Quê hương cách mạng Thái Nguyên - “Thủ đô gió ngàn” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vùng đất “Đệ nhất danh trà” với hương chè thơm ngát, nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà đã lan tỏa ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong công cuộc đổi mới hôm nay, Thái Nguyên đang từng bước khẳng định vị trí trung tâm kinh tế - xã hội vùng Việt Bắc, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa - du lịch. Những miền quê, vùng đất, di tích như: vùng chè Tân Cương, ATK Định Hóa, hang Phượng Hoàng, đền Đuổm… đã trở thành những điểm du lịch nổi tiếng của quốc gia. Nhiều di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh gồm: Lễ hội Lồng tồng của người Tày, huyện Định Hóa; Múa Tắc Xình, hát Sấng Cọ của người Sán Chay, huyện Phú Lương; Nghệ thuật Khèn của người Mông, huyện Phú Lương và Đồng Hỷ… đã trở thành những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đang được bảo tồn và phát huy có hiệu quả, trở thành những giá trị văn hóa độc đáo của người dân xứ chè…
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và Sở VHTTDL Thái Nguyên trao đổi về sản phẩm du lịch đặc thù.
Những dấn ấn phát triển
Thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, chương trình, dự án, đề án phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015 – 2020 của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đề ra, thời gian qua, Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các hoạt động quảng bá du lịch, phục vụ, chào mừng các sự kiện của đất nước, của tỉnh như: Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ ba; Chung kết Liên hoan dân ca Việt Nam năm 2015 khu vực phía Bắc; Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về ATK Định Hoá - Thái Nguyên cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp... đã góp phần quảng bá rộng khắp những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa, lịch sử của Thái Nguyên trên cả nước cũng như cộng đồng quốc tế.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh được quan tâm chú trọng, Quần thể di tích ATK - Định Hoá đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên cũng được tỉnh phê duyệt. Tại các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh có 255 di tích đã được xếp hạng Quốc gia, cấp tỉnh.
Ở các xã, phường, thị trấn có 516 di tích đã được kiểm kê, phúc tra. 17 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Thái Nguyên được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục công nhận “Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia”. Trong lĩnh vực du lịch lịch, toàn ngành đã thu được nhiều kết quả khả quan về thu hút đầu tư hạ tầng tại một số khu, điểm du lịch, tiêu biểu như: Khu du lịch Hồ Núi Cốc, Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa, Di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sỹ TNXP đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái tại phường Gia Sàng, Thành phố Thái Nguyên…
Các điểm du lịch sinh thái mới được các doanh nghiệp đầu tư gồm: Khu du lịch sinh thái làng nhà sàn Thái Hải, Khu du lịch sinh thái Dũng Tân hay vùng chè Tân Cương, La Bằng - Đại Từ, Phú Lương.. đã góp phần thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa địa phương. Thái Nguyên ngày càng có vị thế trên bản đồ du lịch trong nước và khu vực, như một điểm đến mới hấp dẫn của du khách. cơ sở hạ tầng du lịch như khách sạn, nhà hàng có những bước phát triển mạnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 6 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 17 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao… với khoảng trên 2.000 phòng đủ điều kiện phục vụ khách du lịch cũng như các hội nghị, hội thảo, các cuộc giao lưu văn hóa thể thao khu vực và toàn quốc...
Hàng năm, Thái Nguyên đã đón trên 1,2 triệu khách du lịch, tổng doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch đạt khoảng 400 tỷ đồng/năm...
Vươn tầm cao mới
Bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều khó khăn thách thức không nhỏ, Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên đã đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể: Phấn đấu thực hiện tốt công tác hoạch định, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị các di tích tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa đồng thời gắn việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững; Đến năm 2025 có trên 90% gia đình đạt danh hiệu văn hóa; có trên 80% Làng, xóm, bản; tổ dân phố đạt danh hiệu văn hoá; có trên 90% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; Thu hút đầu tư để khai thác phát huy có hiệu quả tài nguyên du lịch của địa phương gồm di tích đình, đền, chùa Cầu Muối (huyện Phú Bình), di tích đền Đuổm (huyện Phú Lương), di tích Núi Văn, Núi Võ (huyện Đại Từ), hồ Suối Lạnh (thị xã Phổ Yên), hồ Ghềnh Chè (thành phố Sông Công), di tích khu Đá Thiên (huyện Đồng Hỷ); Từng bước triển khai thực hiện đầu tư vào Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc theo Quy hoạch đã được phê duyệt, xây dựng dự án đường du lịch ven Hồ Núi Cốc ...
Để hoàn thành các mục tiêu này trong giai đoạn 2020 – 2025, đồng chí Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết: Trong thời gian tới, Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và di tích lịch sử trong xây dựng văn hóa con người Việt Nam cũng như làm giàu thêm kho tàng văn học nghệ thuật các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, vùng Đông Bắc; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng trên cơ sở tiềm năng thế mạnh sẵn có nhằm đưa du lịch Thái Nguyên thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; đầu tư có trọng điểm các môn thể thao mũi nhọn và chuẩn bị tốt cơ sở vật chất và nguồn nhân lực thể thao đủ điều kiện đăng cai các giải thể thao quốc gia, khu vực và quốc tế... Ngành văn hóa tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng chống bạo lực gia đình có hiệu quả, đẩy mạnh việc thực hiện công tác xã hội hóa hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch; xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch có hiệu quả cao nhằm đạt được các mục tiêu phát triển du lịch...
Với những giải pháp cụ thể, đồng bộ, Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên đang chuyển mình mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Thái Nguyên trở thành “đầu tàu” kinh tế - xã hội của khu vực miền núi phía Bắc, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.
Nguyên Hoàng