logo
title

TP. Hồ Chí Minh: Phải giữ hình ảnh một Việt Nam với truyền thống hiếu khách

Cập nhật ngày: 13/04/2020
Lượng khách sụt giảm, cơ sở lưu trú đóng cửa vô thời hạn, doanh nghiệp lữ hành lao đao, ngành Du lịch Việt Nam tiếp tục “gồng mình” chống đỡ nhưng vẫn phải tập trung chuẩn bị các phương án để sẵn sàng cho sự hồi phục. Phó Giám đốc Thường trực Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa đã có cuộc trao đổi với Báo Lao Động xung quanh những bài toán nan giải những người làm du lịch đang phải đối diện.

Du khách quốc tế tham quan TP. Hồ Chí Minh mùa dịch COVID-19 (ảnh chụp trước ngày 1.4). Ảnh: Hải Nguyễn

Thưa bà, bà đánh giá thế nào về những khó khăn ngành Du lịch Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19?

- Dịch bệnh bùng phát và lan rộng trên thế giới đã khiến các ngành kinh tế bị thiệt hại nặng nề và tất nhiên có ngành Du lịch. Du lịch Việt Nam mà cụ thể là TP. HCM cũng không tránh khỏi những tổn thất, đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn trên địa bàn TP. HCM sụt giảm mạnh từ 60 đến 80% (so với cùng kỳ năm 2019), 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, duy trì.

Du khách quốc tế được xem là thị trường trọng điểm ảnh hưởng đến sức tăng trưởng lượng khách của Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng. Vậy theo bà, chúng ta cần phải tuyên truyền hay có hành động ra sao để nhanh chóng thu hút khách trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát?

- Hiếu khách là truyền thống tốt đẹp bao đời nay của dân tộc ta và cũng là một trong những giá trị cốt lõi để thu hút du khách đến Việt Nam. Chính vì vậy, trong thời điểm này, hơn lúc nào hết, rất cần sự chung tay của từng người dân, từng doanh nghiệp du lịch và của cả cộng đồng xã hội để truyền thống này được phát huy và tỏa sáng, góp phần xây dựng hình ảnh và con người Việt Nam nhân ái, hiền hoà trong mắt bạn bè quốc tế. TP. HCM cũng không ngoại lệ khi thể hiện trách nhiệm xây dựng một điểm đến “Hấp dẫn - Thân thiện - An toàn” đối với du khách.

Để tuyên truyền chủ trương này, Sở Du lịch TP. HCM cũng đã có văn bản triển khai đến các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đồng thời gửi UBND các quận, huyện để phối hợp rà soát, đặc biệt là xử lý kịp thời nếu phát hiện tình trạng phân biệt đối xử với người nước ngoài.

Bà có thể cho biết hướng đi sắp tới của Sở Du lịch TP. HCM sau “cơn bão” COVID-19?

- Bên cạnh việc luôn nhận thức rõ vai trò trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thời gian tới, Sở Du lịch TP. HCM sẽ thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc tích cực triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ, góp phần đưa chính sách vào thực tiễn, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục lắng nghe và đề xuất các giải pháp khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

Đối với Chương trình kích cầu du lịch sẽ tăng cường sự liên minh, liên kết giữa TP. HCM và các địa phương lân cận cũng như giữa các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở lưu trú du lịch, các hãng hàng không, vận chuyển, các điểm tham quan… để xây dựng những gói sản phẩm hấp dẫn, giá cả hợp lý nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng mới có thể kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân, sớm mang lại sự tăng trưởng cho ngành Công nghiệp không khói. Tất cả sẽ được phát động ngay khi dịch bệnh kết thúc. Ngoài ra, Sở Du lịch TP. HCM cũng đang khẩn trương hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển du lịch TP. HCM đến năm 2030, chuẩn bị các chương trình đào tạo nguồn nhân lực ngành, xây dựng nhiều hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước cũng như việc triển khai các ứng dụng du lịch thông minh để nhanh chóng khôi phục lại ngành Du lịch.

Xin cảm ơn bà!

Mai Châu thực hiện

Báo Lao động