Nằm ở phía Tây Nghệ An, huyện Tân Kỳ được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, độc đáo gắn liền với vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa. Đặc biệt là con người nơi đây mộc mạc, chân thành, nồng hậu và hiếu khách. Đây là những yếu tố thuận lợi để địa phương phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng.
Theo tuyến đường Hồ Chí Minh nối liền Nam - Bắc đất nước, du khách đến với miền quê Tân Kỳ dễ dàng và thuận tiện.
Nơi đây, hơn 40 năm trước, các sư đoàn chủ lực cùng hàng triệu tấn vũ khí xăng dầu lương thực được tập kết vận chuyển để chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Kỳ tích ấy đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, để rồi hôm nay, bao du khách đã trở về, thành kính và ngưỡng mộ về chiến công vang dội của một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
Mùa hè nhiều du khách đến với thác Hồng Sơn (xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ). Ảnh: Trọng Hùng
Từ đây, du khách tiếp tục hành trình khám phá Tân Kỳ với tour du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng. Cách Km số 0 thuộc trung tâm thị trấn Tân Kỳ khoảng 30km, du khách sẽ đến với vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ của thác nước Hồng Sơn ở xã Tân Hợp. Thác có độ cao 150m, với 4 tầng đá thoai thoải gối lên nhau, dòng nước tuôn chảy mềm mại như dải lụa trắng buông thả xuống chân núi.
Khi ánh nắng mặt trời chiếu rọi qua từng tia nước, bung tỏa trên những tảng đá hoa cương, thác nước như một bức họa điểm tô với sắc màu lung linh, huyền ảo. Đến đây, du khách có thể ngâm mình dưới dòng nước mát lạnh, tinh khiết được tuôn ra từ lòng núi, hòa mình vào thiên nhiên mây trời, mọi mệt nhọc toan lo của cuộc sống đời thường sẽ được xua tan.
Bạn Nguyễn Thị Vân ở xóm Yên Hòa, xã Tân Hợp (Tân Kỳ) nói: “Thác Hồng Sơn quanh năm nước chảy, đặc biệt là về mùa hè chúng em và nhiều người thường rủ nhau lên đây tắm, rất mát mẻ, thú vị”.
Ngoài thác nước, đến xã Tân Hợp, du khách còn được khám phá cảnh đẹp độc đáo, kỳ thú của cụm hang động Thung Khiển. Luồn mình qua những hang đá nhấp nhô nhiều bậc, bên trong hang động là khối nhũ đá muôn màu sắc, lấp lánh hạt kim sa. Không có bàn tay con người chỉ có đất, đá và nước nhưng thiên nhiên đã tạo nên một không gian vừa ảo vừa thực.
Dọc theo con đường lên Tân Hợp, du khách có thể ghé vào xã Giai Xuân để chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của cây Sanh ngàn năm tuổi. Tọa lạc ở đồi Nàng đã bao đời nay, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng cây sanh vẫn tồn tại bằng sức sống mãnh liệt; rễ và thân cây bám chặt ôm lấy khối đá khổng lồ, tán lá vươn lên đan thành vòm, với những hình thù phong phú theo trí tưởng tượng của du khách.
Cây ôm đá, đá nâng đỡ thân cây, một sự gắn kết hài hòa tạo nên thế đứng vững chãi sừng sững giữa núi rừng miền Tây xứ Nghệ.
Ông Lại Văn Tới - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành - Hà Nội đến khám phá cảnh đẹp ở Tân Kỳ, cho biết: “Thiên nhiên đã ban tặng cho Tân Kỳ những di tích rất đẹp, những nhũ đá, hang động, thung lũng và những cảnh quan nguyên sơ và tôi nghĩ rằng nếu chúng ta biết khai thác, biết tổ chức thì đây không chỉ là tiềm năng du lịch văn hóa, du lịch sinh thái mà còn là điểm du lịch lịch sử hấp dẫn”.
Cùng nhau nhảy theo tiếng cồng chiêng của bà con bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) tại lễ hội Trời Sấm. Ảnh: Trọng Hùng
Tân Kỳ không chỉ là mảnh đất gắn liền với bề dày lịch sử, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, hấp dẫn, mà còn có nền văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, có làng nghề truyền thống. Bản Thái Minh của xã Tiên Kỳ có 100% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, là bản duy nhất của huyện Tân Kỳ được công nhận làng nghề dệt thổ cẩm. Đến đây, du khách sẽ được sống trong không khí lao động miệt mài của những cô gái Thái.
