Dịch Covid-19 làm ngành du lịch Việt Nam lao đao, đối mặt với khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên, đại diện các công ty du lịch, cơ quan quản lý đều khẳng định: Không thể vì khó khăn mà lùi bước, ngành du lịch chỉ có thể tiến lên phía trước.
Doanh nghiệp du lịch phải có biện pháp quyết liệt cùng sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương nhằm thúc đẩy du lịch nội địa, tạo đà phục hồi toàn diện du lịch.
Du lịch nội địa sẽ là cứu cánh
Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 4 tháng đầu năm, lĩnh vực du lịch bị thiệt hại nặng nề, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,4 triệu lượt, trong đó chủ yếu là khách của tháng 1 và tháng 2. Riêng tháng 4 không có khách du lịch quốc tế. Ông Trương Nam Thắng, Chuyên gia cao cấp về marketing và chính sách du lịch của Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ, nhận định: “Năm 2019, ngành du lịch thu 775.000 tỷ đồng (khoảng 34 tỷ USD). Do tác động của dịch Covid-19, trong năm 2020, du lịch Việt Nam dự báo có thể mất từ 24 đến 29 tỷ USD”. Trong khi đó, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn ngừng đón khách quốc tế và tâm lý của người dân nhìn chung còn e ngại khi đi du lịch...
Trong hoàn cảnh này, để thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe người dân, vừa thực hiện phát triển kinh tế như Thủ tướng Chính phủ đề ra, du lịch nội địa được các nhà quản lý, chuyên gia xem như cứu cánh. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho ý kiến chỉ đạo về việc Chính phủ chưa có chủ trương mở cửa du lịch quốc tế, ngành du lịch cần phải tự đứng dậy để phát triển thị trường du lịch trong nước. Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: “Dịch Covid-19 lần này để lại những hậu quả nặng nề hơn tất cả những khó khăn mà ngành du lịch đã trải qua trước đây. Do đó, hành động của chúng ta để ứng phó cũng phải khác trước”.
Khu du lịch Sun World Fansipan Legend sẽ giảm giá dịch vụ từ 30 đến 60%. Ảnh: Hoàng Giang.
Kích cầu du lịch toàn quốc
Sau khoảng thời gian dài tạm dừng hoạt động, nhiều điểm du lịch tại Việt Nam, như: Phú Quốc (Kiên Giang), Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Lâm Đồng... đã mở cửa trở lại, phục vụ đón khách tham quan với quan điểm du lịch an toàn. Các công ty du lịch, khách sạn, như: Fiditour, Vietravel, HanoidRedtours, JW Marriott Phú Quốc Emerald Bay... lên kế hoạch khuyến mãi hấp dẫn để "hâm nóng" thị trường. Tại nhiều địa phương, chính quyền và các doanh nghiệp đã cùng vào cuộc.
Lần đầu tiên một chương trình kích cầu du lịch rộng khắp đang được UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai) phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Sa Pa và Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch cáp treo Fansipan tổ chức. Đồng loạt các cơ sở lưu trú, điểm đến, hãng xe du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa cam kết giảm giá. Đáng chú ý, khu du lịch Sun World Fansipan Legend cho biết sẽ giảm giá dịch vụ từ 30 đến 60%. Tỉnh Bình Dương cũng vừa ban hành văn bản tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, trong đó đặc biệt coi trọng khôi phục và phát triển ngành du lịch... Không chỉ ở Sa Pa, Bình Dương, hàng loạt tỉnh, thành phố khác cũng đã và đang khẩn trương xây dựng các gói kích cầu du lịch, như: Quảng Ninh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Sơn La, Đà Nẵng...
Đáng chú ý, ngày 6-5, Hiệp hội Du lịch Việt Nam khi tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề “Giải pháp khôi phục du lịch sau dịch Covid-19” đã đặc biệt nhấn mạnh vào chương trình kích cầu du lịch nội địa toàn quốc dự kiến triển khai trong tháng 5 này. Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang cho rằng: “Gói kích cầu lần này chính là cầu nối cho du lịch các địa phương trong cả nước”. Tuy nhiên, để gói kích cầu du lịch lớn như vậy đem lại hiệu quả, thu hút nhiều du khách, các chuyên gia cho rằng gói kích cầu phải đồng bộ hướng tới chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: “Vì chúng ta thực hiện kích cầu du lịch toàn quốc nên cần tập trung toàn bộ lực lượng để thể hiện sức mạnh của du lịch Việt Nam. Sức mạnh đó cần sự đồng lòng của tất cả thành phần tham gia bằng việc chúng ta ổn định lại lực lượng của chính mình để chuẩn bị đón một cao trào du lịch mới. Hiện nay, bất cứ địa phương nào cũng cần đón khách. Đây là một cuộc cạnh tranh, nếu địa phương nào làm không tốt thì khách sẽ đến địa phương khác. Vì thế, chúng ta cần sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương, các điểm du lịch trên cả nước”.
Có thể thấy, các gói kích cầu lúc này là hết sức cần thiết để từng bước làm ấm trở lại thị trường du lịch, giải quyết công ăn việc làm cho nhân lực ngành du lịch. Và với sự chủ động của doanh nghiệp du lịch, những chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, du lịch Việt Nam đang kỳ vọng sẽ nhanh chóng “hồi sinh".
“Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” là chương trình kích cầu du lịch nội địa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động trong bối cảnh bình thường mới sau dịch Covid-19. Chương trình được thực hiện từ ngày 1-6 đến 31-12 với nhiệm vụ đẩy mạnh truyền thông, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn; việc các địa phương mở cửa lại du lịch, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và sẵn sàng đón tiếp khách du lịch; triển khai các gói kích cầu du lịch với việc giới thiệu các gói sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng có giá hợp lý.
Lan Dịu