logo
title

Khi doanh nghiệp du lịch “đói” danh hiệu

Cập nhật ngày: 13/12/2013
Các giải thưởng du lịch nhằm tôn vinh, khích lệ những đóng góp của doanh nghiệp du lịch cho kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, phần lớn giải thưởng có tiêu chí không rõ ràng, thậm chí doanh nghiệp chỉ cần đóng tiền để mua giải...

Những giải thưởng du lịch vừa được trao gần đây, dù được thực hiện bởi những tổ chức có uy tín, đã gây nhiều phản ứng trong dư luận.

Nhập nhèm tiêu chí giải thưởng

"Chẳng khác gì đóng tiền để mua giải, mấy cái giải này nhận rồi cũng chẳng nở mày nở mặt gì với anh em trong giới"

Ngày 4-12, Tổng cục Du lịch VN (VNAT), Hiệp hội Du lịch VN (VITA) đã tổ chức tôn vinh và trao Giải thưởng du lịch VN... năm 2012! Theo đó, 62 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và hãng hàng không hàng đầu VN năm 2012 đã được khen thưởng.

Đây không phải lần đầu tiên có hiện tượng này, thường đến cuối năm VNAT và VITA mới tổ chức công bố, trao Giải thưởng du lịch VN năm trước. Đại diện một khách sạn lớn cho biết năm nay họ không tham gia do nhận được thông báo của VNAT vào tháng 10-2013, chỉ có gần một tháng để hoàn tất hồ sơ nên không chuẩn bị kịp.

Giải thích chuyện trái khoáy này, ông Nguyễn Hữu Thọ - chủ tịch VITA, đồng chủ tịch hội đồng - cho biết mỗi năm ban tổ chức đều phải xin và chờ sự đồng ý cho phép của Chính phủ mới được tổ chức. Chẳng hạn, đến tháng 8-2013 VNAT, VITA mới được chấp nhận cho tổ chức sự kiện này, nên các doanh nghiệp không thể nhận được thông báo sớm hơn. Thậm chí, trao giải cho doanh nghiệp đạt thành tích năm 2012 mà lại phải sử dụng tiêu chí năm 2011 vì “không còn kịp thời gian chuẩn bị”.

Trước đó, một tờ báo chuyên ngành du lịch lần đầu tiên tổ chức giải thưởng vinh danh các doanh nghiệp trong ngành du lịch về quản lý giỏi, dịch vụ chất lượng đã phải rút lại giải thưởng dịch vụ chất lượng “lỡ” trao cho Công ty du lịch Intour (đăng ký tại Q.Gò Vấp, TP.HCM), một doanh nghiệp đầy tai tiếng.

Cụ thể, giữa tháng 10-2013 doanh nghiệp này đã bị Sở Văn hóa - thể thao và du lịch rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trong thời gian ba tháng và phạt tiền 31,5 triệu đồng do có hàng loạt sai phạm trong kinh doanh. Trưởng ban tổ chức cuộc bình chọn này cho biết “đây là bài học đau lòng vì đã không xây dựng tiêu chí chặt chẽ và giám sát nghiêm túc”.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, dịch vụ, vận chuyển... cho biết phần lớn giải thưởng du lịch đều kêu gọi doanh nghiệp “tự nguyện” đóng góp cho giải thưởng.

Thậm chí, nhiều giải thưởng du lịch nghe tên thì rất kêu nhưng trong quy chế xét tặng danh hiệu, ban tổ chức thẳng thắn đề cập chi phí tham gia cho các doanh nghiệp đoạt giải. Chẳng hạn, danh hiệu A thì số tiền đóng góp là bao nhiêu triệu đồng/giải và danh hiệu B bao nhiêu triệu đồng/giải (chưa bao gồm thuế VAT).

“Chẳng khác gì đóng tiền để mua giải, mấy cái giải này nhận rồi cũng chẳng nở mày nở mặt gì với anh em trong giới” - giám đốc một công ty lữ hành chia sẻ.

