logo
title

Hình thành và khẳng định thương hiệu các sản phẩm du lịch tại Thanh Hóa

Cập nhật ngày: 08/04/2020
Qua 10 năm triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính Trị, Ban Bí thư, chương trình, kế hoạch, quy hoạch của UBND tỉnh, lĩnh vực du lịch tỉnh Thanh Hóa đã có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Ảnh minh họa/moitruongvadothi.vn

Theo Báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa, trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng du lịch khá, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng trong tỉnh. Năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch từng bước được nâng cao; huy động được các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng VHTTDL, nhiều dự án đường giao thông quan trọng có tính chất quyết định, thúc đẩy phát triển du lịch đã và đang được triển khai, làm cơ sở thu hút một số dự án kinh doanh du lịch quy mô lớn. Sản phẩm du lịch mũi nhọn là sản phẩm du lịch biển, đảo đã được hình thành tương đối rõ nét, khẳng định thương hiệu; sản phẩm du lịch có thế mạnh như: Du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch văn hóa gắn với tìm hiểu di sản, du lịch tâm linh bước đầu hình thành, có chiều hướng phát triển tích cực.

Công tác quy hoạch và đầu tư hạ tầng du lịch được chú trọng

Giai đoạn 2011-2020, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện được 42 quy hoạch, trong đó có 27 quy hoạch đã được phê duyệt như: Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Sầm Sơn đến năm 2040, Quy hoạch phân khu du lịch thác Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch, đô thị ven biển, huyện Quảng Xương đến năm 2035… và 15 dự án quy hoạch đang triển khai nghiên cứu.

Bên cạnh đó có 29 dự án được triển khai. Một số dự án quy mô lớn, có tính chất quan trọng, là đòn bẩy thu hút các dự án kinh doanh du lịch đã và đang được tập trung triển khai như: Dự án đường bộ ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa; dự án nâng cấp đường Hồ Xuân Hương và cải tạo bãi biển Sầm Sơn và các dự án đường đến các khu du lịch Sầm Sơn, Hải Tiến, Bến En, Lam Kinh. Ngoài ra, một số dự án quy mô nhỏ những có ý nghĩa lớn, tác động trực tiếp đến việc hình thành và khai thác phát triển du lịch như: Đường vào thác Ma Hao – bản Năng Cát (huyện Lang Chánh), Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (huyện Quan Hóa, Bá Thước)…

Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có sự đầu tư quy mô

Giai đoạn 2011-2020 có 77 dự án kinh doanh du lịch được cấp phép đầu tư, trong đó có một số dự án quy mô lớn, hệ thống dịch vụ đồng bộ, chất lượng cao như: Quần thể nghỉ dưỡng và sân golf FLC của tập đoàn FLC, Khu tổ hợp dịch vụ thương mại khách sạn Vincom của Tập đoàn Vingroup, Khu du lịch sinh thái biển Tiến Thanh của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến… và 05 dự án có quy mô lớn đang triển khai các thủ tục đầu tư như: Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp Bến En và Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn; Khu đô thị sinh thái, Khu du lịch ven sông Mã.

Hệ thống cơ sở lưu trú phát triển với tốc độ khá nhanh đã khẳng định quy mô và năng lực cung cấp dịch vụ của du lịch Thanh Hóa. Có 29 doanh nghiệp lữ hành (trong đó 8 doanh nghiệp lữ hành quốc tế). Nhìn chung các doanh nghiệp lữ hành đã chú trọng việc kết nối các dịch vụ cung cấp phong phú, đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, nghỉ dưỡng của du khách.

Phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo và đặc trưng

Sản phẩm du lịch chủ đạo của Thanh Hóa là du lịch biển đảo; sản phẩm du lịch có thế mạnh là du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng; ngoài ra còn có sản phẩm du lịch khác như du lịch sinh thái sông, hồ; vui chơi, giải trí; làng nghề… Các sản phẩm du lịch đều được quan tâm, đầu tư, nâng cao chất lượng, tạo hiệu ứng tốt đối với khách du lịch, dần khắc phục tính mùa vụ trong kinh doanh du lịch.

