Từ ngày 4.6, Air New Zealand mở đường bay thẳng TP.HCM - Auckland. Bộ trưởng Giáo dục sau Đại học - Phát triển Kinh tế - Khoa học và Phát minh New Zealand ông Steven Joyce dành cho Thanh Niên cuộc phỏng vấn nhân sự kiện này.
* Xin chào bộ trưởng. Trông ông rất quen...
- Bộ trưởng Steven Joyce: Đây đã là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 4 của tôi trong 8 năm qua. Còn nếu chỉ tính từ năm ngoái, đây là chuyến thứ 3. Quan hệ song phương Việt Nam - New Zealand phát triển nhanh chóng đòi hỏi mối liên hệ mạnh mẽ ở cấp bộ trưởng. Bản thân tôi chịu trách nhiệm về phát triển kinh tế và công nghiệp giáo dục quốc tế của New Zealand. Vậy là tôi phụ trách những lĩnh vực quan trọng trong quan hệ song phương New Zealand - Việt Nam rồi.
Bộ trưởng Steven Joyce trao bằng tốt nghiệp cho một sinh viên tại TP.HCM trong một chuyến thăm Việt Nam năm 2015 (Ảnh: Hà Ánh)
* Vậy ông đánh giá đường bay thẳng TP.HCM - Auckland (New Zealand) sẽ đóng góp gì cho mối quan hệ đang phát triển mạnh mẽ đó?
- Trong lĩnh vực giáo dục hiện đã có hơn 2.000 du học sinh Việt Nam tại New Zealand. Các học viện, đại học hai nước cũng đang hợp tác mạnh mẽ. Đường bay thẳng là cơ hội thuận tiện hơn bao giờ hết để kết nối sinh viên, các học viện, giúp tăng cơ hội hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Du lịch tất nhiên là lĩnh vực dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Trong 3 năm qua đã có hơn 70.000 khách du lịch New Zealand đến Việt Nam. Con số này sẽ còn tăng mạnh với đường bay thẳng. Chúng tôi cũng hi vọng sẽ có nhiều người Việt đến New Zealand hơn.
Nhìn rộng hơn, tôi nghĩ chúng ta có thể mong đợi sự kết nối gia tăng mạnh mẽ giữa người dân và doanh nghiệp hai nước. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định tự do mậu dịch ASEAN - Úc - New Zealand (AANZFTA) đã tạo ra các khung pháp lý rất thuận tiện để làm ăn. Đó là lý do vì sao tôi rất vui mừng với động thái của Air New Zealand: trao cơ hội để doanh nhân hai nước kết nối và sử dụng hiệu quả các khung pháp lý đó.
Bộ trưởng Steven Joyce (Ảnh: AFP)
* Một cách cụ thể, đường bay thẳng sẽ trao cơ hội gì cho sự phát triển giao thương của hai nước giữa bối cảnh TPP và AANZFTA, thưa ông?
- Hẳn là người dân nước này sẽ tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ của nước kia dễ dàng hơn rất nhiều. Một công ty New Zealand giờ đây có thể đến Việt Nam trong vòng chưa đầy 12 giờ đồng hồ, nhanh hơn trước đây 25%. Mà bạn biết đấy, người ta vẫn thường nói thời gian là tiền bạc. Các loại thực phẩm tươi sống cũng có thể đến thị trường của nhau trong khoảng thời gian nhanh kỷ lục, mở ra các cơ hội giao thương mới.
“ Việt Nam, New Zealand và các thành viên TPP đã tham gia thiết lập luật giao thương cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ 21 và hưởng lợi từ nó ngay từ đầu. Khi nó đã được tất cả các nước thành viên chuẩn thuận, nó sẽ định hình dòng chảy thương mại và đầu tư trong khu vực chúng ta. Trong bối cảnh đó, chúng tôi đã nhìn thấy Việt Nam nổi lên là một trung tâm sản xuất. Cả New Zealand và Việt Nam đều là những nước rất cần giao thương. Theo tôi, chúng ta không có lựa chọn đứng ngoài một thứ có vai trò thay đổi quan quan trọng như TPP ”
Bộ trưởng Joyce nhận định
|
* Tôi nhớ là hàng ngàn người dân New Zealand đã đổ ra đường phản đối TPP ngay trong ngày nó được 12 thành viên ký kết ở Auckland. Có phải nông dân New Zealand sợ không cạnh tranh lại với sản phẩm nông nghiệp từ những thành viên có tính cạnh tranh cao như Mỹ? Ở Việt Nam, nông dân cũng có cùng mối lo ngại vì ngành nông nghiệp của chúng thôi, dù là thu nhập chính của đa phần người dân nông thôn, lại kém phát triển hơn hầu hết thành viên TPP, rất khó để cạnh tranh với họ ngay trên sân nhà, xuất khẩu thì rất khó khăn do các hàng rào phi thuế quan.
- Người New Zealand có quan điểm mạnh lắm và họ lại thích thể hiện quan điểm. Chúng tôi nghĩ việc họ có thể biểu tình một cách trật tự và thể hiện quan điểm là điều tốt. Nhưng sự thật là TPP mang lại cơ hội rất lớn cho New Zealand.
Cũng giống như Việt Nam, New Zealand là một đất nước rất cần giao thương. Chúng tôi xuất khẩu đến 90% sản phẩm nông nghiệp. Chúng tôi luôn cần phải tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu mới và tìm cách tăng cường tính cạnh tranh của chúng tôi. Các thỏa thuận thương mại là một trong những công cụ để làm điều đó và chưa từng có một thỏa thuận nào lớn hơn TPP.
Ngành nông nghiệp New Zealand có tính cạnh tranh rất cao và rất thích hợp với TPP nhưng mối lo ngại chính của chúng tôi là các thị trường thành viên không mở cửa đủ rộng cho chúng tôi, nhất là trong ngành sữa và các sản phẩm từ sữa.
Lễ ký kết TPP đã diễn ra tại Auckland (New Zeland) hồi tháng 2 vừa qua (Ảnh: AFP)
Ở Việt Nam, câu chuyện có thể khác đi một chút trong bối cảnh định hướng ngành nông nghiệp của các bạn khác chúng tôi. Các bạn là nhà sản xuất chủ chốt nhiều sản phẩm nông nghiệp như gạo, hải sản, trái cây, rau xanh... TPP là cơ hội để tăng cường xuất khẩu các sản phẩm này và nhiều sản phẩm khác nữa. Tôi đã đọc một số nghiên cứu đánh giá rằng Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất trong số tất cả các thành viên TPP. Đó là vì TPP trao cơ hội để Việt Nam tập trung cao độ vào những thế mạnh của mình, tăng trưởng và tạo công ăn việc làm. Điều này đã xảy ra ở New Zealand trong nhiều năm và vẫn tiếp tục ngay cả ở hiện tại.
Các đối tác quốc tế đã cam kết sẽ cùng hợp tác với Việt Nam trong suốt quá trình thực thi TPP và trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế. New Zealand và Việt Nam cũng đang thực thi Chương trình làm việc hợp tác kinh tế trong khuôn khổ AANZFTA để giúp Việt Nam tận dụng được lợi ích của các thỏa thuận thương mại. Chúng tôi mong muốn tiếp tục các công việc này để đảm bảo Việt Nam có thể thi hành và hưởng lợi từ TPP.
Kiều Oanh