Tại dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất quy định điều kiện kinh doanh lữ hành.
Ảnh minh họa
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Luật Du lịch 2005 quy định khá chi tiết điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng quy định đơn giản điều kiện kinh doanh lữ hành nội địa.
Việc quy định điều kiện kinh doanh lữ hành đang tồn tại các vấn đề sau đây: Quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Trên thực tế, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế là một hình thức để cơ quan có thẩm quyền công nhận việc doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế đã bảo đảm đủ các điều kiện kinh doanh (bao gồm cả việc ký quỹ đặt cọc để bảo đảm việc đền bù cho khách du lịch nếu doanh nghiệp vi phạm các quy định pháp luật). Đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa không yêu cầu phải có giấy phép và không phải ký quỹ đặt cọc. Như vậy tạo ra sự không đồng bộ với hệ thống pháp luật và ngay chính bản thân các quy định của Luật Du lịch 2005, tạo nên sự không công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa.
Bộ này cũng cho biết, hiện nay, pháp luật về du lịch mới chỉ có quy định cấp giấy phép cho doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế mà chưa quy định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa. Vì không quy định về điều kiện cấp phép kinh doanh lữ hành nội địa nên thiếu các hình thức quản lý đối với đối tượng này và cũng không quy định các điệu kiện kinh doanh như phải ký quỹ, hướng dẫn viên du lịch và những quy định tại Luật du lịch 2005 chỉ mang tính hậu kiểm. Trên thực tế không thể quản lý được các doanh nghiệp này, thậm chí kinh doanh lữ hành mà không thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định này không phù hợp với thực tiễn mà cụ thể là không đem lại sự công bằng giữa các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, pháp luật về du lịch chưa có quy định cụ thể về việc đăng ký hoạt động kinh doanh lữ hành như kinh doanh khách du lịch nghề đối với các hoạt động kinh doanh lữ hành nên dẫn tới tình trạng khó kiểm soát được hoạt động của các đối tượng này.
Bên cạnh đó, hiện không quy định việc bắt các doanh nghiệp lữ hành nội địa phải báo cáo về hoạt động; không thống nhất với pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp.
Để bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, xác định được số lượng và đưa ra những biện pháp quản lý hữu hiệu trong hoạt động lữ hành, tăng cường quản lý nhà nước để tránh những hậu quả pháp lý do chỉ thực hiện công tác hậu kiểm; bảo đảm an toàn hơn đối với khách du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất 3 phương án có thể lựa chọn cho vấn đề này: Phương án A: Giữ nguyên các quy định của Luật du lịch 2005; Phương án B: Giữ nguyên đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh lữ hành và chỉ quy định các điều kiện bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư; Phương án C: Bổ sung đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh lữ hành cũng như các điều kiện bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư.
Phân tích các phương án trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, phương án A không gây xáo trộn hệ thống cấp, quản lý giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; không phát sinh thêm chi phí cho việc cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế tuy nhiên nếu giữ nguyên như các quy định của Luật Du lịch 2005 thì sẽ không khắc phục được các tồn tại, bất cập như đã ở trên và dẫn tới việc không đạt được mục tiêu của chính sách.
Phương án B khắc phục được một số tồn tại, bất cập như đã phân tích tại phần cơ sở đề xuất chính sách, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư; không gây xáo trộn hệ thống cấp, quản lý giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế; không phát sinh thêm chi phí cho việc cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế. Tuy nhiên, áp dụng phương án này sẽ không khắc phục được các tồn tại, bất cập như đã phân tích ở trên, dẫn tới việc không đạt được mục tiêu của chính sách.
Phương án C sẽ khắc phục được các tồn tại, bất cập như đã phân tích tại phần cơ sở đề xuất chính sách và đạt được mục tiêu của chính sách mà cụ thể là: Bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Xác định được số lượng và đưa ra những biện pháp quản lý hữu hiệu trong hoạt động lữ hành. Tăng cường quản lý nhà nước để tránh những hậu quả pháp lý do chỉ thực hiện công tác hậu kiểm. Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn hơn đối với khách du lịch do có tiền ký quỹ của doanh nghiệp để giải quyết những rủi do ban đầu; đồng bộ giữa quy định của pháp luật về du lịch và pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp. Tuy nhiên, áp dụng phương án này sẽ tăng chi phí và gánh nặng cho các tổ chức, cá nhân có liên quan cũng như cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý giấy phép kinh doanh lữ hành do phải nộp phí thẩm định đối với việc cấp giấy phép của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, tăng số lượng giấy phép kinh doanh phải quản lý. Đồng thời phải có một lộ trình thực hiện phù hợp để tránh các xác trộn hoạt động của các cá nhân, tổ chức có liên quan. Quy định chuyển tiếp các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa không phải thành lập lại nhưng phải làm thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành.
So sánh giữa các phương án cho thấy, Bộ nhận thấy hiệu quả nhất là lựa chọn phương án C là bổ sung đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh lữ hành cũng như các quy định cụ thể liên quan đến việc cấp, sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành.
Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh lữ hành
Theo tinh thần trên, dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành phải đáp ứng được những điều kiện sau:
1- Là doanh nghiệp đã đăng ký ngành nghề kinh doanh lữ hành
2- Có phương án kinh doanh, địa điểm, trang thiết bị phục vụ kinh doanh lữ hành. Việc đánh giá đủ điều kiện về địa điểm, trang thiết bị phục vụ kinh doanh lữ hành được thực hiện 5 năm một lần hoặc đột xuất theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
3- Người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành du lịch trở lên và có giấy chứng nhận nghiệp vụ điều hành du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp.
4- Đã ký quỹ theo quy định. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể về địa điểm, trang thiết bị phục vụ kinh doanh lữ hành và tổ chức kỳ thi cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ điều hành du lịch.
Tuệ Văn