Mở đường bay thường xuyên Huế - Bangkok không chỉ tạo cơ hội phát triển du lịch mà còn là cơ sở cho Thừa Thiên Huế mở thêm nhiều đường bay quốc tế khác. Đó là nhận định chung của các đại biểu trong hội nghị nghe báo cáo phương án, kế hoạch thực hiện mở đường bay thường xuyên Huế - Bangkok diễn ra vào sáng 17/3. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao chủ trì.
Du khách đến Huế tại sân bay Phú Bài
Cần thiết và khả thi
Các đại biểu đánh giá, đường bay Huế- Bangkok được hình thành và duy trì trong thời gian hai năm qua và góp phần quan trọng vào tiến trình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh, là cơ sở thúc đẩy Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài từng bước phát triển. Các đơn vị liên quan rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức, vận hành mở mới chuyến bay quốc tế.
Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, căn cứ thực tế và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới, sau khi trao đổi với đại diện của Jetstar khu vực miền Trung, miền Nam và các đơn vị liên quan, sở nhận thấy, phát triển đường bay Huế - Bangkok thành đường bay thường xuyên với tần suất 2 chuyến/tuần là rất cần thiết và khả thi.
Theo ông Định, Sở KH&ĐT kết hợp với Sở GTVT và các sở ngành liên quan, tổ chức đường bay Huế - Bangkok với tần suất 2 chuyến/tháng với thời gian triển khai đã được gần 2 năm. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhận thấy với tần suất bay mỗi tháng chỉ 2 chuyến như hiện nay thì lợi nhuận chưa có; không tạo ra được đường đi thật sự cho khách du lịch và nhà đầu tư đến Huế. Vấn đề đặt ra là phải có chuyến bay thường xuyên với tần suất cao hơn.
Ông Định đề nghị, về mặt tài chính, tất cả những đường bay mới bước đầu sẽ khó khăn. Do vậy, tỉnh có cơ chế chia sẻ rủi ro đối với hãng bay. Thừa Thiên Huế đã hình thành nên quỹ phát triển kinh tế-xã hội. Quỹ này hoàn toàn sử dụng kinh phí hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Mở đường bay Huế - Bangkok không chỉ có ý nghĩa lớn cho du lịch mà nó là động lực thúc đẩy toàn bộ sự phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Nó cũng là tiền đề mở cho các đường bay quốc tế tiếp theo nhằm kết nối du lịch miền Trung và cả hai đầu đất nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao nhận định, thời cơ phát triển du lịch rất lớn, bởi Bộ Chính trị có Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Tại Thừa Thiên Huế, hiện nay lượng du khách đang tăng thêm, có nhiều cơ hội phát triển thông qua các sự kiện du lịch. Vướng mắc trong phát triển du lịch của tỉnh hiện nay ngoài các yếu tố như thiếu sản phẩm du lịch thì lớn nhất là vấn đề giao thông, vận chuyển du khách, nhất là đường hàng không.
“Chúng tôi đã làm việc với Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Cảng vụ Hàng không miền Trung, tiến hành đền bù để mở rộng nhà ga sân bay Phú Bài, xây dựng thêm nhà ga mới với sự liên kết giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Thời gian qua, đã mở được một số chuyến bay, trong đó có Huế - Bangkok, ngoài giải quyết nhu cầu cho du khách còn là cơ hội quảng bá những điểm đến cho du khách Huế và từ Thái Lan”, Chủ tịch Nguyễn Văn Cao nhấn mạnh.
