logo
title

Đi tắt, đón đầu công nghệ để phát triển du lịch thông minh

Cập nhật ngày: 13/11/2020
“Đơn vị thực hiện phải làm rõ tính cấp thiết của Đề tài và nghiên cứu thực tiễn trong việc thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về việc ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 trong phát triển du lịch. Đồng thời chỉ ra xu hướng của thời đại hiện nay, việc chuyển đổi số, kinh tế số trong phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Việt Nam như thế nào?”.
 
Thứ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Ảnh: TRẦN HUẤN
 
 Thứ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng đã nhấn mạnh như vậy khi chủ trì phiên họp thứ nhất Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh” ngày 10.11.
 
Góp phần xác định đóng góp của ngành du lịch
 
Đề tài nghiên cứu là một trong những nhiệm vụ thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”. Đề tài được đề xuất thực hiện trong bối cảnh các công nghệ gồm IoT, AI, Big Data, Điện toán đám mây… đang làm thay đổi hành vi, đòi hỏi các chủ thể thay đổi phương thức hoạt động quản lý, mô hình kinh doanh và nhu cầu của khách du lịch. Trong khi đó, Việt Nam cũng có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0 như Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0; Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
 
Đơn vị đề xuất cho rằng cần ứng dụng công nghệ để hiện đại hóa công tác thống kê, xác định đúng và đủ những đóng góp của ngành Du lịch trong nền kinh tế và phục vụ quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng đang triển khai và được giao các nhiệm vụ mới về công nghệ như: Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2025; Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, đến nay chưa có một Đề tài nghiên cứu toàn diện nào về vấn đề này, chưa có những đánh giá, cũng như hình thành cấu trúc tổng thể, xây dựng cơ sở dữ liệu đủ lớn để hỗ trợ trong công tác quản lý; nâng cao hiệu quả về xúc tiến, quảng bá; hỗ trợ khách du lịch tốt nhất.
 
Thời gian thực hiện tối đa 2 năm
 
Sau khi nghe Trung tâm thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đơn vị chủ trì trình bày phương án đề xuất, ý tưởng về đề tài, Hội đồng đã thống nhất tên đề tài điều chỉnh thành: “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh”. Hội đồng cũng nghiên cứu và đề nghị đơn vị chủ trì đề tài khoa học làm rõ tính cấp thiết của Đề tài, những thực tiễn trong thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về vấn đề này. Xu hướng của thời đại đặt ra hiện nay và việc chuyển đổi số, kinh tế số trong phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như thế nào?
 
Hội đồng thống nhất phương pháp nghiên cứu quan sát, phương pháp điều tra thực nghiệm, phân tích và phương pháp chuyên gia. Nội dung sẽ tập trung vào 3 nhóm chính. Trong đó, làm rõ thực trạng ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển du lịch ở Việt Nam những năm qua, những mặt tích cực và cả những hạn chế, khó khăn với hệ quy chiếu là những Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về vấn đề này. Nghiên cứu, đánh giá xem ngành Du lịch đã thực sự đi tắt, đón đầu, tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển chưa? Về góc độ quản lý nhà nước, thông qua Đề tài, nghiên cứu để thúc đẩy, hoạch định các chính sách, tác động với tư cách “bà đỡ” nhằm phát triển du lịch thông minh; tạo điều kiện thu hút các nguồn lực xã hội cùng nhà nước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một nội dung rất quan trọng khác của Đề tài là nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ trong việc phát triển du lịch thông minh, tập trung vào nhóm tích hợp những công nghệ đã có, đang triển khai trong phát triển du lịch và cơ sở dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo. Từ những cơ sở dữ liệu này có thể đưa ra những sản phẩm ứng dụng.
 
Hội đồng nhất trí ủng hộ đề xuất của Tổng cục Du lịch, giao Trung tâm thông tin du lịch chủ trì Đề tài và giao Viện nghiên cứu và phát triển du lịch là đơn vị phối hợp chính. 2 đơn vị này có nhiệm vụ chọn các đơn vị đối tác thực hiện Đề tài.
 
Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Đề tài phải nghiêm túc, trách nhiệm, nghiên cứu với hàm lượng khoa học cao, có giá trị thực tiễn, khả thi. Đề tài thực hiện tối đa 2 năm. Cơ quan đề xuất Đề tài phải tiếp thu đầy đủ, hợp lý, khoa học những góp ý của Hội đồng tư vấn; đủ sức thuyết phục Hội đồng cấp trên. 
Báo Văn hóa