Vào khoảng đầu tháng 9 đến hết tháng 12 hàng năm, các cánh đồng dọc Quốc lộ 4C khoác lên mình màu áo mới, được dệt bởi sắc tím, trắng, hồng đầy quyến rũ của hoa Tam giác mạch (TGM). Loài hoa này không chỉ trở thành nét văn hóa, ẩm thực đặc sắc của Hà Giang, mà còn góp phần thay đổi diện mạo, đời sống kinh tế của người dân địa phương.
Du khách tại cánh đồng hoa Tam giác mạch xã Lũng Táo. Ảnh: CTV
Trước khi trở thành “đặc sản” của mảnh đất biên thùy, TGM là cây lương thực bên cạnh ngô và lúa để cứu đói cho người dân khi mùa cũ đã qua, vụ mới còn chưa tới. Loại cây này được trồng tự phát, manh mún, đồng bào dùng hạt TGM để xay thành bột làm lương thực, thân cây để làm thức ăn cho gia súc. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch, tỉnh Hà Giang quyết định xây dựng chiến lược phát triển cây TGM trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng mang thương hiệu của tỉnh. Theo đó vào mùa, cây TGM được trồng quy mô hơn, tập trung hơn và các sản phẩm TGM được chú trọng phát triển.
Tại huyện Đồng Văn, hoa TGM chủ yếu trồng dọc theo trục Quốc lộ 4C và một số xã trọng điểm như: Sủng Là, Sà Phìn, Phố Cáo, Phố Bảng, Lũng Cú và thị trấn Đồng Văn… Để tạo thành phong trào, huyện tổ chức phát động trồng hoa TGM, thông qua đó tạo được sức lan tỏa từ huyện đến xã, thôn. Ngày thứ 7, Chủ nhật đồng loạt cán bộ huyện, xã, giáo viên, các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng hăng hái xuống cơ sở giúp trồng và tạo hình. Ngành chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Ngành Văn hóa hướng dẫn cách trồng tạo hình theo từng khu vực, phù hợp với những triền đồi, khe đá, thung lũng...
Là hộ dân tích cực và có diện tích trồng hoa lớn nhất tại xã Phố Cáo, ông Vừ Vản Phùa, thôn Chúng Pả A, chia sẻ: Cây TGM được người dân địa phương trồng từ rất lâu, nhưng khi đó trồng tự phát, chưa có tư duy trồng để thu hút khách du lịch, nên nhỏ lẻ, không có chăm sóc, chủ yếu để cứu đói lúc giáp hạt và làm thức ăn cho gia súc. Đến nay, người dân đã trồng theo quy hoạch phục vụ khách du lịch, thông qua đó được hưởng lợi lớn từ loại cây này.
Đồng chí Nguyễn Thanh Viễn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Để khích lệ người dân trồng hoa TGM, hàng năm huyện bố trí hỗ trợ kinh phí từ 3 - 5 triệu đồng/ha, qua đó vừa thu hút khách du dịch, vừa tạo vùng nguyên liệu chế biến các sản phẩm từ cây TGM như: Mỳ, rượu, bánh... Tính đến nay, toàn huyện trồng được 2.582 ha, sản lượng đạt 1.199,2 tấn, góp phần thực hiện thành công 7 mùa Lễ hội hoa TGM của tỉnh. Với vẻ đẹp tinh khôi mà tạo hóa ban cho, cây hoa TGM đã và đang trở thành cây trồng thế mạnh, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.
Theo kế hoạch, Lễ hội hoa TGM năm 2022 được khai mạc ngày 26.11 tại huyện Đồng Văn. Để phục vụ khách du lịch, 4 huyện vùng cao núi đá trồng gần 400 ha hoa TGM. Thời gian hoa nở kéo dài từ tháng 9 - 12, thời điểm hoa nở rộ nhất vào đúng dịp lễ hội. Trong đó, Đồng Văn là địa điểm trồng nhiều hoa TGM nhất với 250 ha, chủ yếu dọc Quốc lộ 4C và cung đường các xã Vần Chải, Phố Cáo, Sủng Là, Lũng Táo, Sà Phìn, Má Lé, Lũng Cú, Thài Phìn Tủng, thị trấn Đồng Văn, Phố Là, Phố Bảng, mỗi đơn vị lựa chọn từ 1 - 3 điểm để quy hoạch trồng hoa phục vụ lễ hội và du khách tham quan trải nghiệm.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; kết hợp tuyên truyền trực quan bằng pano, áp phích, tuyên truyền lưu động; tuyên truyền trên các trang mạng xã hội; quảng bá giới thiệu hình ảnh và sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, sản phẩm OCOP; thương hiệu lễ hội gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc. Đồng thời triển khai các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội như: Thi trồng tạo hình hoa TGM, trưng bày các sản phẩm địa phương, trình diễn và trải nghiệm các công đoạn dệt lanh, chế tác các nhạc cụ truyền thống, hội thi ẩm thực…
Giữa không gian mênh mông của núi rừng, những thảm hoa TGM trải dài bất tận khắp thung lũng, sườn đồi khiến cho mảnh đất biên thùy những ngày này trở nên thơ mộng hơn.
Đức Ngọc (Đồng Văn)