Ngày 8.5.2016, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai năm 2016.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cùng các đại biểu quốc tế tại Hội nghị Ảnh: Trần Huấn
Tham dự và chủ trì Hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cùng sự tham gia của gần 700 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; các chuyên gia, học giả; các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Đừng làm mất vẻ lãng mạn của Sa Pa
Mười năm trước đây tôi cùng một du khách người Pháp cùng nhau ngồi ở Sa Pa. Ông ấy bảo cứ như là ngồi ở Thụy Sỹ vậy vì lãng mạn quá. Bây giờ sau 15 năm trở lại tôi thấy Sa Pa đã mất đi rất nhiều chất lãng mạn ngày ấy… (TS Trần Du Lịch)
|
Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai nhằm giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh, đồng thời tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai. Đây cũng là diễn đàn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận về chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư cũng như khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ nhằm thúc đẩy hơn nữa các nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh cho tỉnh Lào Cai.
Theo ông Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai thì trong những năm qua, du lịch Lào Cai đã có những bước phát triển mang tính đột phá, duy trì tốc độ tăng trưởng cao, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội ngày càng lớn và toàn diện, đóng góp 11,5% GRDP toàn tỉnh. Phát triển du lịch đã trở thành một định hướng, một chủ trương quan trọng của tỉnh Lào Cai.
Năm 2015, Lào Cai đã đón trên 2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 600.000 lượt khách quốc tế và trên 1.400.000 lượt khách nội địa, tổng thu nhập xã hội từ khách du lịch đạt trên 4.600 tỉ đồng. Phát triển kinh tế du lịch cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành khác như: Giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, văn hóa, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nâng cao thu nhập cho người dân trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo; Du lịch cũng là nhân tố thúc đẩy phục hồi một số giá trị văn hoá, truyền thống và lịch sử của dân tộc; hỗ trợ bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, vệ sinh, môi trường, trật tự an toàn xã hội; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và các địa phương, mở rộng giao lưu giữa các vùng, miền trong nước và nước ngoài.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV đánh giá Lào Cai là một trong các địa phương có môi trường đầu tư tốt nhất vùng Tây Bắc và cả nước. Trong giai đoạn 2011-2015, Lào Cai luôn trong top 5 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng cao nhất cả nước, trong đó có những chỉ tiêu rất tốt như: cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cùng các đại biểu quốc tế tại Hội nghị Ảnh: Trần Huấn
Theo báo cáo Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2015, chỉ tiêu công khai minh bạch của Lào Cai tăng 15 bậc, thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ công tăng 38 bậc. Bên cạnh đó, Lào Cai còn được ghi nhận là địa phương có cam kết mạnh mẽ và có đội ngũ lãnh đạo tâm huyết, quan tâm đồng hành cùng với doanh nghiệp... Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, thách thức trong thu hút đầu tư vào Lào Cai trong đó quy mô nền kinh tế còn thấp, trong khi một số chỉ tiêu năng lực cạnh tranh của tỉnh có chiều hướng sụt giảm. Thứ hạng của Lào Cai có chiều hướng sụt giảm trên bảng xếp hạng PCI (từ hạng 1 năm 2011 xuống hạng 5 năm 2015); trong đó một số chỉ tiêu sụt giảm mạnh như: Gia nhập thị trường (tụt 17 bậc), tiếp cận đất đai (tụt 27 bậc), chi phí không chính thức (tụt 44 bậc). Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, hạn chế hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đừng để Sa Pa thành phố chợ !
