logo
title

Luật Du lịch sửa đổi: Lấy khách du lịch làm trung tâm, bảo vệ quyền lợi của khách

Cập nhật ngày: 06/09/2017
Tinh thần xuyên suốt của Luật Du lịch sửa đổi năm 2017 lấy khách du lịch làm trung tâm, bảo vệ quyền lợi khách du lịch.


Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương.

Luật Du lịch sửa đổi 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 sẽ là động lực cho du lịch phát triển trong thời gian tới. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thành viên Ban soạn thảo Luật Du lịch về việc triển khai Luật Du lịch sửa đổi thời gian tới:

Thưa bà, Luật Du lịch sửa đổi sẽ có hiệu lực vào năm 2018, vậy Luật sẽ tác động thế nào đối với việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn?

Luật Du lịch lần trước được ban hành từ năm 2005. Qua hơn 10 năm đã có rất nhiều thay đổi về kinh tế, văn hóa, xã hội, nên một số nội dung quy định trong Luật Du lịch 2005 không khả thi hoặc không phù hợp với điều kiện thực tiễn. Chính vì vậy, tình hình thực tế đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật Du lịch.

Trong quá trình sửa đổi Luật Du lịch, Tổng cục Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, tổ chức nhiều hội thảo để xin ý kiến các chuyên gia, các doanh nghiệp du lịch… để điều chỉnh dự thảo Luật Du lịch đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tạo điều kiện cho du lịch được phát triển tốt hơn, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch được tốt hơn.

Tư tưởng xuyên suốt của Luật Du lịch sửa đổi năm 2017 lấy khách du lịch làm trung tâm, bảo vệ quyền lợi khách du lịch. Tất cả các quy định liên quan đến hoạt động lữ hành, lưu trú… đều quay xung quanh trục lấy khách du lịch làm chính.

Điều đáng mừng là khi tiến hành sửa đổi Luật Du lịch, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08 về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy, nhiều tư tưởng chỉ đạo trong Nghị quyết 08-NQ/TƯ đã được chuyển tải và được pháp luật hóa trong Luật Du lịch.

Vậy, bà có thể cho biết những điểm mới của Luật Du lịch năm 2017 so với Luật Du lịch năm 2005 là gì?

Về các điểm mới, Luật Du lịch 2017 đã thể hiện rõ việc triển khai Nghị quyết 08. Cụ thể tại điều 5 quy định về cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch. Đơn cử như về quỹ phát triển du lịch, Luật du lịch năm 2005 quy định chung chung và nguyên tắc nên không triển khai được và tạo nguồn lực cho hoạt động xúc tiến. Quy định khu điểm du lịch của Luật Du lịch năm 2017 đã điều chỉnh điều kiện công nhận khu điểm du lịch, quy trình công nhận phù hợp thực tiễn… . Còn Luật Du lịch năm 2005 quy định khu điểm với nhiều tiêu chuẩn cao nên qua 10 năm mới công nhận thí điểm được 1 khu du lịch….

Với việc công nhận, thẩm định hạng sao cho khách sạn, Luật Du lịch năm 2017 thay đổi việc cấp sao thành tự nguyện để điều tiết theo cơ chế thị trường. Việc xếp sao tự nguyện theo yêu cầu của doanh nghiệp có lợi cho doanh nghiệpp. Nếu muốn xếp hạng sao phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, không phải là tự đặt sao với cơ sở lưu trú.

Nhiều người nghi ngại việc đăng ký sao tự nguyện thì sẽ xảy ra tình trạng không đăng ký, mà nhập nhèm dùng từ “tương đương” 3 hay 4 sao để lừa khách hàng. Do đó, Luật Du lịch 2017 đã bổ sung chi tiết cấm tự phong sao hoặc sử dụng ngôn ngữ như vậy để ám chỉ chất lượng cơ sở của mình. Đây là quy định đảm bảo quyền lợi của khách du lịch.


Nhiều du khách trong và ngoài nước đến nghỉ dưỡng và tắm biển Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Viết Ý

Đối với hoạt động lữ hành, sẽ bổ sung việc cấp giấy phép lữ hành nội địa. Trong 10 năm qua, hoạt động lữ hành nội địa đã phát triển, nhưng vì không có cấp phép nên có tình trạng công ty du lịch lạm dụng với nhiều hoạt động không lành mạnh. Việc cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa do cấp sở các tỉnh, thành cấp; còn giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế  thuộc trách nhiệm của Tổng cục Du lịch.

Việc cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế sẽ có nhiều cải cách. Trước đây, muốn được cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ qua Sở thẩm định và chuyển lên Tổng cục. Theo Luật Du lịch sửa đổi, việc cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế chuyển thẳng Tổng cục Du lịch.

