Cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển du lịch, một trong những đối tượng mà tỉnh Bắc Kạn đặc biệt quan tâm đó là người dân làm du lịch. Đây là bộ phận có vai trò quan trọng trong phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn cùng đại diện các sở, ngành kiểm tra, nắm bắt tình hình phát triển du lịch tại Ba Bể
Vừa qua UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức cuộc đối thoại với gần 100 hộ dân kinh doanh du lịch tại các thôn Bó Lù, Cốc Tộc, Pác Ngòi, Bản Cám xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Tham dự cuộc đối thoại có đại diện các sở, ngành liên quan. Tỉnh đã mời một số chuyên gia có kinh nghiệm trong phát triển du lịch cộng đồng, kiến trúc, đại diện Hiệp hội du lịch cộng đồng Việt Nam đến dự, tư vấn, đóng góp ý kiến cho chính quyền địa phương cũng như người dân về giải pháp để khôi phục và phát triển du lịch. Hướng dẫn quản lý kiến trúc, cảnh quan đối với các công trình của nhà dân trong khu Di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể.
Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn cùng các sở, ngành, địa phương đã nắm bắt tình hình, lắng nghe nhiều ý kiến kiến nghị, đề xuất của các hộ dân. Các ý kiến đề xuất này sát thực, chẳng hạn như: Cần có logo in chữ to hồ Ba Bể dựng lên núi đá đối diện đền An Mã tạo điểm nhấn, ấn tượng du khách khi du thuyền trên hồ; đường vào ao Tiên cần có cổng chào. Các biển ở điểm tham quan nên viết song ngữ tiếng Việt - tiếng Anh để thuận lợi cho khách quốc tế; tạo điều kiện cho người dân kinh doanh buôn bán kiểu chợ nổi trên thuyền; cần có nhiều thùng rác tại các điểm tham quan; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ làm du lịch cho người dân; gắn kết nâng cao trách nhiệm cộng đồng trong phát triển du lịch… Tất cả các ý kiến của người dân đã được ghi nhận tại cuộc đối thoại trên tinh thần tiếp thu, xây dựng. Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn đã trao đổi, giải đáp từng nhóm ý kiến, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan.
Vấn đề tồn tại được nêu ra tại cuộc đối thoại đó là thời gian qua nhiều hộ dân xây dựng các công trình kiến trúc phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, làm mất đi vẻ đẹp vốn có của hồ Ba Bể. Để giải quyết vấn đề này, Sở Xây dựng đã hướng dẫn quản lý kiến trúc, cảnh quan đối với các công trình nhà ở riêng lẻ xây dựng trong phạm vi ảnh hưởng đến Di tích Quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể, đồng thời cùng bàn bạc với người dân phương án chỉnh sửa các ngôi nhà cao tầng đã xây trong khu di tích. Một trong những gợi ý mà các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc đưa ra đó là cần mạnh dạn tháo dỡ, cắt một số tầng nhà xây quá cao, sơn lại tường nhà bên ngoài bằng màu sơn mang đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc, thân thiện với môi trường như màu gỗ, mái có thể màu xanh, trồng nhiều cây xanh để cải tạo lại không gian du lịch. Khuyến khích các hộ dân đầu tư, sửa chữa, khai thác, sử dụng nhà sàn dân tộc vào mục đích kinh doanh du lịch. UBND tỉnh hiện đang giao các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách bảo tồn di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch cộng đồng trình HĐND xem xét phê duyệt. Đối tượng hưởng lợi của chính sách đó chính là cộng đồng, người dân làm du lịch.
Thực tế cho thấy, du lịch ở địa phương muốn phát triển bền vững thì cần sự tham gia của người dân. Mỗi người dân có vai trò như một “đại sứ” du lịch, góp phần quảng bá, hình ảnh, cốt cách, truyền thống văn hoá tốt đẹp của mỗi vùng đất với bạn bè trong nước và quốc tế. Vì vậy việc đồng hành cùng cộng đồng dân cư, tạo điều kiện để đầu tư phát triển du lịch, là nhiệm vụ được tỉnh tích cực chỉ đạo nhằm phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc./.
Phương Thảo