Lào Cai phải đặt vấn đề đẳng cấp trong phát triển du lịch và phải luôn gắn với tư tưởng hội nhập, với cách nhìn mình là điểm kết nối Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Cần phải bỏ tư tưởng phát triển du lịch theo sản lượng vì nó rất nguy hiểm: tiêu tốn nhiều tài nguyên, chi phí ít và đẳng cấp thấp. Du lịch phải có tầm sâu về văn hóa và không được làm mất đi bản sắc riêng của mình, đừng để Sa Pa thành phố chợ. (PGS.TS Trần Đình Thiên )
|
Về cơ chế chính sách, Lào Cai hiện vẫn thiếu cũng như chậm ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư CSHT theo hình thức công tư (PPP), phát triển nguồn nhân lực và KHCN. Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật trong một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, còn thiếu tính nghiêm minh, công khai và minh bạch. Đặc biệt về du lịch thì hạ tầng du lịch chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của địa phương: Cơ sở lưu trú tiêu chuẩn 3-5 sao chỉ chiếm khoảng 20% tổng số cơ sở lưu trú của toàn tỉnh; các bến đỗ đậu xe tại các điểm, KDL chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng vận tải hành khách, ăn uống chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt những ngày cuối tuần, các dịp nghỉ lễ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng TCDL cho rằng Lào Cai là một trong những địa phương có vị trí chiến lược trong phát triển du lịch các tỉnh miền núi phía Bắc. Lào Cai hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi và nguồn lực cần thiết cho phát triển du lịch. Vị trí chiến lược quan trọng; hệ thống tài nguyên tự nhiên và văn hóa hết sức phong phú, đa dạng; lợi thế về khí hậu, cảnh quan và địa hình; bề dày về kinh nghiệm phát triển và liên tục mở rộng phát triển du lịch; cơ sở hạ tầng khá phát triển cùng nhiều nguồn lực khác về dân cư, lao động và các điều kiện kinh tế - xã hội khác.
Lào Cai nằm liền kề thị trường lớn Trung Quốc, là cửa ngõ của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, thu hút lượng khách từ thị trường nguồn lớn này tới các trọng điểm du lịch quan trọng phía bắc, đồng thời đi sâu vào các điểm du lịch miền Trung, miền Nam. Đây cũng là một trong những cửa ngõ chính để khách đường bộ Trung Quốc qua Việt Nam sang các nước Đông Nam Á.
Trên tuyến du lịch vùng miền núi phía Bắc. Lào Cai cũng nằm ở vị trí thuận lợi để kết nối các tỉnh trên tuyến hành trình du lịch Tây Bắc – Đông Bắc, các cung đường du lịch quan trọng đang được quan tâm phát triển trong thời gian gần đây của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên có thể thấy rõ rằng đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, cáp treo lên đỉnh Fansipan tạo thuận lợi phát triển du lịch nhưng cũng đang tạo ra một số thay đổi về hướng phát triển du lịch. Ngày lưu trú của khách giảm, hình thành nhiều tuyến du lịch kết hợp khiến du lịch Lào Cai có chức năng trung chuyển lớn hơn trước. Khách đến Lào Cai xuất hiện mới nhóm khách du lịch “đại trà”.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thăm một gian hàng giới thiệu sản phẩm (ảnh trên) và trình diễn dệt thổ cẩm
Tăng trưởng mạnh về khách đại trà và giảm khách quốc tế, khách nội địa chi trả cao chủ yếu là khách du lịch sinh thái, vốn là thị trường khách chính của Fansipan và hầu hết các điểm du lịch của Lào Cai. Do vậy, Lào Cai cần phát huy tối ưu lợi thế về vị trí địa lý, đa dạng hoá các loại sản phẩm tour kết nối Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Côn Minh qua Lào Cai nhằm đẩy mạnh thị trường Trung Quốc; Thu hút các thị trường khách nội địa từ xa, các vùng miền Trung, miền Nam thông qua cửa ngõ Hà Nội. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả của quá trình liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng để xây dựng nhiều tuyến sản phẩm kết nối hơn nữa trong vòng cung Tây Bắc và tuyến liên kết Đông – Tây Bắc...
