Để dịch vụ - du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) xây dựng Đề án “Phát triển dịch vụ - du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, giai đoạn 2021 - 2025”.
Điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc, Cao Bằng) thu hút khách du lịch nước ngoài khám phá, trải nghiệm nét văn hóa dân tộc Lô Lô
Phát triển du lịch từ tiềm năng, thế mạnh
Là huyện vùng cao biên giới, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 130 km, toàn huyện có 16 xã, 1 thị trấn với 7 dân tộc chính: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Kinh cùng chung sống. So với các địa phương khác, Bảo Lạc được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan, danh thắng như: núi Phja Dạ ở xã Sơn Lập cao 1.987 m so với mực nước biển; đèo 15 tầng Khau Cốc Chà, hồ tự nhiên Thôm Lốm, xã Xuân Trường; hồ thủy điện xã Bảo Toàn; mạng lưới hang động lớn nhỏ trong lòng các dãy núi Lũng Nà, xã Thượng Hà và Lũng Rì, xã Khánh Xuân… Bên cạnh đó, huyện có nhiều di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh như: đồn Đồng Mu, xã Xuân Trường; Di tích lịch sử Trông Nhìa Hậu, xã Hồng An; chùa Vân An, miếu Quan Đế, dinh thự dòng họ Nông tại thị trấn Bảo Lạc…
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Lạc Quan Hồng Tiềm cho biết: Huyện quy hoạch và bước đầu định hình được mô hình phát triển du lịch với các giá trị đặc trưng, riêng biệt theo hướng xanh và bền vững gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh, vùng đất, con người, tiềm năng, lợi thế du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử nhằm thu hút du khách tham quan, trải nghiệm và mua sắm các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu của địa phương.
Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông - Chợ tình Phong lưu, Lễ hội Lồng tồng… Phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh mở cuộc thi ảnh “Đất nước - con người Bảo Lạc”. Khuyến khích liên kết vùng trong thực hiện quy hoạch, quảng bá tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch. Triển khai chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch. Đến nay, 100% xã, thị trấn thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng với 146 tổ công nghệ số cộng đồng/146 xóm, tổ dân phố. Tháng 11/2022, huyện thành lập trang fanpage du lịch huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.
Để thúc đẩy phát triển dịch vụ - du lịch, huyện xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư cũng như người dân tham gia phát triển du lịch; chú trọng xây dựng hạ tầng cơ sở, dịch vụ lưu trú đáp ứng được nhu cầu của khách tham quan; đầu tư thử nghiệm du lịch hang động tại xóm Lũng Rì, mô hình du lịch Famstay tại xóm Kha Rào, xã Khánh Xuân, du lịch lòng hồ thủy điện xã Bảo Toàn… Đến nay, toàn huyện có 20 cơ sở lưu trú (6 khách sạn, 3 homestay và 11 nhà nghỉ). Hệ thống nhà hàng, cửa hàng giải khát, cơ sở phục vụ ăn uống phong phú, đa dạng… Năm 2022 có hơn 13.000 lượt khách du lịch đến huyện, trong đó hơn 8.500 lượt người nghỉ tại các cơ sở lưu trú. Doanh thu từ dịch vụ - du lịch gần 4 tỷ đồng. Riêng tuần lễ văn hóa dân tộc Mông - Chợ tình Phong lưu năm 2022 thu hút trên 6.000 lượt du khách đến tham quan.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc
Là nơi sinh sống của nhiều dân tộc nên huyện Bảo Lạc có một kho tàng văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc với 101 di sản được lưu giữ. Cộng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, độc đáo và nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa... Đây là những yếu tố cộng hưởng để huyện phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc.
Điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc là nơi sinh sống của 60 hộ người Lô Lô. Ở đây, bên cạnh các nghi lễ, tín ngưỡng văn hóa đặc sắc của người Lô Lô, nhiều gia đình vẫn giữ được nghề truyền thống dệt vải, may trang phục với các sản phẩm phong phú, đa dạng, từ đó tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc, không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc mà còn giúp người dân nâng cao thu nhập. Nhờ bảo tồn được văn hóa truyền thống nên trong những năm gần đây, xóm Khuổi Khon trở thành địa chỉ thu hút nhiều du khách đến khám phá.
Chủ tịch UBND xã Kim Cúc Nông Văn Khánh cho biết: Triển khai Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô gắn với phát triển điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon, xã đầu tư 5 tỷ đồng xây mới, hỗ trợ tu bổ, sửa chữa 5 ngôi nhà ở truyền thống, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng và một số công trình phụ trợ khác. Người dân được đào tạo, tập huấn kiến thức, kinh nghiệm về phát triển bền vững du lịch cộng đồng, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch… Nhờ đó, đời sống của người dân ổn định và phát triển hơn trước, đến nay xóm chỉ còn 10/60 hộ nghèo, 39 hộ cận nghèo.
Hằng năm, huyện tổ chức các lễ hội truyền thống: Lễ hội Lồng tồng, Chợ tình Phong lưu (Háng toán), Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông… Các lễ hội của địa phương đều ghi đậm dấu ấn bản sắc dân tộc, thu hút đông đảo khách du lịch đến trải nghiệm. Đặc biệt, Chợ đêm Bảo Lạc khai trương và đưa vào hoạt động từ tháng 11/2020 là một sản phẩm du lịch mới của huyện, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn và từng bước thúc đẩy phát triển du lịch. Chợ đêm Bảo Lạc là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố văn hóa và lĩnh vực thương mại, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương đến khám phá, giao lưu, thưởng thức những điệu hát Then, sli, lượn, nàng ới làm say đắm lòng người của đồng bào vùng cao, tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí, trò chơi dân gian, khám phá những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ; thưởng thức những món ăn truyền thống thắng cố, thịt chua, bánh bò, bánh trứng kiến, bánh chưng đen…
Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Hoàng Thị Đà cho biết: Khai thác du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc là một trong những điểm sáng, từng bước được địa phương định hướng bằng những kế hoạch, đề án cụ thể. Tuy nhiên, du lịch Bảo Lạc vẫn còn những hạn chế như: việc huy động nguồn vốn đầu tư hạ tầng cơ sở cho các điểm du lịch còn khó khăn, các sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú. Tiềm năng, lợi thế du lịch chưa thực sự được phát huy, bước đầu du lịch có bước phát triển nhưng chưa bền vững; chưa kết nối các tuyến du lịch đến các địa phương khác.
Thời gian tới, huyện cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn nữa để thúc đẩy du lịch phát triển. Phấn đấu đến năm 2025, thu hút 30.000 lượt khách du lịch, trong đó 20.000 lượt khách nội địa, 10.000 lượt khách quốc tế. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt trên 10 tỷ đồng. Có 50 cơ sở lưu trú, trong đó có từ 10 - 15 khách sạn; hỗ trợ vận động nhân dân làm mô hình du lịch homestay gắn với bảo tồn không gian, kiến trúc nhà sàn và các phong tục, tập quán của dân tộc địa phương.
Hoài An