logo
title

5 biện pháp chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành

Cập nhật ngày: 08/07/2016
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai ngay 5 biện pháp để kịp thời chấn chỉnh và lành mạnh hóa môi trường kinh doanh du lịch tại các địa phương.

Khách du lịch Trung Quốc tại Nha Trang. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà

Ngày 6/7, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã ký ban hành Công văn số 2583 /BVHTTDL-TCDL về việc chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch tại các địa phương.

Công văn nêu rõ, thời gian gần đây, hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn khách du lịch tại một số địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa… có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Đặc biệt là hiện tượng người nước ngoài trực tiếp tham gia vào các hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn khách du lịch trái pháp luật, thậm chí xuyên tạc văn hóa, lịch sử Việt Nam. Đây không chỉ là những hành vi vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động du lịch, chất lượng dịch vụ và hình ảnh du lịch Việt Nam.

Bộ VHTT&DL đã chỉ đạo Thanh tra Bộ, Tổng cục Du lịch phối hợp với các đơn vị chức năng của các địa phương thực hiện các đợt thanh, kiểm tra hoạt động du lịch tại một số địa phương. Tuy nhiên, do đặc thù của thị trường khách và sự tiếp tay của một số tổ chức, cá nhân người Việt Nam, nên việc xử lý các hiện tượng, hành vi trên chưa triệt để, gây bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh điểm đến của du lịch Việt Nam.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh lữ hành trái phép của người nước ngoài tại các địa phương, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng trên, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành, nhất là các địa phương trọng điểm đón khách du lịch quốc tế triển khai ngay 5 biện pháp sau:

Thứ nhất, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh du lịch, nhất là hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực du lịch.

Thứ hai, chỉ đạo Sở Du lịch, Sở VHTT&DL các tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn xây dựng kế hoạch khai thác các thị trường du lịch trọng điểm kèm theo các giải pháp quản lý, phát triển sản phẩm phù hợp. Bộ trưởng lưu ý, với những địa phương chuẩn bị khai thác các thị trường lớn như thị trường Trung Quốc cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nơi đã đón thị trường khách du lịch này để có chính sách quản lý phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của khách du lịch.

Đồng thời quản lý, giám sát chặt chẽ để phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức cá nhân người nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam. Phải kiên quyết xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép kinh doanh, thẻ hướng dẫn viên của các doanh nghiệp, cá nhân có hành vi tiếp tay bao che cho các hoạt động bất hợp pháp của doanh nghiệp, người nước ngoài.

Thứ ba, đề nghị UBND các cấp chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn như công an, lao động, thương binh và xã hội, quản lý thị trường phối hợp với ngành du lịch tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý lao động nước ngoài hành nghề trái phép cũng như các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch bán hàng bằng ngoại tệ, không niêm yết giá, bán hàng kém chất lượng, lừa đảo khách du lịch. Kiên quyết trục xuất và cấm nhập cảnh đối với các trường hợp lợi dụng du lịch vào Việt Nam lao động bất hợp pháp hoặc hoạt động hướng dẫn trái phép.

Thứ tư, tăng cường vai trò của các hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp trên địa bàn trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền việc thực thi pháp luật. Kiểm tra, giám sát và có cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật, không để các tổ chức, cá nhân nước ngoài lợi dụng, trục lợi bất chính.

Giải pháp thứ năm là hoan nghênh và khuyến khích các tổ chức và cá nhân phát hiện, cung cấp thông tin liên quan đến hướng dẫn viên nước ngoài hoạt động trái phép, có những hành vi xuyên tạc lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam cho các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Bộ VHTT&DL giao Thanh tra Bộ là đầu mối triển khai, chỉ đạo các hoạt động thanh, kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc để người nước ngoài kinh doanh, hoạt động trái pháp luật tại Việt Nam; Tổng cục Du lịch là đầu mối tiếp nhận thông tin, đề xuất của các địa phương về những chính sách, giải pháp cụ thể đối với những thị trường đặc thù, cũng như hướng dẫn các địa phương về công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn.

Để kịp thời chấn chỉnh và làm lành mạnh môi trường kinh doanh du lịch tại các địa phương, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp trên, kiên quyết xử lý nghiêm túc, triệt để các trường hợp vi phạm pháp luật, báo cáo kết quả thực hiện và kiến nghị về Bộ (qua Tổng cục Du lịch) trước ngày 30/8 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nguyệt Hà

Nguồn: Báo chính phủ