logo
title

Du lịch thời 4.0 - Kỳ 2: Không để lép vế trên sân nhà

Cập nhật ngày: 17/07/2017
Làm thế nào để cạnh tranh được với các doanh nghiệp ngoại "nặng vốn, khỏe công nghệ", đó là bài toán rất hóc búa dành cho các đại lý du lịch trực tuyến Việt Nam.

Đầu tư phát triển website là chiến lược sống còn của các đại lý du lịch trực tuyến. Ảnh: TNK travel 

"Miếng bánh lớn"

Năm 2016, doanh thu của thị trường du lịch trực tuyến toàn cầu đạt khoảng 565 tỉ USD, chia làm ba mảng chính: Lưu trú khách sạn (chiếm 46%), vận chuyển (30%) , du lịch trọn gói (24%). Tại Việt Nam, "miếng bánh to nhất" lưu trú khách sạn đang rơi vào tay hai "ông lớn" agoda.com và booking.com (đều thuộc tập đoàn The Priceline của Mỹ).

Agoda có hơn 7.600 khách sạn đối tác ở Việt Nam. Booking không kém cạnh cũng có hơn 6.000 khách sạn đối tác. Bởi thương hiệu Agoda và Booking đã quá nổi tiếng trên thị trường đặt phòng toàn cầu nên các khách sạn Việt Nam khi muốn tiếp cận khách nước ngoài đều sẵn sàng chi hoa hồng "đậm" để có mặt trên hai website này.

Ông Lê Đắc Lâm, Tổng Giám đốc công ty Vntrip.vn cho biết, mức chi hoa hồng của các khách sạn cho Agoda và Booking trung bình vào khoảng 20%: "Khi khách hàng trả 100 USD tiền phòng cho Agoda, doanh nghiệp này thu 20 USD tiền phí, 80 USD còn lại trả cho khách sạn. Chỉ riêng năm 2016, Agoda ước tính thu được hơn 4.000 tỉ đồng tại các khách sạn ở Việt Nam".

Với tiềm lực vốn rất mạnh, Agoda và Booking luôn sẵn sàng tung hàng triệu USD để trả tiền phòng trước cho các khách sạn. Nhờ đó mà lượng phòng của hai website này luôn dồi dào, vị trí đẹp, chủ động đưa ra các chương trình giảm giá khuyến mại hấp dẫn, nhất là vào các mùa du lịch cao điểm.

Bên cạnh đó, các chương trình truyền thông quảng cáo cũng được đầu tư rất chuyên nghiệp. "Khi khách hàng nhận diện thương hiệu doanh nghiệp quốc tế lớn, uy tín thì họ sẽ tin tưởng lựa chọn", ông Nguyễn Duy Vĩ, Giám đốc marketing của Tugo phân tích mức độ phủ sóng của Agoda và Booking tại Việt Nam.

Hãng đặt vé máy bay và tour du lịch Gotadi.com đánh giá, thị phần đặt phòng trực tuyến tại các khách sạn ở Việt Nam đang tăng nhanh, chiếm từ 30 - 40% tổng lượng khách ở mỗi khách sạn. Thậm chí ở nhiều khách sạn, tỉ lệ này có thể lên tới 80%.

"Tuy nhiên, Agoda và Booking lại đang chiếm hơn 80% thị phần đặt phòng trực tuyến ở Việt Nam. Họ áp đảo cả hai mảng khách du lịch Việt Nam đi trong nước và nước ngoài cũng như khách nước ngoài đến Việt Nam”, đại diện Gotadi.com đánh giá.

Không chỉ có Agoda và Booking, cuộc đấu giành thị phần đặt phòng khách sạn trực tuyến còn có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tiếng tăm như Traveloka, Trivago, Expedia... Giá phòng tốt, nhiều khuyến mại và đặc biệt là thanh toán tiện lợi là cách các doanh nghiệp ngoại chinh phục khách hàng.

