logo
title

Trải nghiệm xứ sở thần tiên vùng non nước Cao Bằng

Cập nhật ngày: 27/09/2022
Miền non nước Cao Bằng với những nét đặc trưng về tự nhiên, không gian địa lý lưu giữ di sản địa chất quan trọng ở quy mô thế giới; cảnh quan kỳ vỹ, nét văn hóa đa sắc màu, từ lâu đã trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách. Ðặc biệt, sau khi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất Toàn cầu, miền non nước Cao Bằng lại càng hấp dẫn du khách khám phá và trải nghiệm.
 
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Mắt Thần núi (Trùng Khánh)
 
Trải nghiệm tuyến phía Đông của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng vào tiết trời thu, cảm nhận ban đầu của chúng tôi là sự dễ chịu và khoan khoái trước cảnh vật hiền hòa tươi mát. Trải rộng tầm mắt, non nước Cao Bằng như một bức tranh thủy mặc khổng lồ của một họa sĩ thiên nhiên với nét bút khoáng đạt vẽ núi, thác nước, con sông uốn lượn hiền hòa và cuộc sống bình dị của bà con các dân tộc vùng cao.
 
Xuất phát từ thành phố Cao Bằng, du khách sẽ được đi qua 2 điểm dừng chân đầy thú vị gồm: Di sản Bazan cầu gối - đèo Mã Phục và Mắt Thần núi. Đèo Mã Phục thuộc xã Quốc Toản (Quảng Hòa) có chiều dài hơn 3,5 km, độ cao gần 700 m so với mực nước biển. Với cung đèo uốn lượn đẹp, có 7 tầng du khách có thể chụp ảnh tham quan và phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh. Nơi đây, khoảng 260 triệu năm trước có nhiều núi lửa hoạt động ngầm dưới biển. Dung nham núi lửa phun lên trong nước biển bị nguội đột ngột tạo thành các cầu gối xếp chồng lên nhau với nhiều kích thước và màu sắc (bazan cầu gối).
 
Bên cạnh giá trị đặc biệt về địa chất, đèo Mã Phục còn là một điểm di sản phi vật thể. Tích xưa kể rằng, giữa thế kỷ XI, thủ lĩnh người Tày là Nùng Trí Cao đã lãnh đạo nhân dân địa phương chống lại quân Tống ở phía Bắc. Trong một lần tuần tra biên giới trở về, đến địa phận xã Quốc Toản ngày nay gặp con đèo cao quanh co, dốc đứng án ngữ trước mặt, ngựa của Nùng Trí Cao bị khuỵu chân không thể đi tiếp được nữa. Từ đó dãy núi được đặt tên là Án Lại và con đèo được đặt tên là Mã Phục (ngựa quỳ).
 
Mắt Thần núi hay núi Phja piót (tiếng Tày là "Núi thủng") thuộc xã Cao Chương (Trùng Khánh). Mắt Thần núi thực chất là một hang thủng hình tròn đường kính hơn 50 m, nằm ở độ cao khoảng 50 m so với mặt hồ. Đến tham quan Mắt Thần núi vào mùa mưa (tháng 6 - 8), sau khi đi hết con đường mòn, du khách không khỏi ngạc nhiên khi thấy hồ nước rộng khoảng 15 ha tên là Nặm Trá. Song, cũng tại đây vào mùa khô (từ tháng 9 trở đi), người dân địa phương có thể chăn thả gia súc trên đồng cỏ. Phía bên phải, cách hồ khoảng 500 - 600 m, đi bộ mất 10 phút là thác Nặm Trá nước tuôn ào ào, đổ xuống dòng suối trong bao quanh bởi những ruộng lúa, nương ngô xanh mướt xen lẫn là thảm hoa cỏ dại trắng, tím, vàng vô cùng đẹp mắt.
 
Tiếp đó, qua tuyến đường đèo uốn lượn theo triền núi đá vôi, chúng tôi đến tham quan tuyệt tác thiên nhiên thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh). Đây là thác nước lớn thứ 4 thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới các quốc gia. Nằm sát đường biên giới Việt Trung, dòng sông Quây Sơn hiền hòa uốn lượn qua những cánh đồng lúa, rồi bất chợt đổ xuống thành thác từ độ cao khoảng 40 m, qua nhiều bậc đá vôi tạo thành màn bụi nước trắng xóa, nhìn từ xa như những dải lụa trắng mềm mại. Ánh nắng mặt trời xuyên qua làn hơi nước tạo thành cầu vồng lung linh huyền ảo.
 
Du khách Nguyễn Hồng Loan, thành phố Lào Cai (Lào Cai) thích thú chia sẻ: Lần đầu tiên tôi lên Cao Bằng và đi thăm thác Bản Giốc, tôi rất ngỡ ngàng vì tôi đã được ngắm thác trên các trang mạng xã hội nhưng không ngờ khi ngắm trực tiếp còn đẹp gấp vạn lần, thác đẹp như trong mơ vậy, thật tuyệt vời. Người dân địa phương thân thiện, họ giới thiệu cho tôi biết thời điểm đẹp nhất đến Bản Giốc là vào cuối mùa thu khi lúa chín vàng, nước xanh trong vắt.
 
Xuôi dòng Quây Sơn theo đường đèo khoảng 3 km là động Ngườm Ngao, một trong những hang động đẹp nhất nước bởi hệ thống nhũ đá tạo nên những khung cảnh sinh động vô cùng kỳ thú. Với vẻ đẹp hoang sơ hoàn toàn được tự nhiên tạo nên, không có tác động của con người, động Ngườm Ngao càng trở nên cuốn hút, mang vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ.
 
