logo
title

Những con số bất ngờ về xếp hạng du lịch Việt Nam

Cập nhật ngày: 20/05/2016
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF-2015, chỉ số cạnh tranh về Du lịch và Lữ hành của Việt Nam năm 2014, về tổng thể du lịch Việt Nam đứng thứ 75/141 quốc gia.

Theo đó, nhóm Tính cạnh tranh về giá, xếp thứ 22/141. Trong đó, cao nhất là chỉ số “Sức mua tương đương” xếp thứ 16/141 và thấp nhất là chỉ số “Chỉ số giá khách sạn (US$)” xếp thứ 42/141.

Nhóm Tài nguyên văn hóa và kinh doanh du lịch, xếp thứ 33/141. Trong đó, cao nhất là chỉ số “Số lượng di sản văn hóa phi vật thể và văn hóa truyền miệng” xếp thứ 12/141; thấp nhất là chỉ số “Số lượng các cuộc họp hiệp hội thế giới” xếp thứ 53/141

Nhóm Tài nguyên thiên nhiên, xếp thứ 40/141. Trong đó, cao nhất là chỉ số “Tổng số loài được biết đến” xếp thứ 22/141; thấp nhất là chỉ số “Chất lượng của môi trường tự nhiên” xếp thứ 132/141.

Nhóm Nguồn nhân lực lao động và thị trường lao động, xếp thứ 55/141. Trong đó, cao nhất là chỉ số “Sự tham gia của lực lượng lao động nữ (% so với nam giới)” xếp thứ 23/141; thấp nhất là chỉ số “Mức độ dễ dàng tìm kiếm nhân viên có nghề” xếp thứ 107/141.

Nhóm Môi trường kinh doanh, xếp thứ 66/141. Trong đó, cao nhất là chỉ số “Tỷ suất thuế khác (% lợi nhuận)” xếp thứ 10/141; thấp nhất là chỉ số “Số ngày bắt đầu kinh doanh” xếp thứ 119/141.

Nhóm Cơ sở hạ tầng vận chuyển hàng không, xếp thứ 68/141. Trong đó, cao nhất là chỉ số “Số lượng ghế trên chuyến bay nội địa/tuần (triệu)” xếp thứ 18/141; thấp nhất là chỉ số “Mật độ sân bay trên một triệu dân đô thị” xếp thứ 98/141.

Nhóm An ninh và an toàn, xếp thứ 75/141. Trong đó chỉ số cao nhất là “Chỉ số của tỷ lệ khủng bố” xếp thứ 1/141.

Nhóm Sức khỏe và vệ sinh an toàn thực phẩm, xếp thứ 83/141. Trong đó, cao nhất là chỉ số “Số người mắc bệnh sốt rét trên 100000 dân” xếp thứ 25/141; thấp nhất là chỉ số “Tiện ích vệ sinh (% dân số)” xếp thứ 89/141.

Nhóm Cơ sở hạ tầng mặt đất và bến cảng, xếp thứ 87/141. Trong đó, cao nhất là chỉ số “Mật độ đường trải nhựa (km trên diện tích bề mặt)” xếp thứ 45/141; thấp nhất là chỉ số “Chất lượng hệ thống giao thông đường bộ” xếp thứ 104/141.

Nhóm Sự cởi mở đối với quốc tế, xếp thứ 89/141. Trong đó, cao nhất là chỉ số “Tính mở của song phương vận chuyển hàng không ASA” xếp thứ 43/141; thấp nhất là chỉ số “Yêu cầu về visa” xếp thứ 119/141.

Nhóm Sự sẵn có của công nghệ thông tin, xếp thứ 97/141. Trong đó cao nhất là chỉ số “Sự dụng mobiphone trên 100 dân” xếp thứ 40/141; thấp nhất là chỉ số “Mobile phủ sóng (% dân số) xếp thứ 128/141.

Nhóm Hạ tầng dịch vụ du lịch, xếp thứ 105/141. Trong đó cao nhất là chỉ số “Máy ATM chấp nhận thẻ Visa trên 1 triệu dân” xếp thứ 66/141; thấp nhất là chỉ số “Đề nghị mở rộng các chuyến đi với mục đích kinh doanh” xếp thứ 125/141.

Nhóm Ưu tiên dành cho du lịch và lữ hành, xếp thứ 119/141. Trong đó, cao nhất là chỉ số “Tính kịp thời của dữ liệu du lịch” xếp thứ 86/141; thấp nhất là chỉ số “Chi tiêu của chính phủ cho du lịch và lữ hành (% trên tổng ngân sách nhà nước) xếp thứ 122/141.

Nhóm Tính bền vững về môi trường, xếp thứ 132/141 quốc gia. Trong đó, cao nhất là chỉ số “Tình trạng thiếu nước” xếp thứ 49/141; thấp nhất là chỉ số “Tính nghiêm ngặt của các quy định về môi trường” xếp thứ 128/141.

Chính sách VISA góp phần phát triển du lịch

Cũng liên quan đến du lịch, hiện nay, chính sách VISA hay đơn giản hóa thị thực nhập cảnh là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần tăng cường thu hút khách du lịch.
Chính sách miễn thị thực nhập cảnh thể hiện mức độ mở cửa, chào đón, hiếu khách của điểm đến du lịch, là một trong những điều kiện đủ để có thể thực sự thu hút khách du lịch quốc tế, từ việc cải thiện việc cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi về quy trình, thủ tục, áp dụng chế độ ưu đãi riêng biệt đối với một số thị trường và phân khúc khách du lịch ưu tiên, cấp thị thực điện tử E-Visa, cấp thị thực tại cửa khẩu, tham gia các thỏa thuận khu vực đến miễn thị thực nhập cảnh.

Chính sách thị thực càng đơn giản, khả năng thu hút khách du lịch càng cao. Theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên Hợp quốc (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) năm 2014, các biện pháp đơn giản hóa thị thực nhập cảnh có thể giúp Việt Nam tăng thêm số lượng khách du lịch quốc tế trong khoảng 8,2% đến 17,8% so với mức tăng trưởng cơ sở dựa trên thời điểm nghiên cứu.

Trong khi đó, Báo cáo Năng lực cạnh tranh ngành du lịch của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2015 cho thấy,  du lịch Việt Nam xếp hạng 75 trong tổng số ngành du lịch của 141 nền kinh tế, nhưng về mức độ mở cửa với quốc tế, Việt Nam xếp hạng 89, trong đó yêu cầu về thị thực xếp hạng 119, chỉ hơn Myanmar (hạng 132).

Yến Nhi



 

Nguồn:VnMedia.vn