Nắm được nhu cầu cần có giải thưởng để quảng bá thương hiệu và khuếch trương uy tín của mình, nhiều giải thưởng đã được đặt ra và tiêu chí lựa chọn vô cùng lỏng lẻo dẫn đến những chuyện “đau lòng”. Có cuộc bình chọn mà 20 giải thưởng nhưng chỉ có 11 đơn vị tham dự để rồi kết quả mỗi đơn vị nhận 2-3 giải.

Cần thêm sân chơi xứng tầm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp du lịch lữ hành, nhà hàng, khách sạn, vận chuyển... thừa nhận họ “đói” danh hiệu và có nhu cầu làm thương hiệu cho doanh nghiệp, nhưng số lượng những giải thưởng thật sự có chất lượng, uy tín chẳng đếm nổi trên đầu một bàn tay. Người đứng đầu một doanh nghiệp lữ hành ở TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho rằng nhu cầu được vinh danh cho những nỗ lực, vươn lên của doanh nghiệp là có thật.

“Du lịch đã đóng góp đến 11% GDP của cả TP trong khi tình hình kinh tế khó khăn, chúng tôi cũng muốn tham gia cuộc thi nào đó nhưng tiêu chí của các cuộc bình chọn hoặc quá lỏng lẻo, quá dễ hoặc lại quá cao không đủ sức” - ông này cho biết. Ông cho rằng nên có những tiêu chí rất cụ thể như giải thưởng quốc gia cho các doanh nghiệp du lịch với các tiêu chí: trách nhiệm với xã hội, bảo vệ môi trường, doanh số cao, phục vụ nhiều lượt khách... để các doanh nghiệp chọn xem danh hiệu nào phù hợp với mục tiêu phấn đấu của doanh nghiệp mình thì tham gia.

Thế nhưng, ngay cả danh hiệu Giải thưởng du lịch hằng năm do VNAT và VITA tổ chức, danh sách các đơn vị được vinh danh cho các mục: đơn vị lữ hành quốc tế hàng đầu, doanh nghiệp lữ hành nội địa hàng đầu, khách sạn hàng đầu nhiều năm liền cũng chỉ thấy quanh đi quẩn lại một vài đơn vị, chưa kể những đơn vị này có thật sự xứng đáng hay chưa. Một lãnh đạo VITA thừa nhận ngành du lịch VN đã có hơn 22.000 cơ sở lưu trú, hơn 1.250 công ty lữ hành..., trong khi số lượng giải thưởng du lịch năm cao nhất (2012) chỉ có 62 giải, không đáng là bao so với số lượng các doanh nghiệp thành viên của VITA.

Đã có những đề xuất cho VNAT và VITA nên tạo thêm nhiều tiêu chí trong giải thưởng quốc gia cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những thành phần năng động nhất của nền kinh tế tham gia. Các hiệp hội cũng nên có những giải thưởng riêng để khích lệ tinh thần, vinh danh nỗ lực của các thành viên mình.

LÊ NAM

 

 

Không có tiêu chí vi phạm hành chính

Một số ý kiến gửi đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ cho rằng hai khách sạn được vinh danh trong mục khách sạn 5 sao hàng đầu và khách sạn 4 sao hàng đầu VN của Giải thưởng du lịch 2012 vừa công bố đã từng bị Cục Phòng chống tội phạm về môi trường thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) ra quyết định xử phạt mỗi khách sạn 75 triệu đồng vì xả chất thải lỏng ra môi trường quá mức cho phép.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch VITA, cho biết trong quy chế lựa chọn chỉ đề cập việc ứng cử viên không được vi phạm pháp luật, đảm bảo doanh thu, không để xảy ra tai nạn lao động, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... chứ không có tiêu chí vi phạm hành chính, vì vậy các khách sạn từng bị phạt này không vi phạm quy chế.

 

Nguồn: tuoitre.vn