Tăng mạnh nhóm khách “đại trà”
Đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, cáp treo lên đỉnh Fansipan tạo thuận lợi phát triển du lịch nhưng cũng đang tạo ra một số thay đổi về hướng phát triển du lịch. Ngày lưu trú của khách giảm, hình thành nhiều tuyến du lịch kết hợp khiến du lịch Lào Cai có chức năng trung chuyển lớn hơn trước. Khách đến Lào Cai xuất hiện mới nhóm khách du lịch “đại trà”. Tăng trưởng mạnh về khách đại trà và giảm khách quốc tế, khách nội địa chi trả cao chủ yếu là khách du lịch sinh thái, vốn là thị trường khách chính của Fansipan. (Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng TCDL)
|
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế nhận định, trong giai đoạn hiện nay Lào Cai có hai tọa độ kết nối được thiết lập. Một là đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, có đường kết nối thì cửa khẩu thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch sẽ phát triển và thứ hai là tuyến cáp treo Fansipan đã tạo cơ hội cho nhiều người đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Lào Cai.
Đã thấy tầm quan trọng của văn hóa
Phát biểu tại Hội nghị, GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc cho biết: Ông liên tiếp được mời dự nhiều hội nghị đầu tư phát triển du lịch, với tư cách là người nghiên cứu về văn hóa, ông cho rằng như vậy là vị trí của văn hóa trong du lịch đã được coi trọng. “Người nước ngoài đi du lịch đến Việt Nam là vì văn hóa, để tìm hiểu về văn hóa Việt Nam chứ để tìm đến nhà cao, cửa rộng thì họ sẽ không cần đến với chúng ta”, ông khẳng định.
|
Do vậy, phải đặt vấn đề đẳng cấp trong phát triển lên và luôn phải gắn với tư tưởng hội nhập, vấn đề thương mại biên mậu. Lào Cai cần phải có chiến lược biến mình thành một trung tâm của khu vực ASEAN, là điểm kết nối của ASEAN với Trung Quốc. Đối với việc phát triển du lịch, cần phải xác định du lịch trên tầm khác, phải đặt trên nền tảng văn hóa sâu hơn nữa. Lãnh đạo Lào Cai cần nghiên cứu cách nâng tầm du lịch lên và phải làm thường xuyên. Cần phải bỏ cách tiếp cận du lịch theo kiểu sản lượng. Phát triển du lịch theo hướng sản lượng rất nguy hiểm, tiêu tốn nhiều tài nguyên, chi phí ít và đẳng cấp rất thấp. Nên Lào Cai phải đặt mục tiêu đẳng cấp du lịch từ đó mới có chiến lược phù hợp.
TS Trần Du Lịch nhận định, hiện nay Sa Pa so với 15 năm trước đã mất đi cái vẻ tự nhiên, lãng mạn vốn có của nó. Vì vậy, muốn phát triển du lịch Sa Pa phải quy hoạch là một đô thị du lịch đúng nghĩa. Sa Pa có một vị trí, không gian hình thành một phong cách phương Tây. Tuy nhiên vấn đề nguồn nhân lực là vấn đề khó khăn nhất hiện nay. Tư tưởng “nông dân làm du lịch” ở đồng bằng đã khó, việc sử dụng lao động là người dân tộc lại càng khó hơn. Do vậy việc phát triển du lịch cần được triển khai đồng bộ có chiến lược, các cấp chính quyền cần có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, có chính sách ưu đãi.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng hoan nghênh và đánh giá cao việc Lào Cai phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch; biểu dương Lào Cai đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống nhân dân trong thời gian qua. Trong thời gian tới, để việc xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch đạt những kết quả khả quan, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tỉnh Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp; coi lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của chính mình. Cùng với đó, Lào Cai cần tập trung huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn lao động; nâng cao mức sống của người dân, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn; tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch… Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Lào Cai và các nhà đầu tư cần đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và các vị khách giao lưu cùng các nghệ sĩ tại đêm khai mạc “Lễ hội Du lịch mùa hè Sa Pa 2016”
Trước đó tối 7.5, tại sân vận động thị trấn Sa Pa (Lào Cai) đã diễn ra đêm khai mạc Lễ hội Du lịch mùa hè Sa Pa lần thứ nhất năm 2016. Đây là sự khởi đầu cho chuỗi các Lễ hội bốn mùa của Sa Pa, nhằm giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước những nét độc đáo, nhân văn của đất và người Sa Pa.
|
Tạ Đình Dũng; ảnh: Trần Huấn