Đi du lịch bằng tàu hỏa để trải nghiệm những điều thú vị, thưởng ngoạn phong cảnh đẹp thiên nhiên đang là xu hướng yêu thích của khách du lịch. Đáng chú ý, việc tổ chức được đoàn tàu du lịch chạy hàng ngày giữa Huế - Đà Nẵng và ngược lại để phục vụ du khách, kết nối các vùng đất di sản miền Trung đang rất được chờ đợi.
Tàu đi qua cầu Bạch Hổ, TP. Huế. Ảnh: VNR
Khai thác hiệu quả tuyến đường sắt phục vụ du khách
Mới đây, thông tin từ buổi làm việc của lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhận được nhiều quan tâm của người dân và du khách, nhất là việc chuẩn bị tổ chức tàu chạy hàng ngày giữa Huế và Đà Nẵng. Thừa Thiên Huế là vùng đất của di sản và lễ hội, thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Cũng vì thế, việc tổ chức được đoàn tàu du lịch chạy hàng ngày giữa Đà Nẵng - Huế sẽ phục vụ được khách du lịch đi lại, vừa kết nối được các vùng đất di sản miền Trung.
Du lịch bằng tàu hỏa không phải mới, nhưng những năm gần đây trở thành một xu hướng, nhất là của khách du lịch trẻ. Với nhiều tiện ích như mua vé tàu online; các thông tin về hành trình, kiểm tra vé, giờ tàu - giá vé, chương trình khuyến mãi... được tìm kiếm một cách nhanh chóng trên website của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nên du khách dễ dàng lựa chọn.
Theo thống kê của ngành đường sắt, trong 10 tháng năm 2023, lượng hành khách đi tàu từ Huế đến Đà Nẵng vào khoảng 74.000 hành khách, từ Đà Nẵng đi Huế khoảng 79.000 hành khách; lượng khách bình quân di chuyển giữa 2 địa phương là 500 khách/ngày. Hiện, ngành đường sắt Việt Nam đang chạy 4 đôi tàu Thống Nhất và một đôi tàu chất lượng cao, có đón trả khách tại Huế và Đà Nẵng. Sau khi nhận được ý tưởng của tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tổ chức các đôi tàu chạy hàng ngày giữa hai thành phố Huế và Đà Nẵng phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân địa phương, góp phần giảm tải cho vận tải đường bộ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã khẩn trương làm việc, xây dựng phương án để sớm hiện thực hóa dự án này.
Du lịch bằng tàu hỏa mang lại nhiều trải nghiệm thú vị
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện đường sắt tập trung khai thác hiệu quả tàu khu đoạn. Cùng với đó, nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ và điều chỉnh giá vé linh hoạt, khai thác các sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng đường sắt, đã tạo được thành công nhất định, nhận sự ủng hộ của người dân. Ngành đường sắt sẵn sàng đồng hành với các địa phương trong kết nối du lịch di sản. Khu đoạn Huế - Đà Nẵng gồm 12 ga với chiều dài 102km; trong đó có 3 ga nằm trên khu vực đèo dốc ở xa khu dân cư và 9 ga có thể đón khách là Huế, Hương Thủy, Truồi, Cầu Hai, Thừa Lưu, Lăng Cô, Kim Liên, Thanh Khê và Đà Nẵng. Tuy thời gian chạy tàu khu đoạn Huế - Đà Nẵng khoảng 3,5 - 4 giờ, dài hơn so với thời gian di chuyển đường bộ khoảng 2 giờ, song, lợi thế của vận tải đường sắt là được chạy vào trung tâm hai thành phố nên rất thuận tiện cho hành khách, nhất là khách du lịch.
Anh Nguyễn Hải Nam, người đã từng đi du lịch bằng đường sắt ngang qua Huế - Đà Nẵng khẳng định: “Đường tàu Huế - Đà Nẵng là cung đường sắt đẹp nhất Việt Nam. Đi trên tàu, có thể ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ khi đi qua đèo Hải Vân, ngắm nhìn sông núi và mây trời tuyệt đẹp ở vịnh Lăng Cô. Vào mùa hè, hoa hai bên đường nở rộ tạo nên khung cảnh rực rỡ sắc màu như tranh vẽ”.
Tạo thói quen và ấn tượng cho du khách
Những năm qua, ngành du lịch Huế có nhiều ký kết hợp tác với ngành đường sắt nhằm hướng đến gia tăng nguồn khách du lịch nội địa cũng như quốc tế đến Huế. Đồng thời, phối hợp quảng bá, tiếp thị điểm đến của Huế trong nước và các thị trường quốc tế.
Hiện nay, việc đi du lịch bằng tàu hỏa ngày càng phổ biến hơn, do vậy những tàu phục vụ khách du lịch đã được nâng cấp trở nên hiện đại và sang trọng, đầy đủ tiện nghi hơn. Có giường nằm thoải mái cho du khách, trang bị máy lạnh, nhân viên tàu hỏa phục vụ tận tình. Đây là điều cốt lõi cần duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng để tạo ấn tượng cho du khách.
Thực tế, tuyến đường sắt Huế - Đà Nẵng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các phương tiện giao thông khác, đặc biệt là nạn xe dù, bỏ bến nên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã phải tạm dừng việc khai thác chặng này từ nhiều năm nay. Do vậy, để khôi phục lại tuyến này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rất cần sự hỗ trợ từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng, đặc biệt trong giai đoạn đầu để tạo thói quen di chuyển bằng tàu hỏa cho người dân.
Sự phối hợp giữa ngành đường sắt và du lịch cũng cần thường xuyên và chặt chẽ hơn nữa, trong đó cần nghiên cứu có những hỗ trợ, giảm giá cho các doanh nghiệp Huế khi chọn đường sắt để vận chuyển khách. Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho rằng, những người đi du lịch và các doanh nghiệp tổ chức tour đang chuyển hướng, nhìn nhận đường sắt không chỉ là hình thức di chuyển mà trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn. Việc xây dựng các tour du lịch phù hợp cũng là cơ hội khi tuyến đường sắt chuyên dụng này được khôi phục.
Theo đại diện một số doanh nghiệp lữ hành, ngành đường sắt cần hoàn thiện các dịch vụ, tiện ích cho hành khách, đồng thời, cần tiếp tục nâng cao dịch vụ ăn uống và nâng cấp các toa tàu có giường nằm và có mức giá hợp lý để tạo sức hấp dẫn với du khách.
Hữu Phúc
Báo Thừa Thiên Huế Online - baothuathienhue.vn