Điều kiện cấp kinh doanh lữ hành quốc tế cũng thay đổi. Trước kia, doanh nghiệp phải có hợp đồng với 3 hướng dẫn viên (HDV), theo Luật Du lịch 2017 sẽ bãi bỏ điều kiện này. Bên cạnh đó, điều kiện người điều hành phải có giấy xác nhận kinh nghiệm quản lý sẽ bãi bỏ do việc xác minh này mang tính hình thức. Thay vào đó, Luật Du lịch sửa đổi yêu cầu người quản lý sẽ đòi hỏi phải có đào tạo chuyên về du lịch. Việc đòi hỏi người quản lý có chuyên ngành đào tạo du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ. Ở đây phải phân biệt giữa chủ doanh nghiệp và người điều hành trực tiếp du lịch lữ hành. Theo đó, người trực tiếp điều hành doanh nghiệp du lịch phải có nghiệp vụ.

Về HDV cũng có nhiều điểm mới khi cấp thẻ. Theo đó, điều kiện cấp thẻ HDV quốc tế giảm từ cử nhân xuống cao đẳng. Lý do, trường cao đẳng chuyên HDV trong thời gian qua đào tạo tốt, chuyên sâu, đảm bảo chất lượng lượng.

Điều kiện cấp thẻ HDV cũng khác. Trước đây HDV hoạt động tự do, chỉ cần ký hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp, trong khi HDV quyết định nhiều đến chương trình du lịch; nên điều kiện hành nghề có thay đổi. HDV phải thuộc 1 trong 3 diện quản lý sau: Hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành hoặc công ty chuyên cấp HDV hoặc thành viên tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Còn Quỹ Xúc tiến du lịch tại Luật Du lịch 2017 cũng quy định rõ địa vị pháp lý và nguồn của quỹ. Theo đó, nguồn quỹ sẽ gồm có vốn điều lệ do nhà nước cấp; nguồn trích từ phí visa và phí thăm quan và tổ chức cá nhân đóng góp.

Du lịch cộng đồng trong thời gian qua phát triển mạnh, vậy Luật Du lịch sửa đổi 2017 có điều chỉnh loại hình này không, thưa bà?


Đội văn nghệ Làng văn hóa dân tộc Cao Lan luyện tập để phục vụ du khách tham quan. Ảnh: Quang Đán

Phát triển du lịch cộng đồng trước đây quy định mờ nhạt. Tại Luật Du lịch sửa đổi 2017 có quy định cụ thể chính sách đặc thù phát triển du lịch cộng đồng ở vùng sâu vùng xa, để đồng bào dân tộc tham gia trực tiếp du lịch và hưởng lợi từ du lịch. Theo đó, để phát triển du lịch cộng đồng, UBND tỉnh phải đi khảo sát chỉ ra được đâu là điểm du lịch cộng đồng, có quy hoạch, định hướng phát triển.

Cấp xã tạo điều kiện cho người dân phát triển du lịch cộng đồng,  duy trì  bản sắc văn hóa và đảm bảo vệ sinh môi trường. Những hộ tham gia trực tiếp vào du lịch cộng đồng được hỗ trợ kỹ thuật ban đầu, được đào tạo và nhà nước phải hỗ trợ. Doanh nghiệp phải chia sẻ lợi ích khi phát triển du lịch cộng đồng.

Thưa bà, thực tế các vụ sai phạm liên quan đến du lịch đều cho thấy vai trò của chính quyền địa phương. Vậy Luật Du lịch sửa đổi 2017 có đề cập đến vấn đề này?

Luật Du lịch sửa đổi 2017 nhấn mạnh hơn vai trò của chính quyền nhân dân các cấp, để đảm bảo môi trường du lịch lành mạnh đảm bảo quyền lợi khách du lịch.

Để đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, tại các điểm du lịch chính quyền các cấp tùy vào điều kiện phát triển du lịch quyết định thành lập trung tâm hỗ trợ du lịch, lực lượng phản ứng nhanh….

Trong thời gian tới, Luật Du lịch sửa đổi 2017 sẽ được ngành du lịch triển khai như thế nào, thưa bà?

Tổng cục Du lịch đang xây dựng dự thảo Nghị định về quy hoạch du lịch, Nghị định chung hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Du lịch; Quyết định của Thủ tướng chính phủ về Qquỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Thông tư hướng dẫn quy định tiết một số điều của Luật Du lịch, trong đó có cả hướng dẫn về thương mại điện tử du lịch. Còn những chế tài xử phạt những vi phạm trong hoạt động du lịch sẽ sửa trong Nghị định xử phạt hành chính về văn hóa thể thao du lịch.

Trong dịp hội chợ du lịch quốc tế ITE Hồ Chí Minh diễn ra tháng 9 tới và một số hội nghị trong năm nay, Tổng cục Du lịch sẽ lồng ghép phổ biến Luật du lịch và lấy ý kiến đóng góp về các Nghị định, Thông tư; đồng thời phổ biến trên các trang website của ngành.

Xin trân trọng cám ơn bà!

Xuân Cường

Nguồn: baotintuc.vn