Không chỉ níu chân du khách nhờ cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình cùng bản sắc văn hoá độc đáo, vùng hồ Hòa Bình còn nổi tiếng với nhiều đặc sản, ẩm thực địa phương hòa quyện hương vị núi rừng.
Người Mường xã Tiền Phong (Đà Bắc) giới thiệu ẩm thực địa phương cho đoàn famtrip trong chương trình tuyên truyền, quảng bá về du lịch của tỉnh Hòa Bình
Có dịp đến các bản du lịch cộng đồng (DLCĐ) của huyện Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực đặc trưng của các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung, Hoà Bình nói riêng. Bà Đinh Thị Yệu, hộ cung cấp dịch vụ lưu trú tại điểm DLCĐ Đá Bia, xã Tiền Phong (Đà Bắc) chia sẻ: Đón khách thăm bản, bà con thường đồ xôi, chuẩn bị món cỗ lá và rượu cần. Để có loại xôi nếp thơm, dẻo, các gia đình ngâm gạo kỹ, đồ trong cốp để luôn giữ vị ngọt bùi. Vừa ăn, khách vừa nắm cho cơm rền, hạt dính vào nhau khiến xôi càng dẻo, ngon hơn. Với mâm cỗ lá, nguyên liệu chủ yếu làm từ thịt lợn mà phải là lợn thả rông có thịt chắc, thơm, ít mỡ nên không bị ngấy. Được bày trên lá chuối tươi, cỗ lá gồm nhiều món như: Thịt luộc thái mỏng, thịt nướng, lòng, bên cạnh còn có xôi đồ, canh loóng chuối… Cỗ lá cũng là ẩm thực tiêu biểu nhất mà đồng bào Mường ở đây luôn mong muốn được giới thiệu khi khách có dịp đến trải nghiệm du lịch vùng hồ.
Thăm quan, du lịch trên vùng hồ, du khách cũng đừng quên thưởng thức ẩm thực cá, tôm sông Đà. Trong bữa cơm ấm cúng dưới nhà sàn, các gia đình ở xóm Ngòi, xã Suối Hoa (Tân Lạc) thường đãi khách món cá nướng, cá hấp tươi ngon và món canh cá nấu chua có vị thanh mát, giàu dinh dưỡng. Anh Hoàng Văn Khánh, du khách Hà Nội chia sẻ: Sau một hành trình thăm quan cảnh đẹp, tìm hiểu phong tục, tập quán xóm làng, đoàn chúng tôi được đón tiếp bằng bữa cơm tối chu đáo, nồng hậu. Với nguyên liệu đảm bảo sạch, tươi ngon cùng bàn tay khéo léo của gia chủ, chúng tôi chỉ có thể xuýt xoa trước sức hấp dẫn của đặc sản cá sông Đà.
Ngoài cỗ lá, cá sông Đà, ẩm thực vùng hồ còn có thêm món thịt gà nấu măng chua hạt dổi với nguyên liệu từ thịt gà đồi, măng tre rừng và hạt dổi rất thơm ngon. Chị Bùi Thuý Chiều, người dân xóm Mỗ, xã Bình Thanh (Cao Phong) cho biết: Thịt gà nấu măng chua hạt dổi là món ăn chỉ có ở vùng người Mường Hoà Bình và trở thành món đặc sản được du khách ưa thích. Việc chế biến món này khá đơn giản. Thịt gà làm sạch, chặt nhỏ miếng vừa ăn rồi cho vào nồi trộn lẫn với măng chua thật kỹ để thịt quyện đều với măng, sau đó cho nước vừa đủ rồi đun khoảng nửa giờ là chín. Trước khi múc ra bát, nướng vài hạt dổi, giã nhỏ rắc vào đảo đều. Khi ăn miếng măng chua chín mềm, rất đậm đà và không ngấy. Một món khác cũng thường có mặt trong bữa cơm của đồng bào vùng hồ là chả lá bưởi làm từ thịt lợn. Theo đó, miếng thịt ba chỉ được thái con chì, ướp nước mắm, hành. Lá bưởi bọc bánh tẻ dọc đôi, cuốn mỗi miếng thịt một nửa lá, đưa vào kẹp tre nướng trên than hồng. Khi ăn, lá bưởi có vị thơm giòn, gẫy mảnh lẫn vào thịt săn vàng làm tiêu tan sự ngấy và có chút đắng tê tê đầu lưỡi.
Đặc biệt, khi có dịp lưu lại lâu hơn trên các bản làng của người Mường vùng hồ Hoà Bình, bên cạnh việc thưởng thức những món ăn hợp khẩu vị, đậm đà bản sắc, du khách hãy cùng thưởng thức men say rượu cần, loại đồ uống nổi tiếng và phổ biến làm từ gạo nếp cẩm, gạo nếp hoặc gạo tẻ, sắn, ngô. Đây cũng là một trong những nét văn hóa ẩm thực đặc sắc khiến tình người thêm ấm áp, giao hòa, giúp du khách trải nghiệm đầy đủ hơn về không gian sinh hoạt cộng đồng các dân tộc.
Bùi Minh