Không chỉ là khu di tích lịch sử đặc biệt quan trọng của vùng Luy Lâu - Kinh Bắc, lăng và đền thờ Kinh Dương Vương (xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh) còn là tài sản vô giá, thiêng liêng của Tổ quốc gắn liền với cội nguồn người Việt và những trang sử dựng nước hào hùng của dân tộc. Hàng năm, lễ hội Kinh Dương Vương tri ân đức Thủy tổ khai sinh mở nước được chính quyền và nhân dân thị xã Thuận Thành duy trì tổ chức như một dòng mạch bền bỉ nuôi dưỡng sức mạnh cội nguồn, nhắc nhở con cháu muôn đời nhớ về tổ tông “là cây một cội, là sông một nguồn”...
Lễ hội Kinh Dương Vương có nhiều hoạt động trang trọng.
Theo truyền thống, lễ hội Kinh Dương Vương năm nay diễn ra trong ba ngày từ 13 đến 15/02 (tức ngày 16, 17, 18 tháng Giêng) với đậm đặc các hoạt động phần lễ và phần hội. Thị xã Thuận Thành chỉ đạo các xã, phường và đơn vị liên quan triển khai chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện, bảo đảm lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, văn minh, mang đến cho nhân dân và du khách những trải nghiệm sâu sắc, khắc ghi nguồn cội, tri ân đức Thủy tổ nước Nam. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tạo khí thế vui tươi, đoàn kết thi đua lao động, học tập để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các nguồn sử liệu, truyền thuyết, thư tịch cổ cho biết: Kinh Dương Vương tên húy Lộc Tục, là cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông. Với tư chất thông minh hơn người, Lộc Tục được vua cha hết mực yêu quý, phong cho làm vua cai quản phương Nam. Năm 2879 trước Công nguyên, Kinh Dương Vương lên ngôi lập nên nhà nước Xích Quỷ, nhà nước sơ khai, độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta (Xích Quỷ là tên một ngôi sao sắc đỏ rực rỡ nhất trong 28 vì sao sáng trên bầu trời). Kinh Dương Vương kết duyên với Long Nữ sinh ra Sùng Lãm (hiệu là Lạc Long Quân). Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở trăm người con trai. Con trai cả Hùng Đoàn được cha truyền ngôi, phong là Hùng Quốc Vương, thành lập ra nhà nước Văn Lang. Từ đó, các vua Hùng cai quản đất nước kéo dài đến 18 đời...
Kể rằng, Kinh Dương Vương thác vào ngày 18 tháng Giêng tại trang Phúc Khang, bộ Vũ Ninh, nay là Bắc Ninh. Nhân dân địa phương chọn địa thế đẹp, đắp mộ phụng thờ. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, các triều đại phong kiến đều quan tâm bảo tồn, tôn tạo khu lăng mộ và xếp vào miếu thờ đế vương, mỗi lần quốc lễ, vua sai quan đến tế lễ trang nghiêm trọng thể. Thời Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 21, lăng Kinh Dương Vương được tu bổ lớn và khắc bia đặt trong lăng cùng hàng đại tự, câu đối khẳng định việc tôn thờ thủy tổ có từ rất lâu đời, là truyền thống quý báu của dân tộc: “Thiên cổ cương lăng linh tích tại/ Nhất đàn chở đậu quốc ân sùng”’ (nghĩa là: Dấu vết linh thiêng ngày xưa vẫn còn đây. Bàn thờ đầy lễ vật là do cả nước thành kính dâng lên).
Xa xưa, lễ hội Kinh Dương Vương mở từ ngày 16 đến 24 tháng Giêng với nhiều nghi thức tế lễ, rước kiệu truyền thống như lễ nhập tịch, lễ rước nước, lễ rước mã, lễ chính ngư (các giáp, chạ mua cá mè về làm gỏi để tế lễ). Tục truyền, trong các ngày lễ hội, dân làng không được giết mổ và ăn các loại cá có vẩy... Qua thời gian, lễ hội Kinh Dương Vương được kế thừa và đổi mới, không tổ chức kéo dài thời gian như xưa, mà mở hội từ ngày 16 tháng Giêng đến chính hội 18 tháng Giêng, nhiều nghi thức rườm rà, tốn kém cũng được giản lược.
Những năm gần đây, lễ hội Kinh Dương Vương ngày càng thu hút đông đảo quý khách thập phương, người Việt mọi miền Tổ quốc và kiều bào ở nước ngoài về dự. Đặc sắc và hấp dẫn nhất trong lễ hội là nghi thức rước kiệu truyền thống với sự tham gia của hàng trăm người gồm đủ cờ lọng, trống chiêng, bát biểu, long đình, bát âm... Đi đầu là kiệu đệ nhất rước ngai thờ Kinh Dương Vương, tiếp đến là kiệu đệ nhị rước ngai thờ cha Lạc Long Quân, sau là kiệu đệ tam rước ngai thờ quốc mẫu Âu Cơ. Tất cả các kiệu đều được chạm tứ linh, tứ quý sơn son thếp vàng rực rỡ.
Sau phần lễ trang nghiêm, bài bản là phần hội với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, hát Quan họ, hát ca trù, trống quân, múa rối nước phục vụ dân làng và quý khách dự hội. Ngoài ra, tại không gian lễ hội còn trưng bày, giới thiệu sản phẩm nghề truyền thống của Thuận Thành như: Tranh dân gian Đông Hồ, gốm Luy Lâu, nem Bùi, tương Đình Tổ, gà Hồ...; tổ chức nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống Bắc Ninh-Kinh Bắc: Đập niêu, đu tiên, tổ tôm điếm, cờ tướng, bóng chuyền...
Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thờ nhân vật khai sáng dân tộc nhưng hiếm nơi nào mà cả muôn triệu dân cùng chung một cội rễ như ở Việt Nam. Việc thực hành trao truyền, duy trì tổ chức lễ hội Kinh Dương Vương vừa ghi dấu huyết thống con Lạc cháu Hồng, thắp sáng truyền thống biết ơn và ý thức cội nguồn, vừa khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.
V.Thanh