logo
title

Hút khách bằng sự thân thiện

Cập nhật ngày: 16/01/2017
Vượt qua giai đoạn sụt giảm lượng khách liên tiếp năm 2014 - 2015, du lịch Việt năm 2016 đã ghi dấu ấn bằng con số 10 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu 400.000 tỷ đồng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, năm 2017, Việt Nam sẽ tiếp tục tạo dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện để hấp dẫn du khách.

Con số hơn 10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2016 (tăng 26% so với năm 2015) được đánh giá là “kỳ tích” của du lịch. Đâu là lực đẩy để có thành công đó, thưa ông?

- Sau 2 năm 2014 và 2015, du lịch Việt phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, lượng khách sụt giảm liên tiếp, buộc chúng ta phải biến thách thức thành cơ hội để phát triển. Định hướng xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã trở thành định hướng chiến lược của du lịch. Mặc dù chịu tác động lớn từ sự cố môi trường biển, nhưng bù lại là sự quan tâm vào cuộc của toàn xã hội khiến du lịch không còn là… “ngôi sao cô đơn”. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cao cấp phát triển mạnh, tạo cơ sở cho việc đón khách du lịch nghỉ dưỡng chỉ tiêu cao, lưu trú dài ngày. Đặc biệt, Tổng cục Du lịch đã tăng cường quảng bá, xúc tiến với chiến dịch E-maketting; mạnh tay tiến hành các biện pháp thay đổi hình ảnh du lịch Việt, nhất là trong các cơ sở lưu trú nhằm dẹp tình trạng “loạn sao”… Nhờ đó, du lịch Việt ngày càng an toàn, hấp dẫn du khách.

Dù năm 2016 hoạt động quảng bá, xúc tiến đã được đẩy mạnh, nhưng giới chuyên môn vẫn cho là điểm yếu của du lịch Việt?

- Từ trước tới nay, kinh phí cho hoạt động quảng bá, xúc tiến của chúng ta còn rất hạn chế, với khoảng 2 triệu USD/năm, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực nên chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, năm 2017, công tác xúc tiến quảng bá sẽ được tăng cường và đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức. Ngoài các phương thức truyền thống như tham gia hội chợ, đón các đoàn Fam, press, tổ chức phát động thị trường tại nước ngoài, sẽ đẩy mạnh ứng dụng marketing điện tử.

Năm 2017, Tổng cục sẽ đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính tăng kinh phí từ nguồn dự phòng và các nguồn khác cho công tác quảng bá, xúc tiến; đồng thời tăng cường nguồn xã hội hóa cho hoạt động này. Đặc biệt, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở nước ngoài được hưởng lợi từ hoạt động hợp tác du lịch với Việt Nam cùng tổ chức sự kiện. Chẳng hạn, năm 2016, Tổng cục Du lịch triển khai 5 chương trình xúc tiến, quảng bá ở 16 địa phương của Trung Quốc, nhưng chỉ phải bỏ ra khoảng 2,5 tỷ đồng. Trong khi đó, các DN Trung Quốc chi hơn 5 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động này. Đây là hình thức liên kết quảng bá hiệu quả và tiết kiệm.

Năm 2016, dù phải chịu ảnh hưởng nặng nề do sự cố môi trường biển, nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn tăng gần 2 triệu lượt, vậy mục tiêu tăng 1,5 triệu lượt khách quốc tế năm 2017 có hơi khiêm tốn, thưa ông?

- Sở dĩ chúng tôi đưa ra mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn là vì du lịch có thể sẽ chịu tác động từ biến động kinh tế, chính trị, xã hội thế giới. Song 1,5 triệu khách quốc tế không phải là mục tiêu “cứng”, ngành du lịch sẽ nỗ lực hết sức để vượt xa mục tiêu ban đầu.

Ngoài đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, năm 2017, du lịch Việt sẽ làm gì để tạo đà cho những năm tiếp theo?

- Năm 2016, chiến dịch nâng cao hình ảnh du lịch Việt thông qua việc duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ trong hệ thống khách sạn và cơ sở lưu trú đã thu được kết quả tốt, tạo chuyển biến trong nhận thức của xã hội. Tổng cục Du lịch đã nhắc nhở khoảng 80 khách sạn, thu hồi quyết định công nhận hạng sao của 38 khách sạn từ 3 - 5 sao. Đặc biệt, tại một số địa phương, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch đã triển khai rất quyết liệt, mạnh tay, trong đó Hà Nội và Quảng Ninh là hai địa phương có nhiều khách sạn bị thu hồi công nhận hạng sao nhất. Đây là một trong những đột phá của ngành du lịch trong năm 2016. Hiện, chiến dịch cơ bản đã kết thúc giai đoạn đầu và sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2017 nhằm tạo dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Đây được xem như át chủ bài để thu hút du khách cũng như phát triển du lịch một cách bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Kinh tế đô thị