Họ gắn kết với nhau bên khung cửi, cần mẫn, khéo léo để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm đẹp về mẫu mã, hoa văn, phong phú về kiểu dáng để du khách được tìm hiểu, trải nghiệm và có thể chọn cho mình một món quà đầy ý nghĩa.
Chị Vi Thị Thúy, gắn bó với nghề dệt thổ cẩm đã lâu, chia sẻ: Chúng tôi tạo ra những sản phẩm thổ cẩm như khăn túi, áo váy là những trang phục không thể thiếu của bất kỳ cô gái Thái nào trước khi về nhà chồng. Chị em thường tranh thủ làm vào thời gian rảnh rỗi, sản phẩm không chỉ phục vụ cho gia đình mình mà được bán rộng rãi trên thị trường”.
Đến bản Thái Minh, du khách còn được ngắm những nếp nhà sàn nằm dưới chân núi với kiến trúc độc đáo, cao rộng, thoáng mát phục vụ tốt nhu cầu lưu trú. Hơn thế, được thưởng thức những món ăn đặc trưng của đồng bào Thái đậm hương vị của thiên nhiên núi rừng như cơm lam, cá nướng, canh bồi...; lại được hòa mình vào các lễ hội truyền thống của bản như lễ hội Trời Sấm, cồng chiêng, nhảy sạp, uống rượu cần.
Đặc biệt, khám phá hang Mó còn giữ nguyên vẹn hiện trạng hệ sinh thái tự nhiên. Bên trong là những hang đá nằm xuyên sâu trong lòng núi với kiến tạo độc đáo, khác lạ. Vào mùa hè, du khách đến đây sẽ được cảm nhận dòng nước mát lạnh, hòa mình trong không gian mênh mông của núi rừng. Sau chuyến khám phá hang động, du khách còn được thưởng thức các món ăn dân dã từ lá rừng mọc cạnh hang Mó, được ăn cá suối vừa ngon, vừa lạ, vừa lành với hương vị không thể nào quên.
Có thể nói, phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng là hướng đi đúng nhằm khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, tạo cơ hội cho người dân tham gia làm du lịch để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Tân Kỳ.
Với mục tiêu đó, UBND huyện Tân Kỳ đã đề ra lộ trình phát triển du lịch từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Riêng năm 2017, 2018 huyện Tân Kỳ tập trung chỉ đạo phát triển du lịch cộng đồng tại bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ.
Trước mắt, thành lập đoàn chỉ đạo từ huyện đến xã, tạo điều kiện để địa phương thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển, tranh thủ các nguồn vốn để nâng cấp sửa chữa các tuyến đường chính vào các điểm du lịch và chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu được ý nghĩa phát triển du lịch cộng đồng để cùng tham gia giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên.
Ông Trịnh Hữu Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: “Tân Kỳ có di tích lịch sử, có nhiều cảnh đẹp có thể phát triển du lịch, nên sau khi quy hoạch tổng thể, chúng tôi tiến hành hoàn thiện khâu tổ chức, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đi vào các điểm chính".
Bên trong hang Mó bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ. Ảnh: Trọng Hùng
Để phát huy được tiềm năng du lịch của địa phương, các cấp ngành cần nâng cao ý thức của mỗi người dân địa phương trong việc bảo vệ cảnh quan, hang động, di tích lịch sử đảm bảo hoang sơ thu hút khách du lịch. Huyện Tân Kỳ thực hiện theo lộ trình và phấn đấu xây dựng thành tour du lịch kết nối các điểm trong huyện và sau khi đã đến Tân Kỳ, du khách có thể đến với huyện Con Cuông và các huyện khác trong tỉnh”.
Tân Kỳ hôm nay đang trên đà phát triển và hội nhập. Bởi vậy, việc chú trọng phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng không những thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mà còn giới thiệu quảng bá hình ảnh Tân Kỳ đến với bạn bè, du khách bốn phương.
Với lộ trình và chiến lược đề ra, Tân Kỳ đang nỗ lực thực hiện các tuyến, điểm du lịch kết nối trong huyện, nhằm đánh thức tiềm năng du lịch. Từ đó, thu hút nhiều du khách về đây để tìm hiểu, khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, mới lạ và kỳ thú của cảnh quan thiên nhiên, hiểu rõ hơn về con người và mảnh đất Tân Kỳ.
Nhóm P.V