Anh Má A Chu (thôn Má Tra, xã Sa Pả, huyện Sa Pa) chỉ tay vào vườn actiso đang đến mùa thu hoạch lá hào hứng nói: “Năm năm nay, người Mông bản tôi thoát được nghèo rồi”. Nói rồi anh hối hả cùng hàng chục anh em cùng bản hái lá cho kịp chuyến xe chở về nhà máy. Từ lá actiso, người dân tộc Mông này tự hào khoe không chỉ anh em trong bản được đổi đời, mà họ còn góp phần phát triển sản phẩm du lịch bản địa từ cây actiso.
Người dân tộc Mông đổi đời nhờ cây actiso
Đổi đời nhờ dược liệu quý
Gieo giống từ tháng 7-2017, những ngày đầu năm 2018, vườn actiso nhà anh Má A Chu đã vào vụ thu hoạch. 1 giờ 30 phút chiều, giữa cái nắng chói chang của Sa Pa, cả gia đình anh Má A Chu hối hả hái lá trên vườn actiso cho kịp chuyến xe chở về nhà máy TraphacoSapa ở Lào Cai.
Anh Chu kể, anh là người đầu tiên ở bản này tìm lên Công ty TraphacoSapa xin giống actiso về trồng, được cán bộ kỹ thuật của công ty về tận nơi cầm tay chỉ việc, hướng dẫn quy trình trồng trọt, chăm bón, thu hoạch. Sau năm năm, vườn actiso nhà anh cho thu nhập ổn định khoảng 120 triệu/năm, trong đó riêng tiền bán lá cho nhà máy tới 70 triệu và phần còn lại anh kiếm thêm từ hoa, thân lá actiso. Đến nay, cả sáu hộ gia đình chung quanh nhà anh cũng đã bỏ trồng lúa, chung ruộng đất với anh để mở rộng vườn atiso, kinh tế các gia đình đều khấm khá lên.
Cách đó không xa, vườn actiso nhà Má A Máo (thôn Má Tra, xã Sa Pả, Sa Pa) cũng đang tất bật thu hái lá atiso trên vườn atiso rộng 0,3 ha của mình. Nếu như trước đây mỗi năm cả gia đình anh chỉ trông chờ vào một vụ lúa (ở Sa Pa mỗi năm chỉ trồng lúa được một vụ) với thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng, cuộc sống rất thiếu thốn, thì nay vườn actiso mỗi năm mang lại cho gia đình anh nguồn thu đến 30 triệu đồng, khiến anh rất phấn khởi.
Cũng nhờ mở rộng diện tích trồng actiso với quy mô lớn nên ngày nào vườn actiso nhà anh đều có khách du lịch, cả người nước ngoài vào tham quan, chụp ảnh, khiến thôn bản trở nên sôi động… Người dân tộc Mông, Dao ở đây được đổi đời nhờ cây actiso. Họ đã có tiền mua tivi, xe máy, có tiền để tiết kiệm…
Gần 20 năm trước, TraphacoSapa tìm được hướng đi đưa sản phẩm actiso vào trồng theo tiêu chuẩn GACP WHO - tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra nguồn nguyên liệu làm thuốc bảo đảm chất lượng.
Để thuyết phục bà con tin vào giá trị của cây actiso là một hành trình khá chật vật. Phó Giám đốc TrapacoSapa Lê Quân cho biết, người dân tộc ít người vốn không biết chữ và cũng có tính ỉ lại. Vì thế, để gầy dựng niềm tin cho bà con, cán bộ kỹ thuật của công ty phải cung ứng miễn phí giống cây, cầm tay chỉ việc kỹ thuật nuôi trồng, đến cho vay vốn để mua phân bón, lắp hệ thống nước tưới tiêu… và ký hợp đồng bao tiêu đầu ra.
Năm 2001 chỉ vài hộ dân canh tác trên diện tích 3-5 ha với sản lượng vài trăm cân lá, đến nay, diện tích trồng lên tới 50 ha và cho sản lượng hai nghìn tấn lá/năm. Vườn trồng actiso theo tiêu chuẩn GACP đã phát triển tại các thị trấn Sa Pa, Tả Phìn và Sa Pả với 90% số vườn là của dân tộc ít người Mông, Dao.
