logo
title

Nam Định: Quan tâm phát triển nguồn nhân lực văn hóa, thể thao và du lịch

Cập nhật ngày: 06/12/2023
Để gìn giữ, chấn hưng và phát triển nền văn hóa, việc đào tạo, xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò đặc biệt quan trọng. Những năm qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Nam Định đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, khắc phục những khó khăn, bất cập trong xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.
 
Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu giá trị lịch sử hiện vật đến khách tham quan
 
Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã đề ra những giải pháp trọng tâm, trong đó giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa tập trung vào các nhiệm vụ: Xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa; coi trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, cán bộ làm công tác khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ ở cơ sở; đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ văn hóa theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế; có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực văn hóa; trọng dụng người có tài, có đức; điều chỉnh chế độ tiền lương, trợ cấp đối với những người hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật đặc thù…
 
Sở VHTTDL chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá các cấp. Năm 2023, Sở VHTTDL  đã phối hợp với Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL ) tổ chức 3 hội nghị tập huấn chuyên đề về quy định của pháp luật về công tác cán bộ, công chức, viên chức và xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực VHTTDL ; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; Luật Quảng cáo; quy định về kinh doanh dịch vụ văn hóa; quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn cho cán bộ quản lý, chuyên viên các phòng, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở VHTTDL , Phòng Văn hoá - Thông tin, Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố; công chức văn hoá các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Qua các hội nghị tập huấn đã trang bị kiến thức pháp luật, kịp thời nắm bắt tình hình và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cũng như chấn chỉnh những lệch lạc trong quá trình tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về quản lý VHTTDL , góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các đơn vị, địa phương.
 
Đối với nhân lực trong các đơn vị sự nghiệp công lập, Sở chỉ đạo Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh hàng năm xây dựng, thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật biểu diễn; tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn: đạo diễn, diễn viên, âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, biên kịch, dàn dựng, dẫn chương trình…; kịp thời động viên, khuyến khích tài năng, sự sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, góp phần đa dạng hóa các dịch vụ nghệ thuật phục vụ công chúng. Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh cũng chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ, cán bộ, viên chức đều được đào tạo chính quy, ngày càng được trẻ hóa, năng động, nhiệt tình, linh hoạt, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trung tâm Thể thao thành tích cao tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ quản lý, huấn luyện viên, trọng tài đảm bảo yêu cầu về quản lý và huấn luyện, đào tạo vận động viên, tổ chức các sự kiện, chương trình, giải đấu TDTT.
 
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa, nhất là cấp xã, đóng vai trò quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Trước kia, ở một số xã, công chức văn hóa còn thiếu và còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc; nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở còn ít đã hạn chế phát huy vai trò của đội ngũ công chức văn hóa trong tổ chức các hoạt động quản lý văn hóa trên địa bàn. Để khắc phục tình trạng này, những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch củng cố, đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ; rà soát, bố trí nguồn nhân lực chất lượng; kiện toàn, bổ sung, trẻ hóa đội ngũ công chức văn hóa xã “có tâm, có tầm, có trách nhiệm”, qua đó tạo mạng lưới cán bộ, công chức văn hóa rộng khắp, đảm bảo về số lượng, chất lượng, phát huy năng lực chuyên môn và sở trường công tác. Hàng năm, các địa phương cử công chức văn hóa các xã, phường, thị trấn tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do Sở VHTTDL  tổ chức; đồng thời, quan tâm thực hiện chế độ, chính sách và kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng những cá nhân xuất sắc, những điển hình tiên tiến. Đội ngũ công chức văn hóa cơ sở đã trở thành nhân tố quan trọng tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền trong xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo, triển khai sự nghiệp phát triển văn hóa, đảm bảo đúng định hướng, mục tiêu của Đảng, Nhà nước.
 
Cùng với sự phát triển của hoạt động du lịch của tỉnh những năm gần đây kéo theo số lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực ngày càng tăng, đặt ra yêu cầu kiểm soát về chất lượng đội ngũ. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch hiện thu hút hàng nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho cộng đồng dân cư. Lực lượng lao động nghiệp vụ (lễ tân, buồng, bàn, bếp, hướng dẫn viên) tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chiếm phần lớn trong tổng số lao động du lịch của tỉnh. Đối với hoạt động du lịch biển, lực lượng lao động này bao gồm lao động toàn thời gian và lao động mùa vụ tập trung chủ yếu tại các khu du lịch biển: Quất Lâm, Thịnh Long. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chất lượng nguồn nhân lực du lịch Nam Định chưa đồng đều. Trong tổng số lao động ngành Du lịch, trình độ đại học, cao đẳng chiếm 8,5%, trung cấp 15-20%, còn lại là lao động có trình độ sơ cấp và lao động phổ thông chưa qua đào tạo (lực lượng này chủ yếu làm việc tại các cơ sở tư nhân tại các khu du lịch biển). Lao động mang tính mùa vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tuy góp phần giải quyết vấn đề thiếu nhân lực vào mùa du lịch cao điểm nhưng lại là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng chung của lao động trong ngành. Để từng bước giải quyết thiếu hụt về lao động có nghiệp vụ, hàng năm, Sở VHTTDL phối hợp với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các trường đào tạo du lịch tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; đội ngũ hướng dẫn viên tại các khu, điểm du lịch. Sở tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về phát triển nguồn nhân lực du lịch với các địa phương, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng giao tiếp, ứng xử theo hướng chuẩn hóa cho đội ngũ lao động; hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại chỗ; vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh du lịch, sẵn sàng hướng dẫn và đồng hành với khách du lịch để có những trải nghiệm lý thú, đồng thời tuyên truyền, nâng cao ý thức về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường du lịch cho du khách.
 
Để sự nghiệp VHTTDL tỉnh ngày càng phát triển, thời gian tới, ngành VHTTDL tỉnh tiếp tục tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nhân lực, đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển và điều kiện thực tiễn của tỉnh. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho nguồn nhân lực của ngành. Đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực trên các lĩnh vực: gia đình, VHTTDL . Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ; chú trọng đào tạo, bổ sung đội ngũ viên chức tại các đơn vị công lập trực thuộc Sở, các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật, TDTT tỉnh, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra./.
 
Bài và ảnh: Khánh Dũng
Báo Nam Định điện tử - baonamdinh.com.vn