(TITC) - Ngày 11/10/2016, tại TP Hạ Long, Sở Du lịch Quảng Ninh đã tổ chức buổi tọa đàm phát triển du lịch Quảng Ninh nhằm xây dựng được những sản phẩm du lịch chất lượng phục vụ khách du lịch và mở rộng quan hệ đối tác với các hãng lữ hành trong cả nước. Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch, hơn 60 doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong, ngoài tỉnh và các cơ quan báo chí.
Toàn cảnh tọa đàm (Ảnh: Báo Du lịch)
Quảng Ninh được đánh giá là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của Việt Nam. Theo báo cáo của đại diện Sở Du lịch Quảng Ninh, hiện Quảng Ninh có 157 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 1-5 sao; 180 tàu lưu trú du lịch; 47 doanh nghiệp lữ hành; 9 bãi tắm du lịch; 58 cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách… Quảng Ninh có 4 trung tâm du lịch: Uông Bí – Đông Triều – Quảng Yên với sản phẩm chính là du lịch tâm linh, văn hóa; Hạ Long và vùng phụ cận với sản phẩm du lịch cảnh quan, văn hóa, mua sắm, giải trí; Vân Đồn – Cô Tô với sản phẩm du lịch tâm linh, biển đảo, giải trí; Móng Cái với sản phẩm du lịch biển kết hợp biên mậu. Hàng năm, Quảng Ninh thu hút một lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan. Trong 9 tháng đầu năm 2016, Quảng Ninh đón 6,8 triệu lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế chiếm 2,6 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 9.580 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và khả năng đáp ứng của du lịch Quảng Ninh và để thu hút khách du lịch đến với Quảng Ninh nhiều hơn, lưu lại lâu hơn thì cần giải quyết một số tồn tại, hạn chế mà Du lịch Quảng Ninh đang gặp phải. Tại buổi tọa đàm các đại biểu tham gia đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp tập trung ở một số vấn đề như: quản lý bán vé tham quan Vịnh Hạ Long cho các đơn vị lữ hành đưa khách đến Hạ Long; đầu tư các nhà hàng phục vụ khách chất lượng cao; tăng cường thu hút khách du lịch vào mùa thấp điểm; quy hoạch bãi đỗ xe tại các khu du lịch; cơ chế hỗ trợ quảng bá thu hút khách du lịch đến các điểm du lịch mới; bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên; hỗ trợ, đẩy mạnh việc xúc tiến quảng bá các điểm đến du lịch mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch địa phương…
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (TCDL) nhấn mạnh, để có sự phát triển đồng bộ, đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh tế, du lịch Quảng Ninh cần có sự vào cuộc của các cấp ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp.
Cảm ơn những ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp du lịch lữ hành và các cơ quan truyền thông, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Quảng Ninh Trịnh Đăng Thanh cho biết sẽ tổng hợp và đề xuất với lãnh đạo tỉnh các giải pháp phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế để du lịch Quảng Ninh phát triển, xứng đáng là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước.
Trước đó, trong hai ngày 09 - 10/11, Sở Du lịch Quảng Ninh đã phối hợp với Vụ Lữ hành (TCDL) tổ chức đoàn khảo sát cho đại diện hơn 40 doanh nghiệp lữ hành, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khảo sát một số điểm du lịch tại Quảng Ninh.
Hương Lê