(TITC) – Ngày 13/9/2016, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch phối hợp với Văn phòng Điều phối Du lịch Mekong tổ chức Hội thảo xây dựng Chiến lược Du lịch Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).
Hội thảo được tổ chức tại Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc nhằm tham vấn các nước về điều chỉnh, cập nhật Chiến lược phát triển du lịch Tiểu vùng giai đoạn 2016-2025.
Tham dự hội thảo có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu; TS. Walter Jamieson – chuyên gia về du lịch Tiểu vùng GMS; cán bộ các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch; đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ GTVT, Ngân hàng Phát triển châu Á, Dự án ESRT, Dự án TIIG, các doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam và các cơ sở đào tạo du lịch trên địa bàn Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đánh giá cao Nhóm Công tác du lịch và Văn phòng Điều phối Du lịch Mekong đã triển khai thành công Chiến lược du lịch GMS giai đoạn 2005-2015. Năm 2015, Tiểu vùng GMS đón 57,8 triệu lượt khách quốc tế (cao hơn 5,6 triệu lượt so với kế hoạch đề ra là 52,2 triệu lượt), tổng thu từ khách du lịch đạt 63,7 tỷ USD (vượt 11,3 tỷ USD so với kế hoạch đề ra là 52,4 tỷ USD). Các nước Tiểu vùng đã thông qua Chiến lược marketing du lịch đến năm 2020 đánh dấu bước tiến mới, tạo định hướng chính sách xúc tiến và đề ra chương trình hành động nhằm thúc đẩy phát triển du lịch GMS.
Ông Siêu nhấn mạnh xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Tiểu vùng giai đoạn mới cần xem xét thực trạng phát triển, cơ hội và thách thức của Tiểu vùng; đảm bảo phù hợp với chính sách và kế hoạch phát triển du lịch ASEAN; đồng thời cũng cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, các nước đối tác, tổ chức quốc tế nhằm gia tăng nguồn lực triển khai Chiến lược du lịch GMS.
Theo TS. Walter Jamieson, dự thảo chiến lược giai đoạn mới tập trung vào các định hướng chiến lược: Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển hạ tầng du lịch; Tăng cường những dịch vụ và trải nghiệm có trách nhiệm; Triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến và marketing du lịch đầy sáng tạo; Tạo điều kiện thuận lợi đi lại trong khu vực.
Các đại biểu đã thảo luận về tầm nhìn, định hướng của Chiến lược, sự gắn kết, bổ sung giữa Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và Tiểu vùng, sự tham gia của doanh nghiệp và các nhà tài trợ trong triển khai Chiến lược; đề xuất dự án Việt Nam ưu tiên thực hiện để đạt mục tiêu của Chiến lược.
TS. Walter Jamieson ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các đại biểu, đặc biệt là hai ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên tiềm năng phát triển du lịch đường sông của Tiểu vùng, chú trọng đến yếu tố tạo trải nghiệm độc đáo và sự khác biệt; nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về phát triển du lịch, từ đó mới có thể phát huy sự tích cực tham gia của tất cả các bên liên quan trong phát triển du lịch.
Hồng Nhung