Những năm qua, ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có nhiều biện pháp khôi phục, bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc. Qua đó, giữ gìn bản sắc dân tộc, gắn kết các thôn, bản, góp phần bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa.
Nghệ nhân biểu diễn khèn Mông trong Lễ hội Gầu tào tổ chức tại xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ)
Với cộng đồng 19 dân tộc cùng sinh sống, Điện Biên có một kho tàng các lễ hội truyền thống phong phú, đa dạng. Trong thời gian qua, nhiều lễ hội cũng đã được các cơ quan chuyên môn tập trung nghiên cứu, sưu tầm và tổ chức phục dựng thành công. Có thể kể tới Lễ “Bun Huột Nặm” (Tết té nước) dân tộc Lào tại bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên; “Lễ cúng bản” (Tê hrôi cung) của dân tộc Khơ Mú tại bản Suối Lư, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông; “Lễ cầu mùa” của dân tộc Si La tại bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé; “Lễ Nhảy lửa” của dân tộc Dao tại bản Huổi Sâu, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ; “Lễ cầu mùa” của người Khơ Mú tại bản Huổi Lốt 1, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo; Lễ cúng bản (Gạ ma thú) của người Hà Nhì, bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé...
Trong năm 2020, Bảo tàng tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức phục dựng lại Lễ mừng cơm mới (Kin Khẩu Hó) của dân tộc Lào tại bản Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông. Đây là một tín ngưỡng văn hóa rất ý nghĩa với đồng bào, có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tâm linh của bà con và có giá trị to lớn trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Đây cũng là dịp để mọi người thắt chặt tình đoàn kết, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn thách thức để xây dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc trong mỗi gia đình, dòng họ. Phần nghi lễ được tổ chức tại nhà thầy cúng và các gia đình trong bản. Sau đó, bà con trở về tập trung tại Tháp Mường Luân để tổ chức phần giao lưu, chơi hội. Trong nhịp chiêng trống, những chàng trai, cô gái Lào với trang phục truyền thống say mê uyển chuyển trong điệu múa lăm vông. Ngoài ra mọi người còn cùng chung vui với các trò chơi dân gian, như: Ném còn, kéo co, đi cà kheo, tó má lẹ, Rùa ấp trứng (Tấu pác khái); Ngù kin khiết (rắn bắt ngóe); Đi tìm kiếm ăn (Nu nú tẩu tẩu)... Và cứ thế người người nhà nhà cùng nhau hòa mình vào những điệu múa, câu hát gắn kết yêu thương, rộn ràng âm vang khắp bản. Cuộc vui kéo dài trong bầu không khí đầm ấm vui vẻ, thắm tình đoàn kết. Ai cũng tin tưởng ông bà, tổ tiên và các vị thần linh sẽ che chở bảo vệ mùa màng, lúa ngô, hoa màu sẽ tươi tốt, vật nuôi sinh sôi nảy nở và cùng nhau mong đợi một mùa vụ gieo trồng được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ông Thào A Dơ, Viên chức Bảo tàng tỉnh chia sẻ: Đây là một nghi lễ truyền thống đặc trưng đậm đà bản sắc dân tộc, trong tiến trình phát triển và hội nhập của xã hội khó tránh được giao thoa, mai một. Do đó, việc phục dựng, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung và Văn hóa dân tộc Lào nói riêng là việc làm cấp thiết và ý nghĩa quan trọng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa phi vật thể dân tộc thiểu số hiện nay.
Tương tự như vậy, vừa qua, huyện Nậm Pồ đã phục dựng thành công Lễ hội Gầu tào của người Mông tại bản Nà Bủng, xã Nà Bủng sau hơn 30 năm tạm hoãn. Tuy mới chỉ phục dựng chính ở phần lễ, phần hội vẫn hạn chế do dịch bệnh Covid-19 phức tạp nhưng cũng đã tạo nên không khí vui tươi cho bà con dân tộc Mông trong những ngày đầu xuân. Ông Phan Ngọc Linh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nậm Pồ chia sẻ: “Ý nghĩa của Lễ hội Gầu tào rất lớn, tính cộng đồng cao, mang đậm tín ngưỡng của bà con dân tộc Mông. Thông qua lễ hội này, bà con muốn cảm ơn thần sông, thần núi, cảm ơn trời đất ban cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, mang lại sức khoẻ cho mọi người. Việc phục dựng lễ hội góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết gắn bó trong cộng đồng người Mông, từng bước tôn tạo, bảo tồn các nét đẹp văn hóa truyền thống, làm phong phú đời sống tinh thần của dân tộc này. Xa hơn, chúng ta có thể nghĩ về việc góp phần phục vụ phát triển du lịch cộng đồng của địa phương”.
Không chỉ cơ quan chức năng vào cuộc, nhiều cộng đồng dân cư cũng đang chung tay trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Những ngày đầu tháng 5 vừa qua, bà con bản Hoong Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên tưng bừng bước vào mùa Xên. Bởi lẽ, lễ Xên bản là hoạt động văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái vùng Tây Bắc nói chung, của bà con bản Hoong Lếch Cang nói riêng, qua đó nhiều giá trị văn hóa của cộng đồng được gìn giữ, phát huy. Với 100% dân số là đồng bào dân tộc Thái nên những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời được gìn giữ bởi tấm lòng trân trọng của mỗi người dân bản Hoong Lếch Cang. Trước đây, cứ hai năm một lần, bà con bản Hoong Lếch Cang lại tổ chức lễ Xên bản. Thế nhưng trong một thời gian khá dài lễ Xên bản tưởng chừng mai một. Mấy năm gần đây, nghi lễ ý nghĩa này mới được bà con dân bản khôi phục. Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn giúp kết nối cộng đồng, cho họ có dịp được thỏa mãn nhu cầu tinh thần vui tươi, lành mạnh. Về với lễ Xên bản, bà con được sống trong không khí của những nghi lễ trang nghiêm truyền thống, mang hồn cốt của đồng bào dân tộc Thái. Sau những phần lễ trang trọng, bà con lại tổ chức phần hội tưng bừng trên sân nhà văn hóa bản, từ múa hát trong tiếng nhạc rộn ràng đến chơi các trò chơi truyền thống như: Tung còn, tó má lẹ... sôi động. Theo ông Lò Văn Păn, Bí thư Chi bộ bản Hoong Lếch Cang chia sẻ: Những năm gần đây, hưởng ứng phong trào bảo tồn, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Điện Biên, đồng bào dân tộc Thái bản Hoong Lếch Cang đã và đang thực hiện khôi phục, bảo tồn một số di sản văn hóa có ý nghĩa như: Dân ca, dân vũ, dân nhạc và tiếp đó là lễ hội. Xên bản là một trong các hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc trưng được đồng bào, được khôi phục, sẽ trở thành hoạt động văn hóa có ý nghĩa, góp phần giúp bà con xây dựng điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách trong thời gian tới.
Bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội, lễ nghi truyền thống các dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ hội nhập như hiện nay. Thực tế cho thấy, nhiều chính sách, đề án đã được các cơ quan chuyên môn triển khai hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó mà một số lễ hội, lễ nghi có nguy cơ bị mai một đã được phục dựng, góp phần bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc; đồng thời, từng bước đưa các nét văn hóa truyền thống đó vào phát triển du lịch cộng đồng.
Diệp Chi
Báo Điện Biên Phủ Online - baodienbienphu.com.vn