logo
title

Tăng cường công tác quản lý hoạt động du lịch mạo hiểm

Cập nhật ngày: 26/09/2016
(TITC) – Ngày 22/9, tại TP. Đà Lạt, Tổng cục Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo “Quy chế tạm thời tổ chức, quản lý và khai thác hoạt động kinh doanh du lịch mạo hiểm”.

Toàn cảnh hội thảo (Nguồn: Sở Du lịch Lâm Đồng)

Bản dự thảo Quy chế gồm 5 Chương, 15 Điều, quy định về quy trình, thủ tục tham gia tổ chức, khai thác kinh doanh hoạt động du lịch mạo hiểm; Điều kiện kinh doanh du lịch mạo hiểm đối với tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm có du lịch mạo hiểm; Các điều kiện đối với khách du lịch khi tham gia các hoạt động du lịch mạo hiểm; Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu, điểm du lịch và các doanh nghiệp lữ hành…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những đánh giá về thực trạng quản lý, tổ chức và khai thác loại hình du lịch mạo hiểm trên cả nước hiện nay, chia sẻ kinh nghiệm nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của du khách và phát triển du lịch mạo hiểm thành một sản phẩm du lịch đặc thù, thu hút khách du lịch.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho biết, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục gửi lấy ý kiến các Sở VHTTDL, Sở Du lịch, các khu điểm du lịch, các ban ngành liên quan và chuyên gia trong lĩnh vực du lịch mạo hiểm để hoàn chỉnh Dự thảo báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL xem xét, quyết định. Đồng thời tham mưu Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Thông tư về việc hướng dẫn quản lý hoạt động này, làm căn cứ cho các địa phương chủ động xây dựng và ban hành Quy chế quản lý phù hợp với điều kiện tại địa phương.

Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên hùng vĩ, nhiều địa điểm của Việt Nam, trong đó có tỉnh Lâm Đồng đã và đang khai thác loại hình du lịch mạo hiểm, thu hút nhiều du khách tham gia trải nghiệm, đặc biệt là khách quốc tế với đa dạng các loại hình như: Ca nô, chèo thuyền kayak, cưỡi ngựa, đi xe đạp địa hình núi, đu dây (zip-lining), leo núi, nhảy dù, trượt cát, thám hiểm hang động, thám hiểm rừng rậm, trò chơi trượt máng nước, các môn thể thao dưới nước như đi mô tô nước, lướt ván…

Tuy nhiên loại hình này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng tới an toàn tính mạng và tài sản của du khách khi tham gia. Do đó, việc ban hành văn bản pháp luật để điều chỉnh hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này là cần thiết, góp phần giải quyết những khó khăn trong quá trình quản lý, tổ chức khai thác và tham gia vào các hoạt động du lịch mạo hiểm của các cơ quan, đơn vị tổ chức và khách du lịch.

Trước đó, trong ngày 21/9, các đại biểu đã tham gia 2 chương trình khảo sát thực tế loại hình du lịch mạo hiểm tại Lâm Đồng là đu dây vượt thác và hành trình trên cao tại khu du lịch Datanla, TP. Đà Lạt.

Thanh Tâm

Nguồn: TITC