Ngày 26-27.11, đại diện hơn 300 cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn thực hiện chương trình phát triển du lịch bền vững do Sở VHTTDL địa phương tổ chức và đăng ký nhãn hiệu Bông sen xanh.
Du khách tham gia vẽ tranh cổ động bảo vệ môi trường tại Công viên biển Nha Trang
Du lịch bền vững Bông sen xanh (gọi tắt là Bông sen xanh) là nhãn hiệu mà Bộ VHTTDL cấp cho các cơ sở lưu trú du lịch (đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đối tượng được cấp nhãn hiệu Bông sen xanh là đơn vị đã có những nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, góp phần bảo vệ các di sản, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và phát triển du lịch bền vững.
Nhãn Bông sen xanh có 5 cấp độ, từ 1 Bông sen xanh đến 5 Bông sen xanh. Số lượng Bông sen xanh ghi nhận mức độ nỗ lực trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của CSLTDL, không phụ thuộc vào loại, hạng mà CSLTDL đó đã được công nhận.
Bộ tiêu chí Nhãn Bông sen xanh gồm 81 tiêu chí với tổng số 154 điểm và 25 điểm thưởng, chia làm 3 cấp: cấp cơ sở: 30 tiêu chí; cấp khuyến khích: 29 tiêu chí; cấp cao: 22 tiêu chí. Bộ tiêu chí hướng đến các mục tiêu như quản lý bền vững; tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng địa phương; giảm thiểu các tác động tiêu cực tới di sản văn hóa, di sản thiên nhiên; giảm thiêu tác động tiêu cực tới môi trường.
Nhãn hiệu Bông sen xanh do Bộ VHTTDL ban hành. Ảnh: Cẩm Duyên.
Đối tượng áp dụng quyết định này là các cơ sở lưu trú du lịch đang hoạt động, kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam; theo đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ lần lượt kiểm tra, đánh giá, chấm điểm theo đúng trình tự, thủ tục và cấp giấy chứng nhận DN đạt tiêu chuẩn nhãn hiệu Bông sen xanh.
Sau khi hiểu rõ nội dung yêu cầu về bộ tiêu chí nhãn hiệu du lịch bền vững Bông sen xanh do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch quy định, các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa lần lượt đăng ký tham gia chương trình quản lý bền vững. góp phần tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và cảnh quan, môi trường... Ngoài ra, chương trình tập huấn còn cung cấp cho học viên nội dung các bộ luật Du lịch, luật Tài nguyên nước, luật di sản văn hóa, luật Đa dạng sinh học, luật Khoáng sản, luật Bảo vệ môi trường và các nghị định, thông tư, quyết định…hướng dẫn thực hiện các hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường trong lĩnh vực du lịch.
Trong thực tế, hầu hết DN kinh doanh lưu trú tại Khánh Hòa đều tự giác hưởng ứng các hoạt động bảo vệ tài nguyên môi trường thông qua việc làm cụ thể như hướng dẫn du khách không vứt rác bừa bãi, khi ra biển phải bỏ rác đúng nơi qui định, tài trợ cho các cuộc vẽ tranh cổ động kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ thành phố biển Nha Trang xanh-sạch-đẹp…, đồng thời tổ chức cho du khách tham gia thu dọn rác làm sạch bờ biển, hạn chế sử dụng bao ni lông, tham gia chương trình lặn bắt sao biển, bảo vệ rạn san hô…Tuy nhiên, việc xử lý nước thải tại các cơ sở lưu trú chưa đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường, đó là hạn chế lớn nhất và phổ biến nhất tại Khánh Hòa.