logo
title

Ứng phó với biến đổi khí hậu: Du lịch chưa có kế hoạch căn cơ

Cập nhật ngày: 13/12/2013
Việc đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch thích ứng với bão lũ đang ngày càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp du lịch hay địa phương nào cũng quan tâm đến vấn đề này.


Biến đổi khí hậu đang ngày càng đe dọa đến các loại hình du lịch biển. Ảnh: V.LỘC

Tác động trực tiếp

Cũng như nhiều ngành nghề khác, những năm gần đây, bão lũ xảy ra với cường độ mạnh và ngày càng nhiều đã ảnh hưởng trực tiếp đến du lịch Quảng Nam. Nước biển dâng cao đe dọa nghiêm trọng đến các khách sạn ven biển từ Điện Bàn đến Hội An, Núi Thành. Không ít khu resort như Victoria, Golden Sand, Sunrise… đang đối diện với nguy cơ bị xói lở do nước biển xâm thực. Cùng với đó, biến đổi khí hậu cũng làm xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lốc xoáy, mưa lũ, ngập úng... ảnh hưởng không nhỏ đến các tuyến, điểm tham quan như phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn và các điểm du lịch khác trong tỉnh. Thống kê của Sở VH-TT&DL cho biết, chỉ riêng ảnh hưởng của bão lũ trong tháng 11 này, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh ước tổng thiệt hại hơn 100 tỷ đồng. Ngoài cơ sở hạ tầng, không gian lưu trú bị tàn phá, việc đình trệ hoạt động kinh doanh, đưa đón khách tham quan cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của doanh nghiệp. Theo bà Phạm Thị Hồng Trang - Phó Tổng giám đốc Khách sạn Vitoria (Hội An), những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cho doanh nghiệp là rất lớn khi mỗi năm khách sạn phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để gia cố kè chống bờ biển nhưng sau mỗi mùa mưa bão đều bị nước biển cuốn trôi. Và đây cũng là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp du lịch ven biển Hội An trong thời điểm hiện tại.

Với các đơn vị kinh doanh lữ hành, do đặc điểm hoạt động nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí nên phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố thời tiết. Thậm chí, trong một số trường hợp phải hủy hoặc nâng giá tour vì những phí phát sinh do tác động của biến đổi khí hậu. Đây cũng là nguyên nhân khiến du khách lựa chọn những địa điểm tham quan thuận lợi, phù hợp hơn. Ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng (Hội An) cho rằng, mùa mưa bão, doanh thu của công ty thường giảm do du khách hủy tour hoặc các điểm đến không thể đáp ứng yêu cầu phục vụ khách. “Trong cơn lũ vừa rồi nhiều đoàn khách của công ty không thể lên được Bhơ Hôồng do đường sá bị sạt lở” - ông Dũng nêu ví dụ.

Đã có nhiều khuyến nghị từ các tổ chức trong nước và quốc tế về việc cần cắt giảm phụ thuộc vào những thiết bị ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên như năng lượng, nước… Thay vào đó, khuyến khích phát triển loại hình du lịch thân thiện với môi trường; giảm thiểu chất thải, sử dụng  năng lượng tái chế, năng lượng thay thế. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn không mặn mà trước những khuyến nghị này. Còn với những cấp, ngành quản lý du lịch, việc ứng phó với biến đổi khí hậu vẫn còn chung chung chưa thật sự vào cuộc một cách cụ thể.

Chưa thực sự quan tâm

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, Việt Nam xếp thứ 13/16 nước có độ rủi ro cao nhất bởi biến đổi khí hậu và tập trung chủ yếu vào các tỉnh, thành phố đồng bằng ven biển, trong đó có Quảng Nam. Hậu quả rõ nét nhất của biến đổi khí hậu là bão lũ nhiều hơn, tình trạng ngập úng kéo dài gây ảnh hưởng trực tiếp đến các tài nguyên du lịch, văn hóa… Việc xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu cho mỗi địa phương, doanh nghiệp du lịch nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại là điều cần thiết. Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Thương mại - du lịch Hội An, đến nay thành phố vẫn chưa xây dựng được một đề án riêng để giúp ngành du lịch địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu. “Năm 2011 phòng cũng từng phối hợp với Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững Việt Nam xây dựng “sản phẩm du lịch mùa mưa bão” cho Hội An nhưng không thực hiện được do vướng mắc nhiều vấn đề từ các ban ngành của thành phố”. Bà Thủy cho rằng, đây là một sản phẩm du lịch độc đáo và phù hợp với Hội An, không chỉ giúp doanh nghiệp du lịch giải quyết bài toán về kinh doanh trong mùa mưa bão mà còn tạo cho du khách những trải nghiệm khác lạ về phố cổ. “Đây là loại hình du lịch có trách nhiệm, đưa du khách đến gần với cộng đồng hơn để cùng hòa nhập vào cuộc sống người dân trong việc xử lý những hậu quả sau mưa lũ như dọn dẹp lau chùi nhà cửa khi nước lũ rút ” - bà Thủy nói.

Theo ông Lê Ngọc Tường - Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở VH-TT&DL, biến đổi khí hậu là vấn đề lớn ảnh hưởng đến tất cả mọi mặt đời sống xã hội nên không thể làm riêng lẻ. Tất cả cần được xây dựng lồng ghép vào trong chương trình hành động chung về ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh. Tuy nhiên, ông Tường cho hay: “Ngành du lịch chỉ tham gia một hợp phần nhỏ trong đề án này như đánh giá thực trạng các điểm du lịch nào sẽ bị ảnh hưởng, vùng nào sẽ bị tác động, xây dựng phương án đối phó ra sao…”. Ngoài ra, hợp phần cũng đề xuất cách thức chống biến đổi khí hậu đối với các doanh nghiệp du lịch như khuyến khích sử dụng nguồn tài nguyên thay thế và tái tạo như nước, năng lượng xanh… “Sở chỉ có trách nhiệm báo cáo, tham mưu, cái chính vẫn là tỉnh và các địa phương phải xây dựng phương thức ứng phó với biến đổi khí hậu” - ông Tường nói.

Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà còn ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội. Vì vậy, việc nhìn nhận vấn đề này một cách đúng đắn sẽ giúp cho các địa phương và doanh nghiệp du lịch hạn chế được những thiệt hại do bão lũ gây ra, đồng thời có phương án ứng phó hợp lý với những bất thường của thiên nhiên hiện nay cũng như trong những năm đến.

Nguồn: baoquangnam.com.vn