Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa bản địa là định hướng của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; và bước đầu có tín hiệu khả quan khi thu hút nhiều du khách tìm về.
Du khách cùng tham gia nghề đan lát truyền thống với người dân. Ảnh: D.L
Những tháng đầu năm 2023, Làng văn hóa Tăk Chươm (xã Trà Mai, Nam Trà My) đón nhiều đoàn du khách tới tham quan. Đặc biệt, có 2 đoàn du khách Nhật Bản với khoảng 60 người đã đến thăm làng và tỏ ra thích thú với những giá trị văn hóa bản địa được bảo tồn nơi đây.
Đến thăm Làng văn hóa Tăk Chươm, du khách được trải nghiệm một ngày làm việc, sinh hoạt đời thường cùng với bà con Ca Dong trong làng. Du khách được cùng đi rẫy, đi làm ruộng lúa nước, hái dược liệu, chung tay vào những công đoạn làm các món ăn truyền thống và thưởng thức món ăn do chính tay mình cùng bà con làm ra. Buổi tối, họ sẽ tham gia đốt lửa trại, sinh hoạt văn nghệ, trình diễn cồng chiêng cùng với dân làng và uống rượu dưới ánh lửa bập bùng.
Một du khách đến từ Nhật Bản - bà Arito tỏ ra thích thú với các hoạt động diễn ra tại Làng văn hóa Tăk Chươm khi bà cùng đoàn du khách đến thăm làng vào tháng 4/2023.
Bà Arito nói rằng được tham gia sinh hoạt cùng người dân trong một ngày trọn vẹn, bà có thể cảm nhận được nét đẹp trong lao động, sản xuất và trải nghiệm không gian văn hóa đậm sắc màu truyền thống bản địa.
Bà cũng như nhiều du khách trong đoàn rất thích loại hình du lịch cộng đồng trải nghiệm như thế này. Bà sẽ giới thiệu để nhiều du khách người Nhật khác cùng biết, cùng đến thăm làng và trải nghiệm ở vùng núi rừng Nam Trà My.
Ông Nguyễn Đình Bình - Chủ tịch UBND xã Trà Mai cho biết: “Trước tiên, Trà Mai sẽ tập trung vào xây dựng Làng văn hóa Tăk Chươm thành làng tiêu biểu nhất trong bảo tồn văn hóa, phục vụ du lịch cộng đồng.
Làng Tăk Chươm có thuận lợi là ở ngay trung tâm xã Trà Mai - cũng là trung tâm huyện Nam Trà My, khớp nối với phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu hàng tháng. Vì vậy việc tổ chức tour/tuyến rất thuận tiện, có chỗ lưu trú cho du khách nếu họ có nhu cầu ở lại trong làng cùng sinh hoạt với bà con, hoặc có thể ở khách sạn, nhà nghỉ theo yêu cầu.
Cùng với việc xây dựng xã nông thôn mới, nâng cao các tiêu chí, Trà Mai phát triển du lịch cộng đồng, giúp người dân vừa bảo tồn văn hóa vừa phát triển kinh tế đời sống qua các dịch vụ du lịch”.
Bảo tồn văn hóa truyền thống bản địa được xem là một yếu tố cốt lõi trong việc thu hút du khách để phát triển du lịch xanh, bền vững. Nam Trà My tập trung vào thế mạnh là văn hóa bản địa phong phú, có sản vật nổi tiếng là sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu, sản phẩm OCOP từ dược liệu.
Những làng văn hóa đặc trưng đang được huyện xây dựng, phát triển để phục vụ du lịch cộng đồng như Làng văn hóa Mô Chai (Trà Linh), Làng văn hóa Lăng Loan (Trà Cang), Làng văn hóa Long Túc (Trà Nam)...
Nam Trà My cũng đang tích cực hỗ trợ nhân dân phục dựng các nhà làng truyền thống, các lễ hội truyền thống như lễ cúng máng nước, lễ ăn tết mùa, các nghề truyền thống như dệt, mây tre đan, rèn, rượu cần, đồng thời thành lập các đội cồng chiêng để phục vụ du khách...
Nhật Linh - Lê Mai