logo
title

Hà Quảng (Cao Bằng) bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc

Cập nhật ngày: 16/04/2025
Là huyện có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng riêng. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) có nhiều giải pháp tích cực trong việc khơi dậy, giữ gìn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc trên địa bàn huyện.
Với 5 dân tộc cùng sinh sống gồm: Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, huyện Hà Quảng còn lưu giữ được khá nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc, điển hình là các di sản văn hóa phi vật thể như: các làn điệu then, sli, lượn, 8 lễ hội truyền thống hằng năm và nhiều nghề thủ công truyền thống, trong đó có 1 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Nghề dệt thổ cẩm của người Tày, xã Ngọc Đào), 1 làng nghề truyền thống (Làng nghề hương thảo mộc Nà Kéo, xã Trường Hà); có các ngành, nghề truyền thống như: làm bánh Khẩu Sli Nà Giàng (xã Ngọc Đào), điểm làm giấy bản Nà Mạ (xã Trường Hà), xóm Lũng Quang, thuộc Tổ dân phố 6, thị trấn Thông Nông... Hệ thống di sản văn hóa vật thể đa dạng và phong phú với 14 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó); 1 di tích quốc gia (Di tích lịch sử Kim Đồng); 12 di tích cấp tỉnh; có 6 điểm di sản địa chất, văn hóa được công nhận là điểm Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Đây là nguôn tài nguyên văn hóa vô giá, chứa đựng những giá trị tốt đẹp của các dân tộc trên quê hương cội nguồn Hà Quảng.
 
Xác định rõ văn hóa bao gồm cả văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, văn hóa cá nhân, văn hóa cộng đồng, do vậy, trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, trước tiên huyện quan tâm chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Đến nay, 100% xóm, tổ dân phố đều xây dựng được hương ước, quy ước. Nhiều bản hương ước, quy ước thể hiện được tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư; khôi phục, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của xóm, bản, dòng họ; bài trừ nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín, dị đoan, góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ trong cộng đồng dân cư.
 
 
Lày cỏ - trò chơi dân gian được khôi phục và đưa vào sân chơi trong các ngày hội văn hóa trên địa bàn tỉnh
 
Việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng ngày càng được quan tâm, hiện nay, huyện có 6/21 nhà văn hóa xã, thị trấn; 185/195 nhà văn hóa xóm; về hệ thống đài phát thanh có 21/21 xã có đài phát thanh cấp xã; có 118/195 xóm có các cụm loa phục vụ công tác thông tin; 21/21 xã, thị trấn có tủ sách để cán bộ và nhân dân tra cứu thông tin; hầu hết các xóm được cấp đầy đủ bàn, ghế để phục vụ sinh hoạt cộng đồng của xóm, tổ dân phố. 
 
Đẩy mạnh công tác sưu tầm, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống thông qua việc tổ chức, phục dựng những lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ. Phát huy tốt vai trò của các nghệ nhân, các đội văn nghệ quần chúng tại các địa phương trong công tác bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn. Hiện cả huyện có 175/195 đội văn nghệ xóm, tổ dân phố duy trì hoạt động ở địa bàn dân cư; 100% xã, thị trấn đều thành lập được đội văn nghệ quần chúng, cấp huyện thành lập được 1 đội văn nghệ chủ chốt; 1 mô hình đội văn nghệ phục vụ du lịch. 
 
Là nghệ nhân am hiểu về đàn tính, hát then, một trong những làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng quê mình, nghệ nhân Bế Bích Dơ, Thị trấn Xuân Hòa không chỉ trực tiếp trình diễn mà còn tích cực tham gia công tác truyền dạy, lưu giữ các điệu then, đàn tính tại địa phương.
 
Nghệ nhân Bế Bích Dơ chia sẻ: Hát then, đàn tính là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân tộc Tày, Nùng. Tuy nhiên hiện nay, số người biết nắm rõ và biểu diễn được loại hình này rất ít. Để lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc, tôi đang cố gắng sưu tầm và truyền dạy lại để không bị mai một. Trong thời gian qua tôi đã truyền dạy được 60 người là những người yêu thích văn hóa văn nghệ dân gian ở địa phương.
 
Cùng với đó, Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp đưa các làn điệu dân ca vào chương trình hoạt động ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn. 42/42 trường học trên địa bàn huyện thực hiện dạy ít nhất 1 bài dân ca, bài hát mang âm hưởng dân ca vào tiết dạy môn tự chọn chương trình môn học Âm nhạc, ngoài ra, một số đơn vị trường học đã kết hợp các hoạt động ngoại khóa với các hoạt động trải nghiệm làng nghề truyền thống, trò chơi dân gian, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ với chủ đề em yêu làn điệu dân ca...
 
Ngoài ra, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống các dân tộc, định kỳ hằng năm, tổ chức các hoạt động văn hoá thông qua lễ hội, hội thi hát dân ca - trình diễn trang phục dân tộc; các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước, tiêu biểu: Lễ hội về nguồn Pác Bó, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Đêm hội hát then - đàn tính; chương trình giao lưu văn hóa các dân tộc, đêm hội sắc màu dân tộc...
 
Đặc biệt từ năm 2021 đến nay, việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 với nhiệm vụ thực hiện Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch đã góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã hỗ trợ, xây dựng được 2 nhà văn hóa, 15 đội văn nghệ tại các thôn, xóm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ đầu tư theo từng giai đoạn tại 3 điểm du lịch trên địa bàn xã Trường Hà, Ngọc Động, Thanh Long; tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc gắn với phát triển du lịch; tổ chức được 2 lớp truyền dạy các làn điệu dân ca, xây dựng được 2 mô hình hát then - đàn tính, triển khai các nội dung quảng bá, giới thiệu tiềm năng và các giá trị văn hóa tiêu biểu trên địa bàn đến đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh.
 
Đồng chí Ngân Thị Hoàng Yến, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Quảng cho biết: Việc kết hợp, thực hiện lồng ghép các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc với các dự án văn hóa, các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc thiểu số trong thời gian qua đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc trên địa bàn trong thời kỳ mới, tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, đẩy lùi tập tục lạc hậu và tệ nạn xã hội vùng dân tộc thiểu số. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc đồng sức, đoàn kết lưu giữ bản sắc văn hóa; phối hợp tốt với các ngành liên quan nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng lễ hội truyền thống các dân tộc, nhất là dân tộc thiểu số. Gắn việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh...
 
Minh Hòa
Báo Cao Bằng điện tử - baocaobang.vn