Nếu như trước đây, cây actiso được người dân Sa Pa coi là cây xóa đói giảm nghèo thì hiện nay, loại cây này được coi là cây làm giàu. “Chúng tôi hiện đã phát triển được 50 ha diện tích trồng actiso với 116 hộ dân tham gia trồng cây theo tiêu chuẩn GACP. Hơn 500 lao động trực tiếp và 3.000 lao động gián tiếp trồng actiso. Thu nhập từ actiso tính trung bình khoảng 5-7 triệu người/tháng, thu nhập cao gấp 7-10 lần so với trồng lúa” - Anh Quân hào hứng nói thêm: “Nhiều người dân họ không dám lĩnh tiền hàng tháng, nhờ công ty gửi tiết kiệm giúp để lĩnh hàng năm vì họ sợ mang tiền về lại tiêu hết”.
Phát triển du lịch bằng dược liệu quý Actiso
Sa Pa được biết đến khi có rất nhiều đặc sản được nhắc tới như một thương hiệu du lịch của mảnh đất quyến rũ lòng người này. Trong đó, actiso được coi là một cây trồng đặc biệt, là dược liệu sạch và cung ứng nhiều loại hình sản phẩm phục vụ du khách như: cao actiso, hoa ngâm rượu, thân actiso làm trà… Vào thời điểm tháng 5-7, hoa actiso bung sắc tím, nở rộ trên những vườn bạt ngàn màu xanh cũng níu chân nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Khác với actiso Đà Lạt chủ yếu lấy hoa để làm trà thì actiso Sa Pa được thu hoạch chính là lá để chiết xuất cao, vì thế, hoạt chất cao của actiso Sa Pa vượt trội hơn hẳn. Cao actiso Sa Pa sau khi được chiết xuất sẽ cung ứng khoảng 40 nghìn tấn cao nguyên liệu phục vụ sản xuất thuốc Boganic. Ngoài ra, một sản phẩm bản địa đang rất hấp dẫn du khách chính là cao mềm do TraphacoSapa sản xuất với sản lượng 40 nghìn lọ/năm.
Ngoài bán lá cho nhà máy TraphacoSapa, người dân còn có cơ hội thu hoạch thêm từ hoa, từ thân cây actiso. Vào khoảng tháng 5-7, người dân thu hoạch hoa và bán để ngâm rượu (giá khoảng 17-50 nghìn đồng/kg). Từ khi Đà Lạt bị mất dần diện tích trồng actiso, rất nhiều doanh nghiệp đã đến Sa Pa thu mua thân cây actiso để làm trà khô.
Được trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO, actiso ở Sa Pa có sức sống khá bền vững. Nhờ điều kiện khí hậu thuận lợi, cùng với sự khắt khe trong kỹ thuật trồng cây sạch, actiso có thể vượt qua được sự khắc nghiệt của thời tiết ngay cả khi bị sương tuyết. Những chiếc lá bánh tẻ có chất lượng tốt nhất mới được đưa vào sản xuất. Lá sẽ được chiết xuất với điều kiện đặc biệt và được cô đặc, bảo đảm giữ được hoạt chất của sản phẩm.
Hiện đại hóa các sản phẩm bản địa từ actiso, đến nay, nhiều sản phẩm actiso được coi là món quà đặc sản của mảnh đất Sa Pa như cao actiso Sapa với dạng bào chế cổ truyền; cao mềm Actiso Sapa; trà phun sương Actiso Sapa; cao phun sương Actiso Sapa. Những sản phẩm này được bày bán ở các điểm du lịch như Thác Bạc, chợ Trung tâm Sa Pa, các nhà thuốc, quầy dược liệu tại thị trấn Sa Pa và thành phố Lào Cai.
Đặc biệt trong tháng 3-2018, một dòng sản phẩm mới với "linh hồn" là tinh chất actiso vùng núi cao Sa Pa và bột cacao Bến Tre nguyên chất sẽ tạo nên dòng sản phẩm Chocolate detox, một thức uống cân bằng và bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe
Nguồn: Báo Nhân Dân
http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/26063