Đến 14 giờ, tác cả các khu du lịch, resort, bãi tắm dọc chiều dài 100km đường bờ biển trên toàn tỉnh đã cơ bản hoàn tất công tác dọn dẹp cơ sở vật chất, phân công lực lượng túc trực 24 giờ sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 13. Một số đơn vị không nhận khách trong hai ngày 6 và 7-11.
Từ sáng 6-11, các công việc gia cố, che chắn cơ sở vật chất, huy động lực lượng túc trực phòng chống bão đã được các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh triển khai. Ông Lê Thanh Lâm, Phó Giám đốc khu du lịch Biển Đông cho biết, chiều 5-11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của đơn vi đã họp phân công công việc, nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng ban. 7 giờ sáng 6-11, hơn 150 nhân viên có mặt đông đủ, bắt tay vào nhiệm vụ. Các lều bạt nhanh chóng được tháo dỡ, xếp sát mặt đất toàn bộ ghế bố ở khu vực bãi biển, di dời bàn ghế trong các nhà hàng ra khu vực khuất gió và ràng buộc lại. Các nhà mát bằng vật liệu onduline được cố định bằng dây chằng. 2 điểm xung yếu, địa hình thấp trũng là cổng số 4 và cổng số 6 cũng được lấp đầy bằng các bao cát để ngăn nước tràn vào khi sóng lớn. Bên cạnh đó, đơn vị phân công một bộ phận chuyên cập nhật diễn biến, đường đi của bão. “Chiều nay, chúng tôi sẽ tháo các bảng quảng cáo xuống. Khi áp thấp nhiệt đới áp sát bờ, toàn bộ hệ thống điện lưới sẽ ngắt và chuyển qua sử dụng bộ đàm để liên lạc”, ông Lâm cho biết thêm.
Ở khu du lịch Biển DIC, ngay từ sáng sớm toàn bộ nhân viên của đơn vị cũng tập trung đông đủ khẩn trương dùng cáp chằng lại mái các nhà hàng. 3 nhà mát được dựng thêm các cột gỗ để chống đỡ. Từ 16 giờ toàn bộ nhân viên nam sẽ túc trực để kịp thời ứng cứu khi có sự cố. Tại Sơn Thủy resort, từ chiều 5-11, công việc chặt tỉa cây cành, đóng thêm cáp cố định khu vực nhà hàng - cà phê, di dời toàn bố bàn ghế vào nơi kín gió đã được thực hiện. Ông Nguyễn Bá Châu, Giám đốc Sơn Thủy resort, cho biết, trong 2 ngày 6 và 7-11, Sơn Thủy resort ngưng không nhận khách để tập trung toàn lực lượng phòng chống bão. Cũng trong 2 ngày 6 và 7-11, đơn vị không giải quyết phép hoặc nghỉ ca đối với toàn bộ nhân sự, từ Ban giám đốc đến nhân viên.
Ông Đậu Thế Anh, Giám đốc khu du lịch Hồ Mây-Núi Lớn cho biết, thứ tư hàng tuần, đơn vị dừng hoạt động hệ thống cáp treo để bảo dưỡng nên không nhận khách. Vì vậy, đơn vị dồn toàn lực cho công tác chống bão. Đến đầu giờ chiều, các biển, bảng quảng cáo đã được dỡ xuống, hệ thống nhà hàng và công trình tạm trên núi được che chắn cẩn thận. Ở khu vực nhà hàng phía biển, đơn vị cũng kiểm tra lại toàn bộ cửa và bố trí thêm nhân viên trực đêm 6-11 và sáng 7-11.
Các khu du lịch thuộc các huyện như Sài Gòn - Bình Châu - Hồ Cốc, Viễn Đông, Thùy Dương, Tropicana Beach resort&spa, Long Hải Beach Resort, Kỳ Vân… đều chủ động các phương án phòng chống bão. Toàn bộ hoạt động kinh doanh tạm gác lại, tập trung bảo vệ cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người. Đối với những đơn vị có khách lưu trú, đại diện đơn vị gửi thông báo đến từng phòng đề nghị khách không tắm biển, không di chuyển khi bão đến. Ông Trịnh Ngọc Việt, Giám đốc khu du lịch - khách sạn Thùy Dương cho biết, trước giờ bão đổ bộ đơn vị sẽ hoàn thành mọi phần việc để giảm tối đa thiệt hại do bão gây ra. Đêm nay, toàn bộ Ban Giám đốc sẽ túc trực để kịp thời xử lý khi có sự cố.