logo
title

Doanh nghiệp du lịch hướng đến người khuyết tật

Cập nhật ngày: 13/12/2013
Cuối tuần qua, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO); Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp UBND TP Hội An (Quảng Nam) tổ chức Ngày hội CRS “Thúc đẩy người khuyết tật hòa nhập-phát triển doanh nghiệp”.

Sự kiện này nằm trong hoạt động nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Người khuyết tật (3.12). Sau Quảng Nam, sự kiện sẽ được triển khai tiếp tại TP.HCM vào ngày 14.12.

Với hai nội dung chính là hội thảo “Nhận biết” và Diễn đàn “Đồng hành”, sự kiện đã nỗ lực thúc đẩy các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh, có những nhận biết mới để thay đổi hoạt động của mình trong ứng xử, xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu tiên sử dụng các sản phẩm của người khuyết tật và tuyển dụng lao động người khuyết tật, khuyến khích người khuyết tật đồng hành với doanh nghiệp để cùng phát triển.

Đây là một tiếp cận mới của ILO trong việc thúc đẩy hoà nhập của người khuyết tật (NKT). Những doanh nghiệp đã và đang tuyển dụng NKT cũng chính là những diễn giả trong hội thảo để cùng chia sẻ những kinh nghiệm của họ khi xây dựng cơ sở hạ tầng, tuyển dụng và làm việc với NKT.

Tại hội thảo, các diễn giả, doanh nghiệp, đại diện các cơ quan quản lý cùng thảo luận những vấn đề liên quan đến pháp luật, nhận thức về vấn đề NKT, những hiểu biết sai lầm của cộng đồng về NKT,…

Những kinh nghiệm hay trong việc đầu tư trang thiết bị, tiện nghi, các dịch vụ phục vụ khách du lịch khuyết tật từ các đơn vị kinh doanh, các phản hồi của khách du lịch là NKT cũng là nội dung hội thảo thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham gia.

Giám đốc Trung tâm Hành động phát triển hòa nhập (IDEA), bà Nguyễn Hồng Oanh, đã chia sẻ với đại biểu về quan điểm, hiểu biết sai lầm về NKT hiện vẫn còn tồn tại trong cộng đồng và như rào cản để họ có thể hòa nhập thực sự, doanh nghiệp cũng ngại ngần khi sử dụng lao động khuyết tật. Ví dụ như: Người khuyết tật vận động phải sử dụng xe lăn không thể làm việc với tốc độ nhanh, sức ép cao. NKT làm việc có ảnh hưởng không tốt tới những đồng nghiệp khác;…

Nhưng “sự thực là mọi công dân sinh ra đều có quyền và cơ hội việc làm bình đẳng như nhau”, bà Nguyễn Hồng Oanh nhấn mạnh. NKT cũng giống như người không khuyết tật. Cho dù bị khiếm khuyết một phần nào đó của cơ thể nhưng những bộ phận khác vẫn còn hoạt động. Do vậy họ vẫn có thể làm việc được, thậm chí có thể làm tốt.

Câu hỏi mà nhiều NKT đặt ra là liệu các doanh nghiệp du lịch có sẵn sàng đầu tư những cơ sở vật chất để nhân viên là NKT có thể làm việc và điều gì là trở ngại chính của họ? Có sẵn sàng sử dụng người lao động vào làm việc tại cơ sở không?

Không chỉ NKT, mà nhiều doanh nghiệp do NKT quản lý tham gia diễn đàn cũng đặt câu hỏi như: Nhà nước nghĩ gì về việc thực hiện các chính sách để tạo việc làm trong ngành du lịch của NKT, cần làm gì để những NKT có đủ tự tin tham gia nhiều hơn vào lao động của ngành.

Vấn đề nhận được nhiều quan tâm và ý kiến thảo luận, chia sẻ nhất trong sự kiện lần này là việc tiếp cận đối tượng khách hàng là NKT của các doanh nghiệp du lịch chưa sẵn sàng, chưa đúng cách. Việc đầu tư hạ tầng du lịch hiện nay đang “bỏ hổng”, “quên” NKT dù đây là đối tượng đang có nhu cầu ngày càng tăng về du lịch.

Theo thống kê của ILO, NKT hiện chiếm khoảng 10% dân số thế giới và đang có nhu cầu lớn về du lịch. Được biết, vào tháng 9.2013, các dự án PROPEL (Thúc đẩy các quyền và cơ hội cho người khuyết tật: bình đẳng thông qua pháp luật) và SIT (Tăng cường du lịch các huyện sâu trong đất liền của tỉnh Quảng Nam) đã phối hợp tổ chức hội thảo đào tạo cho các cơ sở du lịch tại Hội An về cách giao tiếp với các khách hàng khuyết tật. Đầu tháng 10.2013, PROPEL đã cung cấp các khóa đào tạo cho các nhân viên, các trường đại học về bình đẳng khuyết tật nhằm thay đổi quan niệm và thái độ với NKT để thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của họ trên thị trường lao động.

Kết quả khảo sát mới đây cho biết có rất ít khách sạn ở Quảng Nam đầu tư hạ tầng dịch vụ như phòng chuyên dụng, lối đi dành cho phương tiện di chuyển của NKT, đội ngũ nhân viên cũng chưa được đào tạo kỹ năng phục vụ, giao tiếp với khách hàng là NKT.

Tình trạng này tồn tại không chỉ ở những cơ sở nhỏ mà cả những khu du lịch, resort lớn cũng ít được quan tâm. Tương tự, tại những điểm tham quan du lịch trong tỉnh cũng rơi vào tình trạng như thế. Bên cạnh việc các doanh nghiệp ít quan tâm vì phải mất thêm chi phí thì còn nguyên nhân là do đối tượng khách du lịch là NKT không nhiều nên các doanh nghiệp ít đầu tư.

Mới đây, tháng 10.2013, lần đầu tiên, Sở VHTTDL Quảng Nam cũng phối hợp với Văn phòng ILO tại Quảng Nam tổ chức hội thảo chuyên đề về hướng dẫn kỹ năng phục vụ khách du lịch. Tại hội thảo này, nhiều ý kiến của doanh nghiệp cũng cho rằng nguyên nhân thời gian qua ngành du lịch Quảng Nam chưa chú trọng đúng mức đến NKT một phần vì thiết hụt các trang bị hạ tầng chuyên dụng, phần khác do chưa được đào tạo về kỹ năng phục vụ đối tượng khách là NKT. Các doanh nghiệp cũng thừa nhận rằng nên đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ, trang bị các phương tiện chuyên dụng vì các cơ sở này vừa dành cho người NKT, đồng thời cũng có thể dành cho đối tượng khách người cao tuổi, người dưỡng bệnh,… 

Nguồn: baovanhoa.vn