Trong nhịp sống công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, nét đẹp làng nghề, làng nghề truyền thống (LNTT) vẫn được lưu giữ và tiếp tục phát huy. Tại các địa bàn nông thôn của huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình), những làng nghề, LNTT đang có bước phát triển, tăng cả về quy mô và giá trị ngành nghề.
Sản phẩm làng nghề mây tre đan truyền thống xóm Vó, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) được quảng bá, giới thiệu ở Phiên chợ vùng cao tỉnh năm 2022.
Về xã Nhân Nghĩa, trung tâm của vùng Mường Vó dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các cô, các chị mặc trang phục dân tộc xếp chiếu quây quần, thoăn thoắt đan lát mây, tre. Đồng chí Bùi Lý Tưởng, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Nghề mây tre đan tại địa phương có từ lâu đời và tạo việc làm cho khoảng trên 200 lao động có thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra thu hút khá đông lao động nông nhàn. Trên địa bàn đã thành lập HTX và một số cơ sở tư nhân, tạo bước phát triển mới trong nghề mây tre đan, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển ổn định nghề.
Một trong những LNTT tiêu biểu là làng nghề mây tre đan xóm Bui, xã Nhân Nghĩa được công nhận từ năm 2017. Bà Quách Thị Dung, Giám đốc HTX mây tre đan xóm Bui cho biết: Mây tre đan là nghề truyền thống, lực lượng trực tiếp làm nghề chủ yếu là phụ nữ, các sản phẩm đều được làm bằng phương pháp thủ công, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Mường. Từ khi có chính sách bảo tồn, phát huy LNTT, nghề mây tre đan ở xóm phát triển mạnh, đời sống người dân được nâng lên nhờ vào việc đan lát, bán sản phẩm cho khách du lịch và các doanh nghiệp nhận bao tiêu. Nhiều nghệ nhân và thợ giỏi trong xóm đã khôi phục những bí quyết nghề nghiệp truyền lại cho con cháu thế hệ sau. Nhờ đó, nghề ngày càng mở rộng, đem lại nguồn thu nhập, đồng thời gìn giữ được giá trị văn hoá truyền thống quê hương.
Hiện nay, HTX mây tre đan xóm Bui tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 50 thành viên. HTX còn nhận được nhiều đơn đặt hàng giá trị lớn, có đơn hàng lên đến hơn 1 tỷ đồng. Tại xóm thành lập thêm cơ sở sản xuất mây tre đan của anh Bùi Văn Quỳnh, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 70 lao động. Cơ sở này tích cực trong việc phối hợp với LĐLĐ, Hội LHPN huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề cho phụ nữ các xã: Tân Lập, Vũ Bình, Yên Phú, Văn Sơn, Văn Nghĩa…, từng bước mở rộng địa bàn sản xuất mây tre đan ra toàn huyện.
Một làng nghề khác có tuổi đời hàng trăm năm, mang đậm màu sắc hoa văn núi rừng là LNTT dệt thổ cẩm xóm Lục, xã Yên Nghiệp. Được công nhận từ năm 2013, đến năm 2018 thành lập HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành, mở rộng thêm nhóm sản xuất, hộ kinh doanh cá thể, LNTT này tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 80 lao động với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/ tháng, lao động thời vụ 2 triệu đồng/tháng. Giữ nét hoa văn truyền thống, bằng nguyên liệu, vật liệu thiên nhiên, người dân địa phương đã dệt nên những sản phẩm không chỉ phục vụ cuộc sống hàng ngày mà còn đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành quy tụ các nghệ nhân làng nghề, tổ chức đào tạo nghề cho chị em trong và ngoài xã, vừa phát triển sản xuất quy mô hàng hoá, vừa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Theo đồng chí Bùi Văn Lích, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, với 2 LNTT được tỉnh công nhận đã góp phần nâng cao ý nghĩa của sản phẩm, giải quyết lao động nông nhàn ở địa phương và các xã lân cận, thu nhập của người dân nông thôn tăng lên, xây dựng kinh tế nông thôn dần chuyển dịch theo hướng tích cực, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển CN-TTCN và thương mại. Hỗ trợ các làng nghề trong việc bảo tồn, phát triển, huyện tạo mọi điều kiện để các cơ sở nghề tiếp cận và hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh; mời các HTX, làng nghề tham gia hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, các phiên chợ trong và ngoài tỉnh. Huyện cũng đề xuất với Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách phát triển nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho lao động làng nghề.
Bùi Minh