Cơ hội cho du lịch
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, vừa qua đơn vị cũng kết hợp Sở KH&ĐT tổ chức gặp mặt một số doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch tỉnh, tranh thủ các ý kiến về việc khai thác, tăng tần suất đường bay Huế - Bangkok phục vụ phát triển du lịch. Thời điểm phát triển đường bay sẽ phù hợp bởi trong tháng 6-7 là “mùa” khách Việt Nam đi nước ngoài nói chung và Thái Lan nói riêng; tháng 10 và 11 sẽ đón đoàn đại biểu quốc tế dự hội nghị Apec bay đến Đà Nẵng và kết hợp đến Huế trước. “Hiện nay, sân bay Quốc tế Bangkok là một sân bay lớn, thu hút nhiều du khách đến, nhất là các nước châu Âu. Theo thống kê, hàng ngày có 800 chuyến bay quốc tế và nội địa qua sân bay này với khoảng 50 triệu khách/năm. Do vậy, tranh thủ một phần lượng khách này, hút về các tỉnh miền Trung, trong đó có Huế”, ông Phúc nhận định.
Đại diện Công ty TNHH Du lịch Tự Hào Việt Nam cho rằng, về giờ bay, nên đề xuất buổi trưa khoảng 10-11 giờ, đến Bangkok tầm khoảng 12-13 giờ, để du khách có đủ thời gian đi du lịch Pattaya trong ngày hôm đó. Ngày bay, nên triển khai vào thứ tư và chủ nhật, để có thể kết hợp được 2 tour, tour 4 ngày và tour 5 ngày.
Về thời gian, mức chi phí cho mỗi chuyến bay, ông Nguyễn Đình Tĩnh, Giám đốc phụ trách khu vực miền Nam và miền Trung của Jesttar Pacific cho biết, hiện nay đối với giờ bay Huế đi Bangkok mất khoảng 1 giờ 40 đến 1 giờ 50 phút. Chi phí mỗi chuyến khoảng giá 24-25 nghìn USD/chuyến/chiều (đối với 180 ghế phổ thông).
“Chúng tôi nhận thấy, nếu mở đường bay này cần có sự nỗ lực, hỗ trợ rất nhiều của UBND tỉnh và chung tay của các công ty lữ hành, không chỉ ở Huế mà còn các tỉnh lân cận. Bởi theo tính toán, bình quân một chuyến bay chúng tôi phải bù lỗ”, ông Tĩnh kiến nghị.
Ông Trương Hữu Núi, Trưởng đại diện Cảng vụ Hàng không miền Trung cho rằng, đơn vị sẽ cùng các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng tạo điều kiện, hỗ trợ hết sức cho các doanh nghiệp để chuyến bay thường xuyên Huế- Bangkok sẽ khai thác lâu dài, hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đề nghị Sở Du lịch thường xuyên kết nối Hiệp hội Du lịch tỉnh, hiệp hội du lịch các tỉnh khác, Sở TT&TT và Sở VH&TT hỗ trợ tuyên truyền, thống nhất khai thác tốt lượng khách, làm tốt công tác quảng bá. Sở KH&ĐT chủ trì cùng với Sở Tài chính và các doanh nghiệp làm việc với Hãng Hàng không Jetstar Pacific để tính toán, thống nhất kinh phí; làm việc với Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài và Sở GTVT thống nhất công tác tổ chức, đưa đón vận hành các công đoạn ở sân bay một cách một lý. “Tỉnh cam kết sẽ đồng hành, chia sẻ những khó khăn ban đầu đối với hãng hàng không, để tổ chức duy trì cho được đường bay thường xuyên và cũng mong muốn các doanh nghiệp chung tay, đồng hành”, Chủ tịch Nguyễn Văn Cao kết luận.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao, du lịch Thừa Thiên Huế đang đứng trước cơ hội lớn. Thông qua các sự kiện quảng bá thời gian qua như chuyến thăm của Hoàng gia Nhật Bản đến Huế và chúng ta đã có một số sản phẩm mới như du lịch ban đêm Đại Nội, sinh hoạt phố đêm trên phố đi bộ, sắp đến tỉnh sẽ cùng đoàn khảo sát và chờ ý kiến của các bộ, ngành để xây dựng cáp treo Bạch Mã. Tỉnh sẽ kêu gọi các doanh nghiệp tiên phong để đầu tư vào lĩnh vực này.
|