Cao Bằng - nơi biên cương, phên dậu của Tổ quốc được ví như miền cổ tích với những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, di tích lịch sử đặc biệt, bản sắc văn hóa độc đáo. Những giá trị hội tụ này đã tạo nên một Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, là điểm du lịch hấp dẫn ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc và nổi bật như một viên ngọc xanh lấp lánh, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Làng du lịch cộng đồng Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh)
Cao Bằng được du khách khắp nơi biết đến với nhiều ưu thế trong phát triển du lịch. Đó là khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, rất “hợp gu” với những người thích trải nghiệm, khám phá. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2021, chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tổng lượt khách đạt 416.219 lượt, giảm 32,6% so với cùng kỳ; doanh thu đạt 72,1 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ. Năm 2022, tổng lượng khách đạt trên 1 triệu lượt người, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu du lịch đạt trên 500 tỷ đồng.
Đồng chí Trương Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng cho biết: CVĐC Non nước Cao Bằng có hơn 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú và đa dạng. Nơi đây còn chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, hấp dẫn và nổi tiếng, như: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, huyện Trùng Khánh; Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, huyện Nguyên Bình... Đây là nơi hội tụ đầy đủ những yếu tố đặc trưng về văn hóa, tự nhiên đa dạng và phong phú, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch trong vùng CVĐC gắn với văn hóa trên cơ sở nguồn lực các dân tộc hiện có trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng xây dựng ba tuyến tham quan du lịch chính, đó là: tuyến phía Bắc “Hành trình về nguồn cội”, tuyến phía Tây “Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay” và tuyến phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”. Ngày 11/12/2021, Hội đồng CVĐC toàn cầu đã thông qua hồ sơ mở rộng ranh giới của CVĐC Non nước Cao Bằng bao gồm địa giới hành chính của thành phố Cao Bằng và các huyện Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hạ Lang, Hà Quảng, Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An, trong đó có đề xuất tuyến du lịch thứ tư (gồm thành phố Cao Bằng, huyện Thạch An và Quảng Hòa). Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng và CVĐC cao nguyên đá Đồng Văn đang tiến hành xây dựng tuyến trải nghiệm thứ năm kết nối giữa hai CVĐC. Việc mở rộng diện tích CVĐC và xây dựng tuyến du lịch kết nối CVĐC Cao Bằng - Hà Giang với nhiều điểm di sản địa chất, văn hóa, lịch sử và cảnh quan sẽ mang đến nhiều lựa chọn trải nghiệm, khám phá hấp dẫn hơn cho du khách khi đến với miền Non nước Cao Bằng.
Trong định hướng phát triển mô hình du lịch xanh, bền vững, thân thiện với môi trường, phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa thì du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm về văn hóa, lịch sử và sự kiện sẽ là những sản phẩm du lịch tạo được bước đột phá trong phát triển du lịch trong tương lai. Vì vậy, hiện nay tỉnh đang tập trung vào phát triển các sản phẩm du lịch này, trong đó du lịch cộng đồng đã và đang được đưa vào vận hành khai thác hiệu quả, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm ở một số địa phương như: làng đá Khuổi Ky (Trùng Khánh), xóm Hoài Khao (Nguyên Bình), bản Giuồng, làng rèn Phúc Sen, làng hương Phja Thắp (Quảng Hòa)...
Trong hành trình khám phá CVĐC toàn cầu USESCO Non nước Cao Bằng, du khách tham gia trải nghiệm tuyến du lịch phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” có thể đến làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) với không gian đậm màu huyền ảo. Sở dĩ gọi là làng đá bởi chúng ta sẽ thấy sự hiện diện của đá ở khắp mọi nơi trong làng. Đá được người dân xếp thành đường đi lối lại, tường rào, làm cối xay, làm bàn ghế và dựng lên những căn nhà. Nhằm khai thác những lợi thế đó, những người dân trong làng đã phát triển du lịch cộng đồng.
Hiện nay tại làng Khuổi Ky có 7 hộ cung cấp dịch vụ lưu trú homestay. Chị Lý Thị Điệp, chủ homestay Yến Nhi chia sẻ: Làng đá Khuổi Ky hiện nay còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Tày. Đặc biệt khi đến Khuổi Ky, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên, chứng kiến cuộc sống bình dị của người dân trên những nếp nhà sàn đặc trưng. Từ những nét đặc trưng này, tôi cùng một số hộ trong xóm đã hình thành dịch vụ du lịch lưu trú tại nhà dân. Sản phẩm du lịch này đã thu hút được nhiều khách du lịch, nhất là khách quốc tế đến nghỉ và trải nghiệm, tham gia vào các hoạt động trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Hình thức du lịch này đã giúp các gia đình nơi đây có thêm thu nhập, chất lượng cuộc sống được nâng lên.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của du lịch cộng đồng tại địa phương, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát triển hạ tầng giao thông. Phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Hỗ trợ, xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái vùng đồng bào dân tộc; phát triển du lịch theo mô hình bền vững, có trách nhiệm, bảo đảm cộng đồng dân tộc có quyền tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch; khai thác hợp lý tài nguyên, cảnh quan du lịch theo nguyên tắc khai thác gắn chặt với bảo tồn; khai thác, phát huy văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trong vùng CVĐC phục vụ phát triển du lịch; hạn chế tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc; ưu tiên hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các bản, làng theo mô hình lưu trú tại nhà dân homestay... Xây dựng các sản phẩm đặc trưng cho từng vùng dân tộc. Hằng năm, mời các nghệ nhân tham gia hoạt động giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện, chương trình quảng bá, hội chợ xúc tiến du lịch trong vùng và quốc gia; cơ quan chức năng tổ chức các hội thảo, lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn kiến thức về du lịch, du lịch cộng đồng; thành lập các đội văn nghệ thôn, bản phục vụ khách du lịch; tổ chức các lớp đào tạo tiếng Anh du lịch cộng đồng...
Minh Hòa