Dự thảo Luật Du lịch dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 này được coi là một động thái quan trọng, một bước ngoặt cho ngành du lịch. Việc thông qua sẽ càng có ý nghĩa hơn bởi đầu năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nhân dịp này, Báo Điện tử Tổ Quốc thực hiện loạt bài viết liên quan tới chủ đề trên với mong mỏi đóng góp thêm những kiến giải cho ngành du lịch.
Phải có Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch
Một trong những vấn đề được quan tâm đó là đề xuất về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Theo dự thảo Luật Du lịch, đây sẽ là một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và được hình thành từ vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp; Trích từ phí tham quan du lịch, phí thị thực nhập cảnh; Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch sẽ dành cho xúc tiến du lịch trong nước và nước ngoài, nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch và thực hiện các hoạt động truyền thông trong cộng đồng.
Được biết, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch đã được nêu ra từ Luật Du lịch năm 2005 tuy nhiên, theo như Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 3/2017, quỹ chưa thể hoạt động vì nhiều quy định đã khiến quỹ không hình thành được vì không có nguồn.
Trong khi đó, nhu cầu quảng bá, xúc tiến du lịch thì cấp thiết mà ngân sách nhà nước không thể kham nổi. Ông Trần Hồng Việt, Tổng giám đốc Saigon Tourist cho biết, mỗi năm Bộ VHTTDL chỉ có 2 triệu đô la ngân sách chi cho xúc tiến, quảng bá du lịch khiến cho việc quảng bá còn hạn chế.
Con số này đương nhiên là quá thấp so với vài chục triệu đô la của các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia…
Do vậy, chính các doanh nghiệp du lịch đã chủ động đề xuất sẽ đóng góp thêm vào quỹ để Nhà nước và nhân dân cùng chung sức quảng bá cho du lịch Việt Nam tới du khách quốc tế.
Dự thảo được kết cấu khoa học, chặt chẽ
Văn phòng Quốc hội đánh giá, dự thảo Luật Du lịch sửa đổi lần này đã được kết cấu lại khoa học, chặt chẽ hơn, gồm 9 chương, 85 điều, bổ sung một số nội dung về sản phẩm du lịch, đô thị du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch vào các điều, khoản liên quan.
Tại lần xin ý Quốc hội vào thứ 2 tới, dự thảo luật tiếp tục tiếp nhận các ý kiến của Đại biểu Quốc hội về những nội dung như về chính sách phát triển du lịch; về sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch; về tổ chức xã hội- nghề nghiệp về du lịch; về các hành vi bị nghiêm cấm; về khách du lịch; về tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch và quy hoạch phát triển du lịch; về điểm du lịch, khu du lịch, khu du lịch quốc gia, đô thị du lịch; về kinh doanh lữ hành; về kinh doanh vận tải khách du lịch ; về cơ sở lưu trú du lịch; về dịch vụ du lịch khác; về hướng dẫn du lịch…
Với quan điểm, việc phát triển du lịch phải đảm bảo tính bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, dự thảo Luật Du lịch sửa đổi lần này đã chú trọng vào các quy định nhằm luật hóa những quan điểm này.
Trong khi đó, những tháng đầu năm 2017, báo cáo của Chính phủ cho hay, du lịch có khởi động tốt. Nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đã được tổ chức ở nhiều nơi trong cả nước. Các tour du lịch cả trong và ngoài nước tăng mạnh.
Tổng lượng khách quốc tế 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 4,3 triệu lượt khách, tăng 30,3% so với cùng kỳ.
Nhiều con số ấn tượng cũng được nêu ra: 4 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã cấp gần 18.000 lượt visa điện tử; dịch vụ lưu trú ăn uống đạt 153 nghìn tỷ đồng tăng 11,3%; dịch vụ du lịch lữ hành đạt 10,245 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3%...
Chính phủ cũng đặt mục tiêu phấn đấu cả năm thu hút khách quốc tế tăng trên 30%.
Những con số biết nói trên, cùng với những thực tế đặt ra về du lịch, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng Luật Du lịch sửa đổi lần sẽ là hành lang pháp lý thông thoáng, phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới, tạo ra bước phát triển vượt bậc đưa ngành công nghiệp không khói của Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như yêu cầu của Nghị quyết số 08, vươn lên mạnh mẽ và thành một điểm đến không thể thiếu trong hành trình của mỗi du khách trên thế giới khi tới với Đông Nam Á.