Thay đổi để dịch chuyển

Tại Hội thảo "Đón du khách từ cái nhấp chuột" tổ chức tại TPHCM tháng 4/2017, bà Hàn Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc PR và truyền thông phụ trách thị trường Việt Nam của Google châu Á-Thái Bình Dương đã chỉ ra rằng, yếu tố đầu tiên khiến khách hàng thờ ơ với những đại lý du lịch trực tuyến là cách làm website không hiệu quả.

Cụ thể, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam làm website theo những gì mình muốn, thay vì tìm hiểu nhu cầu thực tế của người dùng. Bên cạnh đó, 53% khách hàng sẽ rời bỏ một website khi phải chờ hơn 3 giây để tải, mà tốc độ trung bình để tải các website ở Việt Nam vẫn lên đến 10 giây. Theo bà Tú Quỳnh: "Website du lịch cần phải đáp ứng 3 tiêu chí cơ bản: Thân thiện với giao diện di động, tốc độ tải nhanh, cung cấp thông tin hữu ích cho khách hàng".

Trong Ngày du lịch trực tuyến vừa diễn ra đầu tháng 7/2017, đại diện Vietravel cũng nhận định công nghệ luôn là thế mạnh của các công ty du lịch nước ngoài so với các công ty nội địa. Sau 22 năm hoạt động, Vietravel hoàn toàn tự tin về các sản phẩm du lịch tại Việt Nam. Nhưng về lĩnh vực công nghệ thông tin, đầu tư về website, ứng dụng trên di động, các kênh bán hàng trực tuyến... thì công ty này thừa nhận đã phải nỗ lực rất nhiều.

"Năm 2006, khi các doanh nghiệp lữ hành chưa quan tâm nhiều đến thương mại điện tử thì chúng tôi là công ty du lịch đầu tiên ở Việt Nam xây dựng hệ thống thanh toán trực tuyến trên website của mình. Vietravel ý thức được rằng để không thua trên sân nhà thì cần phải đầu tư bài bản vào website, marketing online, truyền thông trên mạng xã hội", đại diện Vietravel cho biết.

Không chỉ các doanh nghiệp lữ hành, du lịch trực tuyến còn là cuộc chơi sôi động của các khách sạn, hãng hàng không giá rẻ, ngân hàng, hệ thống thanh toán trực tuyến, sàn giao dịch du lịch trực tuyến, mô hình mua theo nhóm... Các doanh nghiệp Việt đang tung ra hàng loạt ý tưởng kinh doanh độc đáo để lôi kéo khách hàng sử dụng dịch vụ của mình

Đơn cử như giải pháp AlePay "đi du lịch với giá 0 đồng" rất hấp dẫn của cổng thanh toán điện tử ngân lượng. Các gói du lịch được chia nhỏ giúp khách hàng thanh toán trả góp theo thời hạn 3; 6; 9 hoặc 12 tháng. Vì vậy, khách hàng hoàn toàn yên tâm đi du lịch mà không cần có tiền mặt, chính xác hơn là đi trước và trả tiền sau.

Theo số liệu của công ty IDM Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Trong đó, mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch như tour trong nước, tour nước ngoài, đặt phòng khách sạn, các loại hình du lịch… Vào những tháng du lịch hè cao điểm, số lượt tìm kiếm có thể lên đến 8 triệu lượt.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỉ lệ người sử dụng internet để đặt các dịch vụ du lịch chưa phải là thế mạnh (mới chỉ chiếm 34%), chủ yếu vẫn là hình thức đặt dịch vụ trực tiếp với các nhà cung cấp. Nhưng theo đánh giá của IDM, qua các năm, tỉ lệ này vẫn đang tiếp tục tăng khả quan.

Những con số này cho thấy thị trường du lịch trực tuyến ở Việt Nam chứa rất nhiều triển vọng tăng trưởng. Bằng chiến lược kinh doanh đột phá, các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể dịch chuyển dòng tiền đang chảy vào túi các công ty nước ngoài về phía mình. "Du lịch trực tuyến có bùng nổ ở Việt Nam được hay không hoàn toàn tùy thuộc sự thay đổi của các doanh nghiệp", ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam nhận định.

Báo Chính phủ