Sơn La, vùng đất sinh sống lâu đời của cộng đồng 12 dân tộc anh em, với kho tàng văn hóa phong phú, độc đáo và đa dạng, được đồng bào gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Việc phát huy các giá trị di sản văn hóa đang được các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh quyết tâm thực hiện, đưa di sản trở thành động lực thúc đẩy phát triển du lịch.
Lễ hội Hết Chá, bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Lan tỏa giá trị di sản từ cộng đồng
Đầu năm 2023, nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của đồng bào Dao tiền là 1 trong 3 di sản của tỉnh Sơn La được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến thăm các bản làng của đồng bào Dao tiền tại huyện Mộc Châu, Vân Hồ, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ đang miệt mài thêu thùa, vẽ hoa văn bằng sáp ong trên các bộ trang phục truyền thống. Đây cũng là công việc gắn bó với họ từ thuở còn là thiếu nữ đến khi trở thành những người bà, người mẹ, để rồi những đường nét hoa văn thổ cẩm lại được trao truyền, tiếp nối cho những thế hệ sau.
Giới thiệu về trang phục của dân tộc mình, bà Đặng Thị Hiền, bản Suối Khem, xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, chia sẻ: Để làm nên một bộ trang phục của phụ nữ Dao phải trải qua nhiều công đoạn, như cắt vải, vẽ hoa văn bằng sáp ong, nhuộm chàm, chắp ghép vải... Hoa văn trên váy được tạo những hình đồng xu, kẻ ngang, hình chữ nhật, sóng nước. Những hoa văn thổ cẩm không chỉ là điểm nhấn trên bộ trang phục, mà còn thể hiện quan niệm nhân sinh trong tín ngưỡng của dân tộc Dao, mô phỏng về cuộc sống thường ngày, núi non, sông nước và ước vọng về đời sống ấm no, hạnh phúc.
Cùng với nghệ thuật tạo hình hoa văn trên trang phục người Dao tiền, hai di sản khác của tỉnh là Mo Mường và lễ Xé Pang Á của dân tộc Kháng cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể trong năm 2023. Đây không chỉ là niềm tự hào, mà còn là động lực để cộng đồng, người dân phát huy vai trò chủ thể trong việc gìn giữ và tiếp nối truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Việc khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia vào các hoạt động bảo tồn di sản, từ hoạt động truyền dạy, đến tham gia các lễ hội văn hóa giúp các giá trị di sản không bị mai một theo thời gian.
Nghệ nhân ưu tú Lò Thị Phứa, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, chia sẻ: Việc bảo tồn, gìn giữ các phong tục, nét văn hóa truyền thống là niềm tự hào của dân tộc và là nghĩa vụ của thế hệ hiện tại với tương lai. Điều này cũng phản ánh nét văn hóa sinh động của các dân tộc Sơn La, đóng góp vào bức tranh văn hóa đa sắc màu của cả nước.
Kết nối di sản với du lịch
Tỉnh Sơn La hiện có 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc kết nối, quảng bá di sản văn hóa với phát triển du lịch là một trong những giải pháp quan trọng đang được tỉnh tập trung thực hiện. Với vai trò nghiên cứu, bảo tồn và lan tỏa giá trị di sản các dân tộc trong tỉnh, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình trải nghiệm văn hóa hấp dẫn và mang tính giáo dục cao, thu hút sự quan tâm của nhân dân.
Ông Nguyễn An Đại, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, thông tin: Hằng năm, đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức từ 3-4 chương trình trải nghiệm không gian văn hóa các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao với nhiều hoạt động, như giới thiệu các loại hình di sản, tái hiện không gian lễ hội, nghề truyền thống, trò chơi dân gian giúp mọi người, nhất là lớp trẻ được tìm hiểu và trải nghiệm giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh.
Những năm gần đây, du lịch văn hóa ngày càng được nhiều du khách lựa chọn. Nhiều điểm du lịch như: Homestay A Chu, The Nordic Vilage Vân Hồ, Mộc Châu Island,... thường xuyên phối hợp với các công ty lữ hành tổ chức các tour trải nghiệm để du khách tham gia trực tiếp vào các hoạt động văn hóa, cùng người dân tham gia múa xòe, học cách tạo hoa văn trên trang phục truyền thống. Những trải nghiệm này không chỉ mang lại sự tương tác gần gũi, mà còn giúp du khách hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa của từng dân tộc ở Sơn La.
Bên cạnh đó, một số địa phương trong tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ số trong việc giới thiệu di sản; phát triển các ứng dụng du lịch thông minh, cung cấp thông tin chi tiết về các di sản văn hóa phi vật thể, giúp khách du lịch dễ dàng tìm hiểu và trải nghiệm khi đến với Sơn La.
Phát huy giá trị các di sản
Di sản văn hóa được công nhận góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ. Việc khai thác hiệu quả di sản văn hóa sẽ góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, tăng thu nhập cho người dân.
Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Những năm qua, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và thực hiện nhiều đề án, chương trình, dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản được ghi danh. Trong đó tập trung đầu tư, triển khai các nhiệm vụ, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa của tỉnh đến bạn bè trong nước và quốc tế; đề xuất xây dựng cơ chế chính sách, khuyến khích các nghệ nhân tích cực tham gia công tác bảo vệ, trao truyền và phát huy di sản. Từ đầu năm đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các địa phương tổ chức hơn 40 chương trình tập huấn, bồi dưỡng cho gần 1.500 hạt nhân văn nghệ các xã, bản về biểu diễn xòe Thái; khèn bè, khèn Mông; tái hiện, phục dựng 10 lễ hội truyền thống của các dân tộc. Ngoài ra, các câu lạc bộ văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh cũng đang phát triển mạnh, rộng khắp, với hàng nghìn thành viên tham gia.
Với những nỗ lực từ chính quyền và nhân dân, các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh đang phát huy, tỏa sáng. Đây là điều kiện quan trọng để Sơn La đưa di sản trở thành động lực, thúc đẩy phát triển du lịch, văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoàng Giang