũng