logo
title

Tọa đàm Bàn tròn Bộ trưởng về hợp tác du lịch

Cập nhật ngày: 13/04/2016
Trong khuôn khổ Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2016, sáng ngày 10/4/2016, tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức tọa đàm bàn tròn Bộ trưởng về hợp tác du lịch.

Tham dự Tọa đàm có nguyên Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban Chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia 2016 - Hoàng Tuấn Anh; Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang - Đặng Tuyết Em; Thứ trưởng Bộ VHTTDL - Đặng Thị Bích Liên; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - Mai Anh Nhịn. Về khách quốc tế có: Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia - Thong Khon; Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào - Bosengkham Vongdara; Thứ trưởng Bộ Du lịch Indonesia - I Gde Pitana; Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam - Vnukov Konstantin Vasilievich; Giám đốc cơ quan Du lịch quốc gia Philippines tại Việt Nam, Indonesia và Thái Lan - Maria Corazon Jorda Apo; Đại sứ Indonesia tại Việt Nam - Ibnu Hadi.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau phân tích, đánh giá tình hình hợp tác trong thời gian qua, đồng thời đưa ra các nhận định về xu hướng mới trong phát triển du lịch cũng như đề xuất về định hướng hợp tác trong thời gian tới.

Trên tinh thần đó, về hợp tác đa phương, sẽ tăng cường ủng hộ lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác trên các cơ chế đa phương như Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), ASEAN-Nga… phối hợp triển khai các chương trình, kế hoạch, hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm, các sự kiện lớn của thế giới; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm về quản lý điểm đến, phát triển du lịch bền vững; phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch chung góp phần thu hút khách du lịch từ các nước thứ ba; tăng cường kết nối giữa các quốc gia dưới các hình thức hàng không, đường bộ, đường biển; tạo thuận lợi đi lại hơn nữa cho khách du lịch.

Về hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước: Đối với Campuchia và Lào, đề xuất đẩy mạnh thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch giữa Việt Nam-Campuchia và Kế hoạch hợp tác văn hóa, nghệ thuật và du lịch giữa hai bên giai đoạn 2016-2020, chú trọng liên kết sản phẩm du lịch bằng đường bộ và hỗ trợ lẫn nhau trong hội nhập khu vực và quốc tế.

Đối với Thái Lan, đề xuất hai bên ký Kế hoạch hợp tác du lịch Việt Nam-Thái Lan nhân kỷ niệm 40 năm Quan hệ ngoại giao giữa hai nước, chú trọng liên kết sản  phẩm và xúc tiến quảng bá chung đến các thị trường trọng điểm.

Đối với Philippines, đề xuất tăng cường thúc đẩy kết nối hàng không và trao đổi kinh nghiệm về phát triển du lịch biển và du lịch văn hóa.

Đối với Indonesia, đề xuất tăng cường thúc đẩy kết nối hàng không và trao đổi kinh nghiệm về phát triển du lịch tàu biển giữa hai bên.

Đối với Nga, hai bên có thể tiếp tục thúc đẩy hơn nữa việc tạo điều kiện thuận lợi về thị thực nhập cảnh, kết nối hàng không trực tiếp giữa hai nước và xây dựng cơ chế thanh toán thuận lợi trong giao dịch giữa các doanh nghiệp, hỗ trợ Việt Nam nói riêng và các quốc gia ASEAN nói chung tham dự các hội chợ du lịch quốc tế tổ chức tại Nga, tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam và ASEAN tại Nga.

Phát biểu tại Tọa đàm, nguyên Bộ trưởng Bộ VHTTDL – Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh, năm 2015, ngành Du lịch Việt Nam đã đạt được kết quả quan trọng, ngăn chặn được đà suy giảm khách du lịch quốc tế trong 6 tháng đầu năm, đón khoảng 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 1% so với  năm 2014, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ cho năm 2016. Trong Quý I năm 2016, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 2,5 triệu lượt, tăng 20% so với cùng ký năm 2015 với mức tăng cao đạt được đối với hầu hết các thị trường, trong đó từ Đông Bắc Á tăng 38%, từ Châu Âu tăng 19% và từ Bắc Mỹ tăng 22%. Tăng trưởng khách du lịch quốc tế từ các thị trường trong khu vực cũng đạt mức cao, trong đó từ Thái Lan tăng 32%; từ Philippines tăng 18%, từ Indonesia tăng 11%; thị trường Nga trong Quý I năm 2016 có sự tăng trưởng mạnh mẽ với mức 14% so với Quý I năm 2015.

Để đạt được kết quả đó, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, tiêu biểu là chính sách miễn thị thực nhập cảnh, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển du lịch và chính sách tăng cường quản lý điểm đến du lịch. Nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp tại miền Trung, Phú Quốc, Hạ Long… đi vào hoạt động, tạo cơ sở cho việc đón khách du lịch nghỉ dưỡng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Các hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2015 - Thanh Hóa đã tạo bước đột phá, đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch giữa các khu vực. Năm 2015, nhiều điểm đến và thương hiệu của Du lịch Việt Nam được trao tặng những danh hiệu cao quý, tiêu biểu là Việt Nam được Tạp chí Telegraph (Vương quốc Anh) bình chọn là một trong 20 điểm đến đáng đi du lịch nhất thế giới năm 2015; vịnh Hạ Long và hang Sơn Đoòng được Tạp chí Global Grasshopper bình chọn trong nhóm 10 địa danh đẹp ấn tượng nhất hành tinh; khu nghỉ dưỡng Inter Continental Da Nang Sun Peninsula Resort tiếp tục nhận giải Khu nghỉ dưỡng sang trọng nhất thế giới năm 2015 của World Travel Awards.

Nguyên Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định: Đạt được những kết quả trên, bênh cạnh sự cố gắng của Việt Nam, sự hợp tác, hỗ trợ của các nước trong khu vực và trên thế giới đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan, các nước trong khu vực như Indonesia và Philippines và các nước bạn bè truyền thống như Liên bang Nga và các nước khác.

Với các nước láng giềng, thông qua Hợp tác Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng (GMS), Hợp tác 04 nước Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam (ACMECS) và các thỏa thuận hợp tác song phương, 05 nước trong khu vực đã có sự gắn bó chặt chẽ với các sản phẩm du lịch và các hoạt động xúc tiến quảng bá chung, bước đầu tạo ra hình ảnh điểm đến chung 05 nước.

Đối với các nước ASEAN khác như Indonesia và Philippines, sự liên kết giữa các nước đã trở nên ngày càng chặt chẽ sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức được thành lập từ 31.12.2015. Nhiều thỏa thuận liên kết chặt chẽ giữa các nước đã được thực hiện trong những năm qua, tiêu biểu là Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN (MRA), miễn thị thực nhập cảnh cho công dân mang hộ chiếu phổ thông, các tiêu chuẩn chung về dịch vụ du lịch, các hoạt động liên kết sản phẩm, xúc tiến quảng bá chung. Cùng với các hoạt động hợp tác song phương, có thể nói, hợp tác với các nước trong khu vực ASEM đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam trong thời gian qua.

Đối với các nước bạn bè truyền thống, Việt Nam luôn trân trọng và đề cao sự hợp tác, giúp đỡ quý báu của Liên bang Nga và các nước khác trong thời gian vừa qua. Kết quả hợp tác đó đã thể hiện rõ qua một số lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam với gần 340.000 lượt năm 2015, tăng trưởng trung bình 33%/năm giai đoạn 2010-215.

Tối cùng ngày (10/4/2016), vào lúc 20 giờ, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn các nước đã tham dự Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Khám phá đất phương Nam”, diễn ra tại sân bay Phú Quốc cũ, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc (Kiên Giang).

Nguồn: bvhttdl