logo
title

Du lịch ASEAN tiếp tục thúc đẩy các cơ chế hợp tác đa phương

Cập nhật ngày: 27/07/2017
(TITC) - Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Phiên họp Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 46 tại khu du lịch Flamingo Đại Lải, Vĩnh Phúc, sáng ngày 25/7 đã diễn ra phiên họp giữa các cơ quan du lịch quốc gia ASEAN với các trung tâm ASEAN, các tổ chức quốc tế và khu vực tư nhân.


Toàn cảnh phiên họp ngày 25/7

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan du lịch quốc gia ASEAN, đại diện Trung tâm ASEAN – Trung Quốc (ACC), Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC), Trung tâm ASEAN – Hàn Quốc (AKC), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Hiệp hội Du lịch ASEAN (ASEANTA), Hiệp hội Nghiên cứu du lịch ASEAN (ATRA), Hiệp hội Hướng dẫn viên du lịch ASEAN (SEATGA), Câu lạc bộ xe đạp 1 ASEAN (1ACC).

Là những đối tác hợp tác quan trọng của ASEAN, trong những năm qua, các Trung tâm ASEAN – Trung Quốc (ACC), ASEAN – Nhật Bản (AJC), ASEAN – Hàn Quốc (AKC) đã góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác và trao đổi, giao lưu giữa các bên, trong đó đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, du lịch. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hiện nay đều là những thị trường nguồn quan trọng hàng đầu của du lịch ASEAN.

Tại phiên họp, qua rà soát và đánh giá hiệu quả những hoạt động đã triển khai trong thời gian qua, ACC, AJC và AKC khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ du lịch ASEAN trong thời gian tới thông qua các hoạt động: xây dựng năng lực, hỗ trợ xúc tiến quảng bá, tăng cường kết nối trao đổi khách du lịch, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng và kiến thức về nghề du lịch… Đồng thời trên cơ sở những đề xuất cụ thể của các nước ASEAN, các trung tâm sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng hợp tác và hỗ trợ.

Trao đổi về hợp tác du lịch với ASEAN, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cho biết trong thời gian qua GIZ đã là đối tác triển khai các sáng kiến trong lĩnh vực du lịch và chăm sóc sức khỏe ở các nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Trong năm 2017-2018, GIZ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước CLMV thúc đẩy trao đổi thương mại - đầu tư; tăng cường quan hệ hợp tác công tư, thúc đẩy môi trường kinh doanh và đầu tư, đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN; hỗ trợ nâng cao năng lực xây dựng cơ chế đánh giá và chứng nhận nghề du lịch; thúc đẩy dịch chuyển lao động du lịch trong khu vực.

Về phía khu vực tư nhân, Hiệp hội Du lịch ASEAN (ASEANTA), Hiệp hội Nghiên cứu du lịch ASEAN (ATRA), Hiệp hội Hướng dẫn viên du lịch ASEAN (SEATGA), Câu lạc bộ xe đạp 1 ASEAN (1ACC) đánh giá ASEAN là một thị trường du lịch đầy tiềm năng và sôi động. Nhiều hoạt động đã được các hiệp hội triển khai như hỗ trợ các dịch vụ đặt phòng, vận chuyển hàng không, tổ chức các tour trọn gói; nghiên cứu thúc đẩy du lịch đường bộ trong ASEAN; tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao trình độ hướng dẫn viên du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; tổ chức các tour du lịch đạp xe qua các quốc gia ASEAN… Các hiệp hội cũng đề xuất tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan du lịch quốc gia ASEAN để tổ chức các hoạt động chuyên ngành tại các quốc gia thành viên trong thời gian tới.

Chủ tọa phiên họp đánh giá cao những hoạt động, đề xuất của các hiệp hội, đồng thời đề nghị các hiệp hội tiếp tục tăng cường hợp tác với các cơ quan du lịch quốc gia ASEAN, góp phần thúc đẩy du lịch trong nội vùng và xúc tiến quảng bá ASEAN là một điểm đến chung.

Kết thúc 2 ngày làm việc, các đoàn đã thông qua biên bản phiên họp lần thứ 46 Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN được tổ chức từ ngày 24-25/7/2017 tại Vĩnh Phúc, Việt Nam; đồng thời thông báo phiên họp lần thứ 47 sẽ được tổ chức vào tháng 1/2018 tại Thái Lan.

Theo chương trình, trong ngày 26/7 sẽ diễn ra phiên họp cơ quan du lịch quốc gia ASEAN+3, ASEAN - Trung Quốc và phiên họp nhóm công tác du lịch ASEAN - Ấn Độ.

Tin, ảnh: Truyền Phương

Nguồn: TITC