Vừa qua, tại Ninh Thuận, Tổng cục Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá và kết nối tour, tuyến du lịch. Dự hội nghị có đông đảo các doanh nghiệp du lịch, đại diện các hãng lữ hành kinh doanh dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh.
Quang cảnh hội nghị
Ninh Thuận là một tỉnh nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác: Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang. Là tỉnh có tiềm năng về phát triển du lịch với nhiều điểm đến hấp dẫn đối vối du khách trong nước và quốc tế như: Vườn quốc gia Núi Chúa; Vườn Quốc gia Phước Bình cùng nhiều danh lam thắng cảnh phong phú, đa dạng khác, như: Bãi biển Ninh Chữ; Cà Ná; Bình Tiên; Vịnh Vĩnh Hy; Đồi cát Nam Cương; Ninh Chữ Bay; Hang Rái; Khu du lịch thể thao mạo hiểm Tanyoli… Ngoài ra, Ninh Thuận còn là nơi có nền văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào Chăm. Đến nay, hầu như nhiều tháp Chăm như: Pô Klông Garai, Pô Rômê… đều còn nguyên vẹn.
Nhiều đại biểu cho rằng, Ninh Thuận có dư tiềm năng để khai thác phát triển du lịch, nhưng tiềm năng ấy chưa được đánh thức là do Ninh Thuận chưa có sản phẩm du lịch chỉnh chu, công tác quảng bá, truyền thông quá mờ nhạt… Do đó, chưa thể sánh ngang tầm với các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận.
Theo ông Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, hiện nay, đa phần du khách rất thích trải nghiệm du lịch biển, du lịch sinh thái để tận hưởng những nét đẹp hoang sơ, kỳ thú. Do đó, Ninh Thuận nên có phương án phòng tránh ô nhiễm biển cũng như tránh tác động tới hệ sinh thái rừng tự nhiên.
Ông Phan Bửu Toàn, hiến kế: “Ninh Thuận nên chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp phục vụ du lịch. Khuyến khích người dân vùng làng nghề, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cùng làm du lịch. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông về tới các vùng làng nghề, vườn quốc gia để du khách khám phá, trải nghiệm mô hình du lịch gần gũi thiên nhiên theo lợi thế của tỉnh”.
Ông Nguyễn Trung Tây Đô, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn Tourist cho biết, tiềm năng văn hóa vật thể, phi vật thể, đặc sản tại địa phương chưa được ngành du lịch khai thác xứng tầm với tiềm năng.
“Có rất nhiều đặc sản đã tạo nên sự thèm khát của du khách như: Thịt dê, cừu; nho; vang nho… nhưng các đặc sản ấy lại không có thương hiệu để tạo mức độ tin cậy cho du khách. Nên liên kết tứ giác vùng để tạo chuỗi liên kết hỗ trợ nhau để có cơ sở vững chắc phát triển du lịch” - ông Nguyễn Trung Tây Đô, bộc bạch.
Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, du lịch được tỉnh xác định là ngành kinh tế mũi nhọn thứ hai trong sáu trụ cột phát triển kinh tế - xã hội. Với xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, tỉnh đang đầu tư hạ tầng cho ngành du lịch; đẩy mạnh việc tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng nguồn nhân lực và tích cực trong liên kết vùng, liên kết phát triển với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt đã liên kết chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Lâm Đồng là những trung tâm trung chuyển du lịch lớn của cả nước để đẩy mạnh liên kết tour, tuyến phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, Ninh Thuận có nhiều sản phẩm nổi trội và khác biệt so với nhiều nơi khác, nên Ninh Thuận có thể làm giàu từ du lịch. Vấn đề đặt ra là, bên cạnh sự đầu tư của tỉnh, cần tìm nhà đầu tư chuyên nghiệp hơn, an toàn về nguồn vốn và tâm huyết với du lịch… Đến lúc đó, tin rằng hàng năm, Ninh Thuận sẽ thu hút được nhiều du khách bằng loại hình du lịch sinh thái biển, rừng gắn với làng nghề, đền tháp…
Ninh Thuận hiện có 325 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận địa điểm đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 115 nghìn tỷ đồng. Tất cả các dự án trên tập trung chủ yếu vào sáu nhóm ngành trụ cột được tỉnh ưu tiên phát triển. Trong đó lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại có 17 dự án. Đây là tín hiệu vui, là cơ sở để tỉnh Ninh Thuận phát triển du lịch bền vững với đặc thù và lợi thế của riêng mình, từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.