Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cho cụm di tích đền Cửa Ông (TP. Cẩm Phả) và đền Cặp Tiên (huyện Vân Đồn).
Đền Cửa Ông (nguồn ảnh: internet)
Thuộc địa phận phường Cửa Ông, TP. Cẩm Phả, đền Cửa Ông thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng (con trai thứ ba của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) - người có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, bảo vệ tuyến biên giới và lãnh hải vùng Đông Bắc Tổ quốc.
Đền tọa lạc trên một ngọn đồi cao khoảng 100m nhìn xuống vịnh Bái Tử Long, hai bên có hai ngọn đồi nhỏ hộ vệ, phù hợp với quy tắc “tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ”, sau lưng là dãy núi xanh chạy dài qua Cẩm Phả, Mông Dương. Nơi đây có sự hòa quyện giữa núi non, rừng, biển tạo nên cảnh quan hữu tình, hùng tráng nhưng cũng đầy trang nghiêm, tĩnh mịch.
Đền Cửa Ông được xây bằng các loại vật liệu như: đá đúc, gạch Bát Tràng, vữa hồ pha mật, đất sét nung. Phần trong nhà đền sử dụng các loại gỗ đinh, lim, trắc, gụ. Kiến trúc đền được trang trí theo các điển tích: Long, Ly, Quy, Phượng cùng các bức phù điêu, bức trướng, câu đối sơn son, thếp vàng lộng lẫy. Đền Cửa Ông gồm hai cụm kiến trúc là đền Hạ thờ Mẫu và đền Thượng thờ Trần Quốc Tảng cùng gia thất và cận thần. Hiện nay, đền còn lưu giữ 34 pho tượng lớn nhỏ có niên đại khá sớm, được tạo tác bằng chất liệu quý, mang giá trị lịch sử và nghệ thuật cao.
Từ ngày 3/2 âm lịch đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm, tại đây diễn ra Lễ hội đền Cửa Ông với nhiều nghi lễ trang trọng và hoạt động văn hóa đặc sắc. Lễ hội đền Cửa Ông đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016.
Cách đền Cửa Ông khoảng 2km là đền Cặp Tiên (còn gọi là đền Cô Bé Cửa Suốt) thuộc quần thể di tích đền Cửa Ông, tương truyền thờ vị tiểu thư là con gái Trần Quốc Tảng. Ngôi đền này có vị trí đắc địa, lưng tựa núi, mặt hướng ra biển, tạo nên một không gian yên tĩnh, thơ mộng, linh thiêng.
Đền có 3 gian đại bái nằm theo kiểu bậc thang trên vách núi, ẩn mình dưới những tán đại thụ có từ lâu đời. Đến đây, ngoài vãn cảnh, hành lễ tại đền chính, du khách còn có dịp tham quan giếng Tiên, nằm trong khuôn viên của đền. Đây là một giếng nước ngọt nằm ngay bên bờ biển. Điều đáng nói, khi thủy triều lên, dù giếng có bị ngập mặn nhưng ngay sau đó lại ngọt trở lại và quanh năm không bao giờ cạn nước. Tương truyền, nếu ai dùng nước giếng Tiên sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Chính vì thế, khi đến tham quan khu di tích này, du khách thường không bỏ qua cơ hội dừng chân ghé vào giếng Tiên lấy nước để rửa mặt và mang về để cầu may.
Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, khoảng từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, đền Cặp Tiên lại thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương đến tham quan, lễ bái.
Lam Phương
TITC
http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/26106