Tân Lạc là 1 trong 4 vùng Mường lớn của tỉnh Hòa Bình - vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch khi sở hữu bản sắc dân tộc Mường độc đáo, còn được lưu giữ nhiều trong sinh hoạt, sản xuất, đời sống; cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, cuốn hút… Những năm gần đây, huyện đã có những giải pháp cụ thể để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch.
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh năm 2023 được tổ chức tại huyện Tân Lạc quy tụ 4 vùng Mường tiếp tục tôn vinh, khẳng định giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Đồng chí Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng VH-TT huyện cho biết: Huyện đã ban hành nghị quyết và đề án phát triển du lịch từ năm 2016. Theo đó, đề ra định hướng, giải pháp cụ thể tuyên truyền, quảng bá các lễ hội truyền thống, văn hóa dân tộc và các danh thắng trên địa bàn, xây dựng sản phẩm du lịch bằng việc lan toả các giá trị văn hoá Mường độc đáo, đặc sắc gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường, cải thiện đời sống Nhân dân.
Những năm qua, huyện chú trọng bảo tồn, tôn tạo các xóm, làng nhằm lưu giữ nét truyền thống và văn hóa Mường gắn với phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa truyền thống, lễ hội; đẩy mạnh phát triển các làng nghề truyền thống, mặt hàng nông nghiệp sạch và là đặc sản của địa phương như: bưởi đỏ, rau su su, quýt, các loại rau; tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch…
Toàn huyện có 11 di tích được công nhận, gồm 6 di tích cấp quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh. Nhân dân còn lưu giữ hơn 2.200 chiêng Mường; 579 bộ nhạc cụ dân tộc (ống ôi, ống sáo); khoảng 4.800 bộ trang phục dân tộc Mường. Đến nay, những giá trị văn hoá của dân tộc Mường đã được công nhận như: Di sản văn hóa mo Mường, chiêng Mường, các sản phẩm thủ công, lễ hội truyền thống tạo nên giá trị văn hóa đặc trưng, mang đậm bản sắc dân tộc. Trên địa bàn có nhiều hang động đẹp như: Động Nam Sơn được xếp hạng di tích cấp quốc gia; hang Núi Kiến được xếp hạng di tích cấp tỉnh... Ngoài ra, có một số thác nước tự nhiên, nhiều điểm thăm quan, khám phá như: Đỉnh Lũng Vân, ruộng bậc thang Lũng Vân, đồi quýt cổ Nam Sơn, thung lũng su su Quyết Chiến… Cùng với đó là các khu sản xuất nông sản hàng hóa đặc sản của vùng cao như: Tỏi tía Bắc Sơn, rau củ quả trái vụ Quyết Chiến, thảo dược, rau rừng, chè tuyết, gà giống bản địa Ngổ Luông... Huyện có xã Suối Hoa nằm trong vùng lõi quy hoạch phát triển du lịch quốc gia hồ Hòa Bình có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa.
Tuy tiềm năng rất lớn, nhưng để hiện thực hóa thành các sản phẩm du lịch đối với huyện Tân Lạc còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch. Ba xã trọng điểm du lịch vùng cao Vân Sơn, Quyết Chiến, Ngổ Luông mặc dù đã được đầu tư, nhưng đến nay cơ sở hạ tầng, đường giao thông đã xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác tiềm năng du lịch tại các địa phương này. Đường lên điểm động Nam Sơn phải trải qua khoảng 1 km đường rừng, chủ yếu men theo lối mở của người dân, các trang thiết bị đầu tư tại đây cũng đã dừng hoạt động, dẫn đến còn rất ít khách du lịch đến thăm quan. Người dân nơi đây mong muốn huyện tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông các điểm đến, giao thông kết nối liên vùng, điểm dừng chân, bãi đỗ phương tiện, hạ tầng kỹ thuật viễn thông; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, ưu tiên xây dựng các cơ sở đạt tiêu chuẩn cao cấp, hỗ trợ cải tạo, nâng cấp các điểm du lịch cộng đồng...
Nhằm hỗ trợ Tân Lạc phát triển du lịch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 17/10/2022 về xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. UBND tỉnh đã ban hành đề án thực hiện nghị quyết. Đây là cơ hội rất lớn để Tân Lạc phát triển các loại hình du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch phục vụ du khách, nâng cao cuộc sống người dân gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp của địa phương.
Đồng chí Đinh Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Tân Lạc cho biết: Huyện tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của tỉnh, cụ thể hóa các nghị quyết, đề án của tỉnh để phát triển du lịch. Huyện cũng đang triển khai các giải pháp cụ thể huy động nguồn lực đầu tư xây kết cấu hạ tầng, hỗ trợ nhà đầu tư, người dân tham gia hoạt động du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên bản sắc văn hoá, cảnh quan môi trường, xây dựng thương hiệu của du lịch Mường Bi, từ đó cải thiện bền vững cuộc sống người dân. Sau 20 năm tổ chức lễ hội Khai hạ Mường Bi, huyện đã phối hợp tổ chức thành công lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh quy tụ 4 vùng Mường vào đầu năm 2023, tiếp tục tôn vinh, khẳng định giá trị văn hóa để phát triển du lịch. Để phát triển du lịch các xã vùng cao, huyện đã lựa chọn được 3 xóm của 3 xã để xây dựng các điểm du lịch cộng đồng nhằm lan toả cách thức làm du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch bản sắc gắn với bảo vệ cảnh quan, môi trường cho các xã vùng cao. Cùng với đó, huyện phối hợp các sở, ngành chức năng cải thiện môi trường đầu tư, kêu gọi những doanh nghiệp có thực lực đến triển khai các dự án du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng tại những khu vực lợi thế như hồ Hòa Bình, các xã vùng cao... Mới đây, tại xã Suối Hoa đã khởi công dự án khu du lịch sinh thái Suối Hoa, khi hoàn thành sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch mới cho tỉnh cũng như huyện khai thác lợi thế, tiềm năng vùng hồ Hòa Bình.
Hương Lan