Theo đường tỉnh 206, khoảng 4 km, đi qua con suối nhỏ, chúng tôi ghé thăm làng đá cổ Khuổi Ky của người Tày huyện Trùng Khánh. Nơi đây nổi tiếng với những ngôi nhà sàn làm bằng đá từ thời nhà Mạc (thế kỷ XVII). Giữa không gian bao la trùng điệp, những ngôi nhà đá vững chãi, bền bỉ chở che những cư dân hiền lành miền sơn cước. Ngoài tận hưởng không gian hoài cổ của làng đá, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản, dân dã. Hiện nay, làng Khuổi Ky có 10 hộ kinh doanh homestay phục vụ du khách trong nước và quốc tế khám phá thiên nhiên, văn hóa bản địa.
 
Tiếp tục hành trình, du khách sẽ đến vùng đất Hạ Lang với nhiều di sản địa chất lý thú. Tại đây du khách trẩy hội chùa Sùng Phúc - Chùa thờ ông Nguyễn Thành Vương tức Nguyễn Đình Bá (1678) - tri châu Hạ Lang - người có công chiêu dân khẩn hoang lập bản ở đây. Chùa Sùng Phúc còn liên quan với bà Nguyễn Thị Duệ, đỗ tiến sĩ đầu bảng Trường Quốc học Bản Thảnh, Cao Bằng (triều Mạc), qua đó trở thành nữ tiến sĩ duy nhất trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam. Năm 1993, chùa Sùng Phúc được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Ở Hạ Lang du khách còn được thăm đồn của quan hai người Pháp được xây dựng trên núi Phja Rạc, xóm Bằng Ca, xã Lý Quốc. Dấu tích đồn Pháp còn lại ngày nay là phần móng đồn còn nguyên vẹn với 2 hệ thống tường vòng ngoài và vòng trong, một số chỗ vẫn còn sót lại những đoạn tường vòng ngoài cao khoảng 5 m, tường vòng trong cao khoảng 3 m và một vài đoạn tường nhà ở của các quan Pháp và binh lính.
 
Sau đó, du khách sẽ đến với các điểm có di sản địa chất lý thú, gồm Đại dương cổ và Lục địa cổ ở xã Minh Long. Các trầm tích này hình thành cách ngày nay trên 400 triệu năm.
 
Tiếp cuộc hành trình, chúng tôi đến thăm các điểm di sản tại huyện Quảng Hòa. Điểm đầu tiên là làng rèn Pác Rằng (xã Phúc Sen). Sản phẩm của làng nổi tiếng bởi độ sắc và bền hơn là hình thức. Tương truyền làng rèn đã có từ thế kỷ thứ XI, ban đầu vốn là nơi sản xuất vũ khí cho đội quân của Nùng Tồn Phúc và Nùng Trí Cao chống lại quân Tống. Sau chiến tranh, người dân ở đây chuyển sang rèn nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Hiện nay, hơn một nửa số xóm của xã Phúc Sen làm nghề rèn, trở thành "xưởng rèn thủ công" lớn nhất miền Bắc. Đến đây, du khách được trải nghiệm du lịch cộng đồng bản Pác Rằng, nơi có mỏ nước không bao giờ cạn với cánh rừng nguyên sinh, cảnh quan thanh bình.
 
Đến làng làm giấy bản Dìa Trên (xã Phúc Sen), nghề truyền thống này đã được 65 hộ dân người Nùng An lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nguyên liệu chính làm giấy bản là vỏ cây Mạy Sla (tên gọi theo tiếng địa phương). Giấy bản có màu trắng và mùi thơm đặc trưng của cây rừng và nước vôi. Tại đây, chúng tôi được tìm hiểu các công đoạn sản xuất ra giấy và được trải nghiệm nghề làm giấy truyền thống dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của người dân địa phương.
 
Tiếp đó, chúng tôi đến làng hương Phja Thắp (xã Phúc Sen) bình yên và đẹp đến nao lòng. Trên 50 nóc nhà sàn của bà con người Nùng sống tụ hợp dưới chân núi Phà Hùng, xung quanh là những ruộng lúa ngô trù phú. Ngoài làm nông nghiệp, bà con có nghề làm hương truyền thống và du lịch homestay. Cuộc sống dân dã yên bình quyện cùng trời mây non nước ở đây khiến người ta như sống chậm lại, lắng dịu tâm hồn để tận hưởng những phút giây bình yên.
 
Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sen (Quảng Hòa) Đàm Đình Đạo cho biết: Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết "ba nhiều, ba cùng" đó là "nhiều lượng, nhiều chất, nhiều giá trị; cùng làm, cùng tiêu chuẩn, cùng chất lượng" nhằm thay đổi và nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống của người dân địa phương, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, giữ vững và phát triển danh hiệu làng nghề truyền thống nằm trong tuyến phía Đông Công viên địa chất Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận.
 
Rời bản Phja Thắp trở về Thành phố cũng là lúc trời nhá nhem tối, làn khói lam chiều từ các nếp nhà sàn nhẹ nhàng quyện cùng mây trời non nước như muốn níu chân du khách, mời gọi khám phá những giá trị tiềm ẩn về tự nhiên và văn hóa nơi đây. Ngoài những di sản kể trên, còn rất nhiều di sản kỳ thú, tuyệt tác của thiên nhiên nằm trong tuyến phía Đông trải nghiệm văn hóa bản địa "Xứ sở thần tiên" được UNESCO công nhận, đó chắc chắn sẽ là trải nghiệm không thể nào quên với bất cứ ai khi đến với miền non nước Cao Bằng.
 
Diệu Hoa
Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn