Cùng cảnh ngộ với Công ty cổ phần du lịch Hòa Bình Việt Nam, nhiều đơn vị lữ hành cũng trở thành “mồi ngon” cho nạn ăn theo, nhái thương hiệu…
Du khách cần tìm hiểu kĩ thông tin trước khi quyết định mua sản phẩm để tránh rơi vào “bẫy” của các thương hiệu giả. (Trong ảnh: Du khách tìm hiểu các sản phẩm du lịch của Vietravel)
Thêm nhiều đơn vị lên tiếng
Được thành lập hơn 10 năm, Công ty TNHH du lịch và vận chuyển Hành Trình Việt đã tạo được uy tín trong ngành với nhiều khách hàng, đối tác. Bà Trần Thị Mậu Hồng - Giám đốc công ty cho biết lần đầu phát hiện một doanh nghiệp lấy tên gọi giống hệt mình vào năm 2008, đến nay đã có tới 10 doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch có tên Hành Trình Việt.
Thậm chí rất nhiều lần đơn vị nhận được cả giấy yêu cầu trả nợ mà đối tác gửi cho những công ty này. Tương tự, Ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Dã ngoại Lửa Việt cho hay nhiều công ty mới thành lập đã cố ý lấy tên trùng như: Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Lửa Việt (Hà Nội), Công ty TNHH Du lịch - Du học Lửa Việt (TP.HCM)...
Đáng chú ý là Công ty TNHH hành trình Lửa Việt (có trụ sở tại Nam Định và cũng kinh doanh dịch vụ lữ hành), khi nhân viên ở đây tiếp xúc với khách hàng đã tự nhận là chi nhánh đặt tại miền Trung của Công ty Dã ngoại Lửa Việt.
Biết chuyện, ông Mỹ khiếu nại và dọa kiện thì công ty này đưa ra giấy phép chứng minh tên gọi được Sở Kế hoạch & Đầu tư Nam Định cấp, thậm chí còn đòi kiện ngược lại bởi họ có đầy đủ giấy tờ chứng minh hợp lệ.
Ngay cả những “ông lớn” như Vietravel cũng bị một số đơn vị xâm phạm quyền về nhãn hiệu/tên thương mại thể hiện dưới nhiều hình thức. Ông Nguyễn Minh Mẫn-Giám đốc tiếp thị đưa ra những trường hợp mà công ty đang gặp phải: Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ của công ty như “Vietravel”, “Viettravel” trên các phương tiện giao dịch bao gồm bảng hiệu công ty, chương trình du lịch, website, sản phẩm quảng cáo; sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ của Vietravel cho dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, để gây nhầm lẫn về nguồn gốc dịch vụ.
Điển hình như “Vietraveling” hay “Vietravel Advise” cấu thành tên riêng của mình hoặc trên các phương tiện giao dịch... Theo đó, mục đích của những hành động trên là sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của Vietravel nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại tương ứng của Vietravel...
Doanh nghiệp khó đòi được quyền lợi?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho biết, bên cạnh những đơn vị bị xâm phạm thương hiệu quyết tâm đưa sự việc ra pháp luật thì số khác chọn phương án không khởi kiện hay khởi kiện rồi lại không theo đến cùng hoặc chỉ gửi văn bản yêu cầu chấm dứt vi phạm. Bởi thực tế, tòa án đã xử nhiều vụ kiện liên quan đến thương hiệu và sự thực là rất ít doanh nghiệp đòi hỏi được quyền lợi theo đúng yêu cầu của mình.
Theo Nghị định 43/2010/NĐ-CP quy định chủ sở hữu công nghiệp có quyền đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên, nếu đơn vị vi phạm không đổi thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ lại không quy định hình thức buộc chủ thể vi phạm phải tiến hành đổi tên doanh nghiệp. Do việc sử dụng thương hiệu trùng này mang lại mối lợi lớn cho nên nhiều trường hợp doanh nghiệp “đạo” thương hiệu chấp nhận nộp phạt hành chính mà không chịu đổi tên.
Đại diện các doanh nghiệp bị “đạo” thương hiệu lý giải thêm, Luật doanh nghiệp có quy định những trường hợp được cho là “tên trùng và gây nhầm lẫn” khi: có tên gọi được đọc và viết hoàn toàn giống nhau hoặc chỉ khác nhau kí hiệu “&”; ký hiệu “-” , hoặc chỉ khác nhau một số tự nhiên, số thứ tự hoặc một số chữ cái tiếng Việt (A, B, C,…) ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó; “tân” ngay trước, hoặc “mới” ngay sau tên doanh nghiệp, tên riêng của doanh nghiệp yêu cầu đăng kí chỉ khác tên riêng của doanh nghiệp đã đăng kí bởi các từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”.
Với những quy định của pháp luật về đăng kí doanh nghiệp như vậy, thì chỉ cần lách một từ khác đi (miễn không phải là các từ quy định trên) thì là được phép. Bà Lê Thị Như Hà, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hòa Bình nhấn mạnh: “Cái mà doanh nghiệp cần bảo hộ là “tên riêng” của mình như “Hòa Bình”, “Lửa Việt” hay “Hành Trình Việt” chứ không phải cả một cái tên đầy đủ”.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM kiến nghị trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ liên quan đến đặt tên doanh nghiệp, pháp luật xử lý vi phạm hành chính cần quy định riêng một điều cho phép cơ quan xử lý vi phạm hành chính có quyền tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh của đối tượng vi phạm khi đối tượng này đã bị xử phạt vi phạm hành chính lần đầu về hành vi sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại và các quyền sở hữu trí tuệ cá nhân, tổ chức khác để cấu thành tên doanh nghiệp của mình mà sau đó không tự nguyện đổi tên phù hợp với quy định pháp luật mà vẫn tiếp tục vi phạm.
Việc nhái và ăn cắp thương hiệu không chỉ là hành vi thiếu đạo đức kinh doanh gây thiệt hại không nhỏ đến doanh thu, uy tín của các đơn vị làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng. Trong khi những doanh nghiệp đang loay hoay tìm cách bảo vệ mình thì du khách phải tự nâng cao ý thức cảnh giác, trước khi quyết định mua sản phẩm cần tìm hiểu kĩ thông tin về thương hiệu để tránh rơi vào “bẫy” của các thương hiệu giả. (Ông TÔN THẤT HÒA - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch TP.HCM)
|