Ảnh minh họa/truyenhinhthanhhoa.vn

Điển hình là sản phẩm du lịch biển, với sự đầu tư quy mô, đồng bộ từ các dự án đầu tư hạ tầng tại khu du lịch Sầm Sơn, khu du lịch biển Hải Tiến, Nghi Sơn đến việc thu hút các tổ hợp dự án đầu tư tại các khu du lịch biển; đặc biệt là trật tự kỷ cương, môi trường du lịch thường xuyên được chấn chỉnh; công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra hoạt động du lịch được tăng cường, đã đánh dấu bước đột phá, đem đến một diện mạo mới cho du lịch biển Thanh Hóa, từng bước tạo dựng thương hiệu nổi trội tại khu vực phía Bắc và Bắc miền Trung, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các phân khúc thị trường khách du lịch từ trung đến cao cấp.

Sản phẩm du lịch đặc trưng về văn hóa, tâm linh được chú trọng phát huy giá trị; trong đó đặc biệt ưu tiên công tác đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử có giá trị phục vụ du lịch như Di tích Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Phủ Trịnh…; tổ chức các lễ hội truyền thống quy mô lớn góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh như: Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội Bà Triệu, Lễ hội đền Sòng Sơn…

Ngoài ra, việc phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ khác cũng được quan tâm đầu tư phát triển như: Phê duyệt và triển khai đề án "Phát triển tuyến du lịch đường sông" đã hình thành sản phẩm du lịch "Ngược xuôi sông Mã"; một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã công bố sản phẩm du lịch nổi bật như: tuyến du lịch làng cổ Đông Sơn, trải nghiệm đồng quê trên địa bàn thành phố Thanh Hóa; chương trình trải ngiệm trồng rau sạch tại xã Yên Lễ (huyện Như Xuân); chụp ảnh hoa sen trong nội thành Thành nhà Hồ, chụp ảnh hoa súng tại khu du lịch Kim Sơn…

Quan tâm đặc biệt nguồn nhân lực du lịch

Công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch đặc biệt được quan tâm. Giai đoạn 2011-2020 đã mở nhiều lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước về du lịch và các nghiệp vụ quản lý chuyên sâu cho cán bộ quản lý nhà nước về du lịch và cán bộ các ngành có liên quan; cử cán bộ cấp tỉnh tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về du lịch do Tổng cục Du lịch, Ban quản lý dự án EU tổ chức. Đồng thời tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng cho cộng đồng làm du lịch. Kết quả, từ 2011-2020 đã có trên 550 lượt cán bộ, công chức tham gia các lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước về du lịch; tổ chức 14 lớp bồi dưỡng du lịch cộng đồng tại các khu du lịch trọng điểm, 01 lớp tập huấn kỹ năng du lịch sinh thái vùng đệm các khu bảo tồn thiên nhiên…

Các cuộc thi nhằm nâng cao kỹ năng nghề cho lao động du lịch cũng được ngành du lịch, các trường, hiệp hội du lịch tổ chức và cử các doanh nghiệp tham gia các hội thi tay nghề do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức như: Hội thi chiếc thìa vàng; Hội thi tay nghề du lịch quốc gia; Hội thi tay nghề hướng dẫn viên du lịch, Hội thi hướng dẫn viên du lịch giỏi.

Nhờ đó chất lượng lao động trong ngành du lịch đã có những chuyển biến rõ rệt, tỷ lệ lao động du lịch qua đào tạo và đào tạo tại chỗ ngày càng tăng. Năm 2011 mới có 12.900 lao động trong ngành du lịch, đến năm 2020 đã tăng lên 40.600 lao động.

Phát huy những kết quả đã đạt được, bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành VHTTDL Thanh Hóa phấn đấu hướng tới mục tiêu phát triển du lịch toàn diện, bền vững, chuyên nghiệp, gắn với tái cơ cấu dịch vụ, tăng cường xã hội hóa, liên kết nội tỉnh cũng như giữa Thanh Hóa với các địa phương trong đầu tư khai thác phát triển du lịch./.

Thanh Thủy

bvhttdl.vn